Ông Joo Hyun Bahn rời tòa liên bang ở New York chiều 10-1 - Ảnh: AP |
“Ông ta (Joo Hyun Bahn) là kẻ nói dối. Đó là bậc thầy của chuyện lừa đảo và chúng tôi nghĩ ông ta có thể bỏ trốn |
Daniel Noble (trợ lý tổng công tố) |
Cũng có thể có chút sắp xếp kiểu “vuốt mặt nể mũi”. Ngay khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kết thúc nhiệm kỳ của cơ quan lớn nhất thế giới tại New York vào cuối năm 2016, các quan tòa Mỹ đã ra tay.
Mưu lợi
Ngày 10-1, các công tố viên tại New York đã cáo buộc em trai ông Ban là Ban Ki Sang và con trai người này là Joo Hyun Bahn đưa tiền cho một quan chức Trung Đông. Tòa cáo buộc người nhà ông Ban đã chi các khoản hối lộ để lôi kéo quan chức Trung Đông nói trên sử dụng quỹ của chính phủ để mua dự án xây dựng của họ.
Đối tác không được nêu tên trong hồ sơ tòa án ở Mỹ nhưng trước đó truyền thông Hàn Quốc khẳng định đó là Quỹ hoàng gia Qatar Investment Authority (QIA) của Qatar.
Vụ việc được cho là có dính dáng đến ông Ban Ki Moon bởi theo thông tin trước đây trên báo chí Hàn Quốc, không ít lần người nhà của ông Ban úp mở về việc sử dụng ảnh hưởng quyền lực chính trị của nhà mình để làm thông suốt các hồ sơ kinh doanh.
Trong khi đó, hôm qua (11-1) sau khi có thông tin về kết luận bước đầu của tòa tại Mỹ, Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của ông Ban Ki Moon khẳng định ông không biết tường tận những diễn biến xoay quanh cáo buộc người thân của mình đưa hối lộ.
Theo Hãng tin AP, trong bản cáo trạng dài 39 trang công bố tại tòa án ngày 10-1, các công tố viên cáo buộc ông Ban Ki Sang và con trai ông ta, Joo Hyun “Dennis” Bahn - người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản ở quận Manhattan, từng mong muốn nhận ít nhất 5 triệu USD tiền hoa hồng nếu hoàn thành được thương vụ bán khu phức hợp Landmark 72 của Tập đoàn Keangnam ở Hà Nội ước tính trị giá 800 triệu USD nói trên.
Các công tố viên ở Mỹ cho biết vào đầu năm 2013, Tập đoàn xây dựng Hàn Quốc Keangnam mà em trai của ông Ban làm giám đốc điều hành đối mặt với tình trạng nợ nần, trong đó có cả phần vay để xây dựng khu phức hợp Landmark 72.
Thông tin từ báo chí Hàn Quốc cho biết phần đầu tư xây dựng cho khu phức hợp này lên đến hơn 1 tỉ USD.
Ông Bahn tỏ ra lợi hại với nghề môi giới nên muốn nhảy vào thương vụ lớn này. Họ quen biết với doanh nhân người Mỹ tên Malcolm Harris, người tự xưng là đại diện của quan chức Trung Đông có khả năng gây tác động từ quỹ mua lại tòa nhà ở Hà Nội.
Cuộc giao dịch được tiến hành. Cha con nhà ông Ban chi cho Harris nửa triệu USD và cam kết đưa thêm 2 triệu USD nếu thương vụ thành công.
Vấn đề là đối tác trung gian mà cha con ông Ban tìm cách mua chuộc lại chẳng có quan hệ gì với chính quyền Qatar. Người này ung dung đút túi 500.000 USD tiền lót tay trước và tiêu xài hoang phí.
Sa lầy
Theo AFP, đến khi biết Harris là người không làm được việc, ông Joo Hyun Bahn phần sợ mất uy tín, phần sợ mất số tiền hoa hồng được hưởng trong thương vụ đã thuyết phục ban lãnh đạo Keangnam rằng thương vụ vẫn đang ổn, thậm chí còn làm giả tài liệu để chứng thực cho lời nói của mình.
Nhà bán không được, Tập đoàn Keangnam cuối cùng phải nộp đơn xin phá sản. Và chủ tịch Keangnam sau đó phải tự tử.
Trong phiên tòa tại Mỹ, ông Joo Hyun Bahn bị kết tội với 6 cáo buộc, trong đó có tội gian lận nhằm rửa tiền, tội rửa tiền, tội làm giấy tờ giả và sử dụng giấy tờ giả. Ông Ban Ki Sang cũng bị kết tội với 6 cáo buộc, trong đó có tội rửa tiền và gian lận.
Tại phiên tòa ngày 10-1, người cháu của ông Ban phủ nhận cáo buộc và đã được tại ngoại sau khi nộp thế chân 250.000 USD. Nhưng cả ông Harris lẫn ông Ban Ki Sang vẫn chưa bị bắt.
Bà Julia Gatto, luật sư bào chữa của bị cáo Bahn, cho biết thân chủ của bà tỏ ra hợp tác khi bị bắt. Bà cũng khẳng định thân chủ 38 tuổi của mình sinh sống tại Mỹ đã 18 năm và có quan hệ tốt.
“Việc hối lộ bị cáo buộc và âm mưu gian lận đã xúc phạm tất cả những ai tin vào kinh doanh trung thực và minh bạch” - tổng chưởng lý tòa ở Manhattan, ông Preet Bharara, nhấn mạnh.
Vị quan tòa này cũng cho rằng sự việc này như lời nhắc nhở những người đưa tham nhũng quốc tế đến New York, khi bị cáo buộc ở đây sẽ phải đối mặt với sự trừng trị của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
Vào tháng 12 năm ngoái, tạp chí Sisa của Hàn Quốc từng gây sốc khi đăng một bài viết cáo buộc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhận hối lộ khoảng 230.000 USD từ doanh nhân Park Yeon Cha, người từng là nghi phạm chính trong vụ bê bối tham nhũng dính líu tới gia đình cố tổng thống Roh Moo Hyun. Ngay sau đó, ông Ban Ki Moon đã cực lực bác bỏ các cáo buộc trên và yêu cầu tạp chí Sisa phải chính thức xin lỗi, rút bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận