Phóng to |
Oscar Salemink |
* Thưa PGS, ba năm nghiên cứu vấn đề nhập hồn ở Hoà Bình, ông rút ra những điều thú vị gì?
- Điều tôi cảm thấy thú vị nhất là dường như người ta có thể giao tiếp được với linh hồn của tổ tiên. Ở các nước châu Âu hiện tượng này có thể bị xem là những câu chuyện ma kinh dị (như vẫn thường thấy trên phim ảnh Hollywood và loại phim truyền hình nhiều tập), song đối với người Việt thì lại khác. Ở phương Tây, người chết không được thờ cúng một cách trân trọng ở bàn thờ đặt chính giữa nhà như ở VN.
Oscar Salemink từng đến VN nhiều lần. Ông học tiếng Việt một năm ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội (Ông nói thạo tiếng Anh, Pháp, Đức). Từng là thành viên của Quỹ Ford (1996-2001), ông tham gia một số dự án bảo tồn văn hoá và xoá đói giảm nghèo ở các tỉnh vùng cao và Tây Nguyên, có dịp đi đây đi đó khắp VN. Dần dà, ông nhận ra rằng một dân tộc như dân tộc Việt sở dĩ có sức sống mãnh liệt là nhờ nền văn hoá truyền thống lâu đời, nhờ những phong tục tập quán độc đáo còn lưu giữ được. Ngôn ngữ mới chỉ là lớp vỏ, còn nội hàm của một dân tộc phải là lịch sử, bản sắc văn hoá, truyền thống, đời sống tinh thần được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Năm 1987, ông đến VN lần đầu và người thầy đầu tiên của ông về Việt Nam học là GS Phan Huy Lê. Năm 2002, ông cùng với GS Phan Đăng Nhật nghiên cứu hiện tượng nhập hồn ở vùng cao Hoà Bình. Tại hội thảo VN học 2004, bản tham luận của ông làm nhiều người sửng sốt vì tính sắc sảo và sự thâm nhập khá sâu vào đời sống văn hoá của các dân tộc ít người ở Việt Nam. Bài viết có tựa đề "Những biến đổi trong hành lễ của một bà đồng gọi hồn ở vùng cao phía bắc VN". |
* Vậy ông có nhận xét gì về vai trò của linh hồn người chết đối với người sống thông qua tập tục thờ cúng của người Việt?
- Thực ra, có nhiều cách và nhiều khía cạnh để tiếp cận nghiên cứu các hiện tượng này. Khi xem xét nhiều khía cạnh như vậy, tôi bị bất ngờ vì một số quan niệm về đạo đức của các hồn đối với hành vi của người sống. Khi những người sống muốn gặp gỡ linh hồn của tổ tiên, họ gặp bà đồng để thông qua đó "nói chuyện" bình thường và xin ý kiến của các linh hồn. Và các linh hồn có thể chia sẻ suy nghĩ, chẳng hạn phê phán những thói hư tật xấu ở trần thế...
* Ông có thể phân tích thêm cảm nhận của ông?
- Nếu người sống tin rằng họ có thể thực sự còn quan hệ với người đã khuất, thì niềm tin ấy cho họ cảm giác được an ủi trước nỗi đau mất mát người thân. Sự "giao tiếp" này mang ý nghĩa tình cảm và có thể chữa lành vết thương trong tâm hồn, cũng như làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Điều đó cũng cho phép người đang sống nghiệm lại những việc họ đã làm và đúc kết mình làm được những gì trong việc chăm sóc cho người quá cố cả lúc họ còn sống lẫn khi đã chết. Chẳng hạn như, người Việt rất quan tâm đến việc tìm mộ và chăm sóc phần mộ của người thân.
* So với các tập tục trên thế giới, tập tục nhập đồng truyền thống trên ở VN có gì giống và khác không, thưa ông?
- Sau gần hơn 2 thế kỷ khoa học tiến bộ, ngày càng thấy rõ một điều rằng khoa học không thể trả lời được những câu hỏi cơ bản về sự sống và cái chết.
Có thể xem những gì xảy ra ở VN cũng tương tự nhiều nước Châu Á. Hơn thế, từ trước đến nay, không có phương pháp khoa học nào dám chỉ ra một tôn giáo tín ngưỡng nào là "có" hay "không" cả. Mục đích của tôi là so sánh các hiện tượng như vậy ở các nước Đông Nam Á.
VN cũng có những phong tục giống một số nước, và qua việc nghiên cứu những hiện tượng đó, có thể hiểu dân tộc mình và những nước xung quanh hơn.
* Khi nghiên cứu văn hoá phương Đông, theo ông, VN nên bảo tồn những nét riêng nào?
- Có rất nhiều nét văn hoá VN cần được bảo tồn như lễ hội đình làng, âm nhạc dân gian (ca trù, hát chèo...), các nghi lễ , phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số... Điều này thể hiện bản sắc của cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn không đơn giản vì đó không chỉ là đối tượng vật thể để lưu giữ trong bảo tàng, mà là văn hoá phi vật thể, văn hóa "sống": Có thể đó là những hồi ức, suy nghĩ và hoạt động văn hoá của cộng đồng. Nếu xã hội và lối sống thay đổi, thì cũng sẽ dẫn đến những thay đổi về văn hoá. Thí dụ như trong quá trình đổi mới, cùng với công cuộc cải cách kinh tế, lối sống và bản sắc văn hoá Việt Nam cũng có nhiều thay đổi.
* Khi nghiên cứu các ngành Pháp học, Mỹ học, Anh học, thậm chí cả VN học, điều cơ bản để ông làm chìa khóa "mã hoá" mỗi dân tộc là gì? Vì sao bên cạnh các cường quốc, ông lại chọn thêm VN?
- Chẳng có một tiêu chí cố định nào để xác định "bản chất" của một dân tộc, quốc gia. Có nhiều cuộc tranh luận khoa học về vấn đề quốc gia, dân tộc học, sắc tộc, nhưng đây là một đề tài dài không thể đề cập ở đây. Tôi chọn ngành VN học là vì những ấn tượng về chiến tranh VN đã khuấy động tâm trí tôi thời trẻ khi xem qua truyền hình và dẫn tôi đến với ngành dân tộc học.
Tôi đến VN lần đầu tiên năm 1987. Tôi không dám nói rằng mình đã hiểu xã hội VN, nhưng một người có thể hiểu mình (hay xã hội mình) hơn nếu họ có kinh nghiệm hiểu biết xã hội khác. Trong trường hợp của tôi, tôi tin mình đã hiểu xã hội Hà Lan tốt hơn khi tôi sống ở nước ngoài một thời gian dài, nên nhìn những đặc trưng của xã hội này rõ hơn khi tôi sống giữa lòng xã hội đó.
Dĩ nhiên, Hà Lan và VN mang những hình thái xã hội khác nhau nhưng cùng chịu ảnh hưởng chung của quá trình toàn cầu hóa. Hiểu người khác, cũng là để hiểu mình hơn mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận