Đưa người nghi nhiễm COVID-19 đến nơi cách ly - Ảnh: D.P.
Trong khi đó, các đơn vị giám sát khu vực biên giới vẫn phát hiện người nhập cảnh lậu, có tình trạng người bên ngoài tiếp xúc với người trong khu cách ly, thậm chí là mua hàng, đổi tiền giúp, có nguy cơ làm lây lan COVID-19 ra cộng đồng.
Hành vi tưởng là vô hại
Hơn một tuần trước, Hà Nội đã phải báo động đỏ, lập ngay 5 đoàn kiểm tra, sau khi có 2 nhân viên khách sạn ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiếp xúc gần với bệnh nhân trong khu cách ly. Những hành vi "giúp khách" tưởng rất vô hại lại làm lộ ra một câu chuyện là dịch COVID-19 có thể lây lan từ khu cách ly.
Trước đó, báo cáo của cơ quan chức năng cũng cho thấy đã có tình trạng người bên ngoài vào tận khu cách ly để bán hàng, tiếp xúc gần với người đang bị cách ly. Tối 10-11, tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh An Giang đã ghi nhận 8 người xuất nhập cảnh trái phép tại biên giới với Campuchia. Rải rác từ tháng 7 đến nay, từng có những vụ "nhập cảnh" trái phép rồi đi máy bay vào tận TP.HCM hay đi xe khách đến nhiều địa phương bị phát hiện. Nếu có sơ sẩy thì một "Đà Nẵng mới" hoàn toàn có thể xảy ra.
Chiều 12-11, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ông Đặng Quang Tấn cho biết số mắc trên thế giới đang tăng rất nhanh những ngày gần đây, hiện đã vượt 53 triệu ca. Một số quốc gia tưởng đã ổn nhưng khi nới giãn cách, dịch lại xuất hiện. Những ngày gần đây, tất cả các ca mắc mới ghi nhận tại Việt Nam đều là công dân Việt Nam về nước bằng các chuyến bay giải cứu và chuyên gia đến làm việc.
Phải đeo khẩu trang
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các sở, ngành, quận huyện bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người không đeo khẩu trang tại 5 khu vực gồm: bệnh viện, bến xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, chợ, kiên quyết thực hiện "không đeo khẩu trang không cho vào".
Theo yêu cầu của UBND TP, các khu vực bắt buộc đeo khẩu trang đã được yêu cầu mở rộng hơn: trên phương tiện giao thông công cộng, công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, nhà ga, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa thể thao tại nơi công cộng, sân vận động...
PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19, khẳng định biện pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, theo khuyến cáo "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Biên giới Tây Nam vẫn "đóng cửa"
Tại các tỉnh biên giới Tây Nam giáp Campuchia, biên giới vẫn "đóng cửa" nghiêm để phòng chống dịch COVID-19. Hàng hóa vẫn được qua lại nhưng dưới sự giám sát nghiêm của lực lượng kiểm dịch y tế và phải đảm bảo phương án phòng dịch.
Ông Lê Văn Phước - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết vừa có công văn gửi bộ đội biên phòng, các sở, ngành và địa phương về việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Campuchia.
Phía cửa khẩu quốc gia Giang Thành, lượng người qua lại biên giới khá thưa thớt. Tương tự, phía cửa khẩu quốc tế Hà Tiên lượng người và phương tiện, xe vận tải qua lại thưa thớt.
Toàn bộ người và hàng hóa trước khi nhập cảnh vào nội địa đều phải qua kiểm tra thân nhiệt, kiểm dịch theo đúng quy định.
BỬU ĐẤU - KHOA NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận