04/04/2018 12:10 GMT+7

Người nhà 'tố' bệnh viện tắc trách làm chết sản phụ

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Người nhà sản phụ “tố” bệnh viện chậm trễ trong mổ bắt con cho sản phụ mới dẫn đến sản phụ chết sau khi mổ. Còn bệnh viện cho rằng sản phụ chết do thuyên tắc ối. Công an đang thụ lý vụ việc.

Nhiều ngày qua, ông Văng Tất Ninh, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết và xử lý nghiêm việc Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới đã chậm trễ trong mổ bắt con khiến sản phụ Văng Thị Thùy Dương, 23 tuổi, tử vong.

Theo ông Ninh, sản phụ Dương mang thai con thứ 2, dự sinh là ngày 28-2. Tuy nhiên, đến ngày 13-3 vẫn chưa có dấu hiệu sinh.

Ngày 14-3, gia đình đưa chị Dương vào nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới.

Đến 8h sáng 15-3, người nhà yêu cầu bệnh viện vì Dương đau bụng mà thai lớn và đã quá ngày sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ trả lời: “Sẽ lên lịch chiều mổ”.

Đến chiều cùng ngày, bác sĩ cho sinh thường. Gần 16h chiều, bên ngoài người nhà nghe Dương kêu đau nên yêu cầu bác sĩ nhanh chóng mổ. Một lúc sau, bác sĩ kêu người nhà đi làm thủ tục mổ.

“Thủ tục làm chưa xong, họ đã đẩy Dương qua phòng mổ. Gia đình chạy theo, thấy mặt mày Dương tím tái, cháu không còn cử động. Khi nhiều bác sĩ vào mổ và cấp cứu thì bắt được bé ra nhưng Dương đã tử vong” - ông Ninh nói.

Bác sĩ Trần Quốc Phú, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới, cho biết khi nhập viện sản phụ Dương đã có thai được 41 tuần tuổi (đã quá ngày sinh) nhưng chưa chuyển dạ, phải vào bệnh viện để theo dõi. 

Bệnh viện đã làm các bước xét nghiệm, sốc chuyển dạ và test sức khỏe, nhưng sản phụ vẫn chưa chuyển dạ được. 

Ngày hôm sau thì có dấu hiệu khởi phát chuyển dạ, đến trưa mới mở cổ tử cung. Bác sĩ ở Khoa sản dự định mổ bởi ước lượng thai lớn (khoảng 3,8kg) nên đã mời người nhà vào trao đổi để mổ.

Trong lúc mời chồng sản phụ vào làm hồ sơ thủ tục giấy tờ mổ, sản phụ trong phòng sinh có hiện tượng bị ngưng tim. Lúc này, mọi công tác được triển khai mổ cấp tốc, huy động cả bệnh viện, mời cả kíp cấp cứu sản phụ khoa đến tiếp hồi sức cho người mẹ, một ekíp khác thì phẫu thuật cứu đứa bé.

Khi em bé được bắt ra khá yếu, nhưng sau đó dần ổn định và đã xuất viện. Người mẹ có nhịp tim trở lại nhưng lúc có lúc không. Cuối cùng, vẫn không cứu được người mẹ. 

Quá trình tử vong quá đột ngột như vậy được chẩn đoán khả năng là bị thuyên tắc ối.

“Đúng là người nhà họ có yêu cầu mổ bắt con trước, nhưng lúc đó chưa có dấu hiệu chuyển dạ hay vỡ nước ối thì làm sao mổ được. Chúng tôi mổ theo dấu hiệu y khoa chứ không mổ theo yêu cầu. Người nhà nói chúng tôi tắc trách là không đúng” - ông Phú nói.

Theo ông Phú, thuyên tắc ối có nghĩa là nước ối khi vỡ ra không chảy ra ngoài mà đi ngược vào mạch máu của người mẹ, gây tắc mạch phổi, mạch tim, ngưng thở đột ngột. Trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc ối rất hiếm gặp và nguy cơ tử vong rất cao (trên 90%), ngay cả những bệnh viện lớn cũng khó cứu được.

“Ngay sau khi sản phụ tử vong, Ban giám đốc bệnh viện đã cử nhân viên đến gia đình thăm viếng và gửi 10 triệu đồng giúp lo chi phí an táng sản phụ. Còn khi nào có kết luận khẳng định bệnh viện chậm trễ thì chúng tôi sẽ xử lý êkíp trực. Chứ trong chuyện này bệnh viện không hề có cái sai” - ông Phú khẳng định.

Ngày 4-4, thượng tá Nguyễn Nhật Trường, trưởng Công an huyện Chợ Mới, cho biết hiện tại cơ quan công an đang chờ kết quả giám định pháp y của công an tỉnh An Giang mới có kết luận chính thức trả lời cho người nhà sản phụ.

Thuyên tắc ối không vô phương cứu chữa

TT - Ở Việt Nam thuyên tắc ối thường được xem là sát thủ không kịp trở tay. Tuy nhiên, tại nhiều nước tỉ lệ cứu mẹ trong các ca này hơn 70%. Theo các chuyên gia, để có thể giành giật sản phụ với thần chết khi biến chứng sản khoa này xảy ra thì phải có phương án phòng thảm họa sản khoa.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên