Trận đấu này nằm trong chương trình giao lưu bóng bàn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Bóng bàn học đường
Đây không phải lần đầu tiên các tay vợt Việt Nam thi đấu giao hữu với những đối thủ hùng mạnh đến từ Nhật Bản. Đã thành thông lệ, hằng năm các tay vợt bóng bàn Nhật Bản lại đến Việt Nam thi đấu giao hữu thông qua mối quan hệ của doanh nhân Tomioka Takeyoshi.
Bóng bàn Việt Nam không hề xa lạ với ông Takeyoshi - người thường được gọi với cái tên gần gũi là "Take".
Kinh doanh trong mảng dụng cụ bóng bàn, ông Takeyoshi có mối quan hệ sâu rộng với làng bóng bàn đỉnh cao Nhật Bản.
Và để hỗ trợ cho "quê hương thứ 2" (ông Takeyoshi đã sinh sống tại Việt Nam hơn 20 năm), vị doanh nhân trung niên này từng mời sang Việt Nam những tên tuổi hàng đầu trong làng banh nhựa Nhật Bản.
Ngay Murakami Yasuzaku - người từng làm HLV trưởng tuyển bóng bàn nữ Nhật Bản - cũng từng sang Việt Nam để "chỉ giáo" các tay vợt trẻ trong đội tuyển TP.HCM.
Với mối quan hệ khắng khít đó, các HLV và VĐV Nhật Bản luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm với bóng bàn Việt Nam. "Là một người làm kinh doanh, tôi mong muốn phong trào bóng bàn Việt Nam được đẩy mạnh vì điều đó có lợi cho tôi.
Nhưng chúng ta cần nhìn vấn đề rộng hơn, nếu phong trào bóng bàn được phát triển, điều đó càng có lợi cho các em học sinh, giới trẻ, người Việt Nam nói chung.
Từ lâu, người Nhật chúng tôi đã xác định bóng bàn là môn thể thao cần được mở rộng vì phù hợp với tố chất người châu Á", ông Takeyoshi cho biết.
Có nhiều cách để lan tỏa đam mê
Ở Nhật, bóng bàn nằm trong nhóm 10 môn thể thao được ưa chuộng nhất. Nhưng quan trọng hơn bóng bàn là môn thể thao đi đầu trong việc đưa vào học đường.
Hầu như ở mỗi tỉnh thành của Nhật đều có những trường học xem bóng bàn là môn thế mạnh. Rất nhiều tay vợt hàng đầu của Nhật trưởng thành từ mô hình CLB trường học.
"Người Nhật chơi bóng bàn từ năm 5 tuổi. Rất nhiều trẻ em được học chơi bóng bàn ở trường. Vì vậy công tác tuyển chọn, đào tạo lại càng có lợi.
Đó có lẽ là thế mạnh của chúng tôi nếu so với Trung Quốc - cường quốc số 1 thế giới ở môn này. Nhưng để làm được điều đó không hề dễ dàng bởi phải có sự phối hợp ăn ý giữa ngành thể thao và giáo dục, giữa các liên đoàn và trường học", ông Takeyoshi nói.
Ông Makoto Ito, một HLV bóng bàn có tiếng cũng từng nhiều lần sang Việt Nam, đưa ra lời khuyên: "Có nhiều cách để thúc đẩy bóng bàn trẻ. Ở Nhật, chúng tôi tạo ra những chuyến "du học" cho các tay vợt học sinh đến trung tâm đào tạo bóng bàn quốc gia.
Hằng năm những học sinh xuất sắc sẽ có cơ hội trải nghiệm ở đây một thời gian. Điều đó vừa giúp kích thích sự đam mê của học sinh, vừa cho các em một cơ hội để nghiêm túc suy nghĩ về con đường VĐV chuyên nghiệp".
Trong cách thức làm bóng bàn của người Nhật, việc truyền cảm hứng lan tỏa niềm đam mê đến học sinh là yếu tố then chốt. Cũng vì vậy để hỗ trợ cho bóng bàn Việt Nam, ông Takeyoshi liên tục mời sang những tên tuổi hàng đầu trong giới bóng bàn Nhật Bản.
Bộ ba VĐV Miuchi, Uemura và Sambe của đội Citizen đến giao lưu lần này đều từng lọt vào vòng 16 Giải vô địch quốc gia Nhật Bản, còn tay vợt Sambe từng lọt vào top 100 thế giới. Năm ngoái, đích thân HLV lừng danh Murakami Yasuzaku đã thị phạm cho các tay vợt trẻ của TP.HCM.
Sẽ tăng cường sang Nhật Bản tập huấn
Ông Từ Nhân Luân, trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM, cho biết thời gian tới sẽ xem xét tổ chức đi tập huấn tại Nhật Bản. "Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc bóng bàn hàng đầu thế giới và lại gần gũi với chúng ta.
Chi phí thì khá tương tự nhau, và đi đến đâu cũng có rất nhiều cái để học hỏi. Nhưng với riêng Nhật Bản cùng Hàn Quốc, họ cho thấy sự quan tâm đặc biệt và thực tâm muốn giúp đỡ bóng bàn Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận