20/03/2017 11:25 GMT+7

Người Nhật dạy trẻ phòng ngừa xâm hại tình dục ra sao?

TRÚC NGUYỄN  (lược dịch và tổng hợp)
TRÚC NGUYỄN (lược dịch và tổng hợp)

TTO - Trong các bài giảng cho học sinh tiểu học, người Nhật không chỉ dạy cho trẻ cách đề phòng mà còn nhấn mạnh rằng khi bị xâm hại, phải biết cách cầu cứu, phát tín hiệu cho mọi người xung quanh biết.

Luôn giải thích cho trẻ mọi thứ,đó là một trong những việc làm hàng ngày của những ông bố, bà mẹ ở Nhật - Ảnh: Tư liệu 

Xung quanh hàng loạt vụ xâm hại tình dục ở trẻ em trong thời gian gần đây, bạn đọc Trúc Nguyễn gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ kinh nghiệm phòng chống vấn nạn này ở Nhật. 

Nhằm góp thêm một góc nhìn cho diễn đàn , dưới đây là bài viết của bạn đọc Trúc Nguyễn.

"Từ lâu ở Nhật đã có môn học bắt buộc gọi là môn “Giáo dục sức khỏe”, dạy các em về giới tính, cách phòng tránh các loại xâm hại, an toàn thực phẩm, sức khỏe thể chất sức khỏe tâm hồn…

Mỗi bài học là một “case study” từ thực tế sống động kèm với số liệu điều tra khoa học bài bản chính thống.

Những bài học về tội phạm xâm hại trẻ em và giáo dục cách phòng ngừa, người Nhật đặc biệt lưu ý rằng, công an và mọi người xung quanh luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi thấy trẻ em gặp nạn. Họ luôn làm mọi cách để cho các em đừng bao giờ nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, bị đơn độc mà buông xuôi.

Sách hướng dẫn này chỉ ra những nơi vắng vẻ, những nơi người xung quanh khó nhìn thấy và những nơi mọi người được tự do ra vào thường là những nơi có tiềm ẩn những nguy hiểm cao.

Và, 70% trường hợp bị xâm hại xảy ra là khi trẻ em chỉ có một mình. Trong đó, khoảng hơn một nửa số vụ xảy ra trong khoảng thời gian từ 3 giờ tới 6 giờ chiều...

Đặc biệt, trong sách có in hình minh họa để cho học sinh thảo luận phân biệt bối cảnh của những bức hình, như ở hình nào là có tiềm ẩn nguy hiểm và hình nào là miêu tả môi trường tương đối an toàn, đồng thời có cho học sinh làm bài tập thực hành như ghi ra những ý kiến những suy nghĩ riêng có của từng em hoặc khuyến khích các em kể về trường hợp nguy hiểm mình từng trải qua v.v…

Học sinh tiếp xúc tương tác với các nội dung trên, sau đó bài giảng đúc kết biện pháp phòng ngừa như: Trẻ không nên chơi một mình ở công viên và những nơi công cộng; Không đi một mình đến những địa điểm vắng người  hoặc những nơi người xung quanh khó nhìn thấy; Không đi một mình qua đường vắng và thiếu ánh sáng; Trước khi đi đâu các em nên ghi chú lên bảng thông báo hoặc giấy ghi chú cho gia đình biết thời gian đi và thời gian về, mình đi đâu địa chỉ nơi mình đi đến và số điện thoại liên hệ (nếu có) càng tốt.

Trong các bài giảng, cũng nhấn mạnh rằng khi bị cuốn vào nơi dễ bị xâm hại thì phải biết cách cầu cứu, phát tín hiệu cho mọi người xung quanh biết mình đang gặp nguy hiểm…

Đặc biệt họ còn lưu ý rằng, công an và mọi người xung quanh luôn luôn sẵn sàng hành động giúp đỡ khi thấy trẻ em gặp nạn. Làm cho các em đừng bao giờ nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, bị đơn độc mà buông xuôi.

Ngoài ra để bảo đảm cuộc sống an toàn và phòng tránh trẻ bị xâm hại thì phải tập cho trẻ thói quen biết cân nhắc môi trường nguy hiểm, tránh đến nơi dễ xảy ra tội phạm.

Ngoài việc trang bị kiến thức cho trẻ ngay từ nhỏ, hiện nay ở Nhật có một loại cặp học sinh được sử dụng khá phổ biến là loại cặp được chế tạo có một nút bấm ngay ở phía trước, bất kỳ khi nào các em cảm thấy có điều lo sợ thì bấm nút, cặp sẽ phát ra âm thanh như còi báo động để những người lớn ở gần đó chạy đến giúp đỡ các em v.v…

Có thể nói, đó là những "chỉ dấu" đáng để chúng ta lưu tâm.

Từ cách bảo vệ trẻ em ở Nhật, cho thấy dù là nước phát triển, nhưng từ lâu họ đã đưa vào sách giáo khoa tiểu học những bài học về tội phạm xâm hại trẻ em và giáo dục cách phòng ngừa.

Ở nước ta, nhân những vụ xâm hại giới tính trẻ em xảy ra có phần gia tăng dạo gần đây vấn đề này mới được dư luận xã hội quan tâm. Nhưng, nói về trách nhiệm và cách phòng ngừa thì chúng ta dường như đang “bơi” trong một rừng các ý kiến, các lời khuyên của nhiều chuyên gia.

Có bao nhiêu thầy cô và cha mẹ đã từng hỏi con em học sinh những câu hỏi như: khi đi bộ trên đường, khi vui chơi trong công viên hoặc những khu vực công cộng tại địa phương... có điều gì làm cho con em lo lắng sợ hãi, để nghe con bộc bạch hay không? Rõ ràng là còn ít.

Trong lúc có những câu hỏi của cha mẹ như: con ăn chưa, con uống sữa chưa, con làm bài tập chưa… quá nhiều đến nỗi làm con phát ngán.

Tóm lại, để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra cho con em mình, đã đến lúc ngành giáo dục, nhà trường và gia đình cần nghiên cứu áp dụng các phương án phòng ngừa như người Nhật đã làm là hết sức cần thiết". 

Kể từ hôm nay, trang bạn đọc Tuổi Trẻ Online mở diễn đàn để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện mắt thấy tai nghe, xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Mời bạn cùng tham gia. Bài viết xin gởi về địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn! 

 

TRÚC NGUYỄN (lược dịch và tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên