TTCT - Nhiều nhà khoa học đang "vểnh tai nghe ngóng" bằng những kính thiên văn vô tuyến khổng lồ, mong bắt được tín hiệu đến từ các nền văn minh xa xôi ngoài Trái đất. Ảnh: iStockNhiều nhà khoa học đang "vểnh tai nghe ngóng" bằng những kính thiên văn vô tuyến khổng lồ, mong bắt được tín hiệu đến từ các nền văn minh xa xôi ngoài Trái đất. Nhưng một số khác tin rằng việc giao tiếp với người ngoài hành tinh có thể chỉ mang lại thảm họa.Một tin nhắn từ vũ trụSau hơn 60 năm tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất, nhân loại cuối cùng cũng đã nhận được một tin nhắn gửi từ vũ trụ vào ngày 24-5. Ba trong số các đài quan sát thiên văn vô tuyến hàng đầu thế giới đã phát hiện được một tín hiệu đến từ đâu đó gần sao Hỏa, theo trang Vox. Nội dung của nó đến giờ vẫn chưa được giải mã.Khoan khoan, tin nhắn này thực ra không phải của người ngoài hành tinh! Chính loài người chúng ta đã tổ chức việc truyền tin, nhằm mô phỏng tình huống "SOS có tin nhắn từ vũ trụ".Đây giống như một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy - một cơ hội để xem tất cả chúng ta sẽ phản ứng thế nào nếu thực sự có một tin nhắn đến từ ngoài Trái đất. Liệu các cường quốc có sẵn lòng hợp tác với nhau? Liệu giới khoa học và công chúng có thể bắt tay để cùng giải mã thông điệp? Ai sẽ là người quyết định cách chúng ta trả lời người ngoài hành tinh, hay lựa chọn "làm thinh"? Liệu nhân loại sẽ đưa ra các quyết định một cách dân chủ, hay tất cả sẽ bị cuốn vào chủ nghĩa độc tài, sự hoài nghi và các thuyết âm mưu?"Sân khấu diễn đàn" toàn cầu này là một phần dự án "A Sign in Space" của tổ chức nghiên cứu Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI). Nghệ sĩ Daniela de Paulis cùng với một nhóm nhà khoa học đã nghĩ ra nội dung của tin nhắn được mã hóa. Ai cũng có thể thử sức giải mã và gửi kết quả tại asignin.space/the-message. Nhưng cùng lúc đó, xin thưa rằng quý vị đang bước vào một phi vụ đầy tranh cãi.Một cách thử giải mã thông điệp từ vũ trụ. Ảnh: SETI Các nhà khoa học SETI tập trung chủ yếu vào sóng vô tuyến, vì chúng dễ dàng tạo ra. Bất kỳ nền văn minh công nghệ non trẻ nào cũng sẽ hiểu biết về sóng vô tuyến khá nhanh - giống như loài người đã làm được. Chúng có thể được phát ra với rất nhiều năng lượng, mã hóa nhiều thông tin bên trong và có thể di chuyển dễ dàng qua vô số đám mây bụi và khí. Tóm lại, chúng lý tưởng cho việc liên lạc xuyên thiên hà. Nên mong chờ hay lo sợ?Bằng trí tưởng tượng, con người đã sáng tạo ra vô vàn những sinh vật ngoài hành tinh, nhưng đa số là phàm ăn. Những loài xenomorph có máu axit chỉ muốn ăn thịt chúng ta và đẻ trứng vào khoang ngực của chúng ta. Những Kanamit của Twilight Zone với bề ngoài thánh thiện, chỉ muốn vỗ béo chúng ta và rồi ăn thịt. Danh sách còn dài nữa.Nhưng ám ảnh lớn nhất về một nền văn minh dữ tợn ngoài Trái đất không phải là những thân hình kỳ quặc và nhớp nháp, mà là một chương trình máy tính như trong bộ phim khoa học viễn tưởng A for Andromeda (1961). Trong phim, không có ai bị ăn thịt cả, chỉ có âm mưu xâm chiếm Trái đất và chinh phục loài người, nhưng bấy nhiêu thôi đủ làm "lạnh sống lưng" vì đã gọi đúng tên mối đe dọa mà không ít nhà khoa học lo ngại - một mối họa sẽ lợi dụng chính sự tò mò của chúng ta dành cho các vì sao. Nếu những nền văn minh siêu tiên tiến ngoài vũ trụ muốn đến đây, cách "dọn đường" hiệu quả nhất có lẽ không phải là từng đoàn phi thuyền xé toạc khí quyển Trái đất, mà là những mẩu thông tin bí ẩn có thể được gửi đi nhanh chóng. Nói cách khác: phần mềm độc hại từ vũ trụ.Năm 2010, nhà vật lý Stephen Hawking đã phát biểu về nguy cơ của việc "quảng cáo" sự tồn tại của chúng ta với người ngoài hành tinh: "Nếu người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta, kết quả sẽ giống như khi Columbus đặt chân đến châu Mỹ, một sự kiện đã không kết thúc tốt đẹp cho người Mỹ bản địa". Các nhà khoa học thuộc "phe" của Hawking thường lập luận rằng: người ngoài hành tinh không nhất thiết có ý định dùng bạo lực để làm hại chúng ta, họ có thể chỉ xem chúng ta là… lũ kiến ven đường. Họ sẽ giẫm lên chúng ta trên đường đi đến một nơi khác, và không mảy may bận lòng về chuyện đó.Kính viễn vọng tìm kiếm dấu hiệu người ngoài hành tinh của SETI.Song song đó, cũng có các nhà khoa học ủng hộ việc liên lạc với người ngoài hành tinh, cho rằng những lo sợ kể trên là không có cơ sở. Douglas Vakoch, một nhà sinh vật học vũ trụ đã làm việc nhiều năm tại SETI, đã ra riêng vào năm 2015 để thành lập Tổ chức Nhắn tin cho trí tuệ ngoài Trái đất (METI). Nếu như SETI chỉ lặng lẽ lắng nghe tín hiệu từ không gian, thì METI chủ động "hét to" về phía các vì sao, tức là truyền tín hiệu vô tuyến ra ngoài vũ trụ từ các kính viễn vọng khổng lồ.Ông từng lập luận rằng: đánh giá nguy cơ của việc "chủ động liên lạc" với người ngoài hành tinh, thì cũng cần xem xét rủi ro khi ta không làm việc ấy. Nhân loại đang phải đối mặt với những mối đe dọa mang tính sống còn khác, tỉ như tình trạng nóng lên toàn cầu hay dịch bệnh, Vakoch gợi ý: có thể các nền văn minh tiên tiến hơn ta sẽ mang đến giải pháp. Ông cũng cho rằng: biết đâu một thế lực ngoài vũ trụ có thể tấn công chúng ta chính vì chúng ta cứ "làm thinh".Ý tưởng chủ động nhắn tin như METI đã gây tranh cãi từ những ngày đầu. Bên cạnh rủi ro "lạy ông tôi ở bụi này" là câu hỏi muôn thuở "ai sẽ là người quyết định việc Trái đất cố gắng nói Xin chào với người ngoài hành tinh"?Chủ nhà là ai?"Việc tìm kiếm trí tuệ ngoài Trái đất đã trở nên phức tạp về mặt công nghệ và an ninh đến mức nhân loại cần có những quy định nghiêm ngặt ở cấp quốc gia và quốc tế", nhà vật lý Mark Buchanan viết trên The Washington Post tháng 6-2021. Nếu không được giám sát, một cá nhân đơn lẻ cũng có thể thực hiện những hành động ảnh hưởng đến tương lai của toàn hành tinh, một khi người đó tiếp cận được những công nghệ truyền phát mạnh mẽ.Theo các tính toán, một nền văn minh ngoài kia có khả năng phát hiện và phản hồi tín hiệu của chúng ta rất có thể sẽ "già hơn" và có công nghệ tiên tiến hơn chúng ta. Loài người trên Trái đất chỉ mới truyền tín hiệu vô tuyến trong khoảng một thế kỷ qua, vì vậy khả năng một nền công nghệ vô tuyến trẻ hơn 100 tuổi bắt được tín hiệu của ta là rất nhỏ. Chính sự chênh lệch về trình độ giữa người phát và người nhận củng cố niềm tin rằng: chúng ta sẽ lép vế trước một nền văn minh ngoài vũ trụ, và ai dám chắc đó sẽ là những vị khách tốt bụng?Các quyết định về việc Trái đất có nên giao tiếp với người ngoài hành tinh hay không, và bằng cách nào, không nên chỉ nằm trong tay một nhóm người. Vào cuối thập niên 1980, các nhà khoa học của SETI đã soạn thảo một nghị định thư, liệt kê những việc cần làm nếu và khi chúng ta tìm thấy người ngoài hành tinh. Theo đó, thế giới không được phản hồi tín hiệu, hoặc bằng chứng khác về trí thông minh ngoài Trái đất, cho đến khi "các cuộc thảo luận quốc tế đúng đắn được diễn ra". Nghị định thư này đã được đưa vào hồ sơ tại Liên Hiệp Quốc, và được xác nhận bởi Học viện Du hành vũ trụ quốc tế (IAA) và Viện Luật vũ trụ quốc tế (IISL). Nhưng nó không có ràng buộc pháp lý.Nhưng mà người ngoài hành tinh có gọi không?Không ai biết chắc chắn nhà vật lý Enrico Fermi đã nói gì hoặc không nói gì trong bữa trưa với các đồng nghiệp tại Los Alamos (New Mexico, Mỹ) năm 1950. Nhưng như cách hậu thế kể lại: Fermi đã đưa ra các con số khổng lồ về các ngôi sao trên bầu trời và các nền văn minh có thể tồn tại ngoài kia, đồng thời thắc mắc tại sao chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe thấy bất kỳ dấu hiệu nào từ họ."Mọi người đâu cả rồi?" Fermi đặt câu hỏi. Câu hỏi đó ngày nay được gọi là "Nghịch lý Fermi", từ lâu đã thách thức các nhà thiên văn học và giới khoa học nói chung. Nhưng vào tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ (AAS) đã đăng một nghiên cứu nhằm trả lời Fermi: người ngoài hành tinh đang ở ngoài kia, chúng ta chỉ cần cho họ thêm thời gian để chú ý đến ta và liên lạc với ta. Tác giả bài báo - Amri Wandel, một nhà vật lý thiên văn tại ĐH Hebrew của Jerusalem (Israel), đã phân tích sâu sắc kích thước và quy mô của vũ trụ dựa theo những gì chúng ta đã biết, xác suất để sự sống tồn tại ở các thế giới khác, để họ biết chúng ta ở đây và để họ có chút ít quan tâm đến ta. Đầu tiên, chúng ta đã xuất sắc trong việc ẩn mình trên Trái đất. Theo Wandel, các hành tinh sinh học như Trái đất có thể cực kỳ phổ biến trong vũ trụ, và những loài siêu trí tuệ có lẽ không cần chú ý thêm một hòn bi xanh nữa. Có lẽ họ đang tìm kiếm một thế giới khác biệt hơn.Thứ hai, chúng ta chỉ mới biết cách phát ra những tín hiệu vô tuyến. Cái gọi là "bong bóng vô tuyến" của chúng ta có đường kính chỉ 200 năm ánh sáng. Đó là hạt cát giữa một thiên hà có chiều rộng 100.000 năm ánh sáng, và một vũ trụ có chiều rộng lên đến 94 tỉ năm ánh sáng!Hơn nữa, giả sử có một nền văn minh đã nhận được tín hiệu của chúng ta và gửi lại phản hồi vào lúc này, thì nó sẽ phải ở cách chúng ta chừng 50 năm ánh sáng. Điều đó có nghĩa là phải mất 50 năm để tin nhắn ở dạng sóng vô tuyến truyền đi với tốc độ ánh sáng. Như vậy, lời chào hỏi hai chiều sẽ mất đến một thế kỷ.Wandel cho rằng "kỷ nguyên liên lạc" - thời điểm mà chúng ta có thể mong đợi việc giao tiếp hai chiều với người ngoài hành tinh - có thể phải đợi ít nhất 400 năm nữa. "Sự im lặng vĩ đại" (Great Silence), theo cách gọi của các nhà nghiên cứu ở SETI, sẽ thực sự bị phá vỡ bởi một "Lời chào vĩ đại".Cho tới lúc đó, những câu hỏi này vẫn sẽ tiếp tục mời gọi trả lời và phỏng đoán: Liệu có người ngoài hành tinh hay không? Họ có thân thiện không? Liệu ngồi chờ đợi sẽ an toàn và khôn ngoan hơn chủ động lên tiếng? Người ngoài hành tinh có đang nghe lén điện thoại của chúng ta?Câu trả lời: nếu họ ở trình độ ngang chúng ta, thì thế giới đang an toàn, theo nghiên cứu của SETI đăng trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (tháng 2-2023). Còn nếu "láng giềng" có công nghệ tiên tiến hơn? Có thể, nhưng họ phải đầu tư rất nhiều. Kính thiên văn phát hiện bức xạ giữa các vì sao cũng giống như những chiếc xô đặt ngoài trời mưa: xô càng lớn thì càng thu được nhiều nước. Với người ngoài hành tinh cách chúng ta 1.000 năm ánh sáng, một chiếc kính thiên văn to bằng Mặt trăng mới thu được tín hiệu từ Trái đất. Tags: Người ngoài hành tinhNhà khoa họcKính thiên vănPhim khoa học viễn tưởngKhoa học viễn tưởngUFO
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.