Người nghèo tích lũy thế nào?

NGUYỄN MINH HẢI 26/04/2008 18:04 GMT+7

TTCT - Trong buổi quán triệt nghị quyết Trung ương 6 về giai cấp công nhân do Thành ủy TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - trưởng Ban Dân vận Thành ủy - cho biết 12% trên tổng số công nhân tại TP.HCM có thu nhập hằng tháng từ 800.000đ trở xuống.

Phóng to
Biếm họa trong tuần

Không cần phân tích nhiều, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy với mức thu nhập này sẽ có cuộc sống chật vật như thế nào tại một thành phố đắt đỏ như TP.HCM.

Theo điều tra của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), từ năm 2002, mức tích lũy trung bình một người ở nông thôn tăng lên rõ rệt nhưng cũng chỉ đạt chưa đầy 800.000 đồng/năm, tức chưa đến 30.000 đồng/tháng, rất thấp để có thể đầu tư một cách có hiệu quả.

Tỉ lệ hộ có tài sản cố định nhiều nhất là chủ trại chăn nuôi cũng chỉ chiếm gần 30%, còn lại tài sản cố định như vườn cây, gia súc, nông cụ chỉ trên dưới 15%. Những hộ gia đình có tài sản cố định giá trị cao như nhà xưởng, ôtô, máy kéo... chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Khả năng tích lũy thấp, lại hạn chế về vốn nên chỉ có khoảng 28% số hộ dự kiến đầu tư mở rộng sản xuất với số vốn khoảng 3 triệu đồng/năm (Đài Tiếng nói Việt Nam, 28-1-2008).

Riêng khu vực nông thôn Nam bộ, dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng chắc chắn thu nhập của nông dân cũng không cao. Đối với một người lao động phổ thông (không có đất canh tác), chỉ sống bằng làm thuê thì thù lao công nhật bình quân 30.000-35.000 đồng/ngày. Trừ thời gian đông ken của chính vụ, mỗi tháng có 20 ngày làm đã coi là nhiều, tức thu nhập chỉ khoảng trên dưới 700.000đ. Đối với người có chút ít đất canh tác, vốn liếng hạn chế, thậm chí còn có sự rủi ro hơn vì phải bỏ vốn đầu tư, công cán nhưng giá nông sản lại bấp bênh, còn giá vật tư nông nghiệp lại quá đắt...

Trong một cuộc thăm dò “bỏ túi” của người viết, những người phụ nữ, người lớn tuổi từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc vào TP.HCM kiếm sống với các nghề buôn bán tự do (vé số, trái cây, ve chai...) có lãi bình quân 20.000-30.000đ/ngày. Trừ tiền nhà trọ chật chội, ăn uống qua quýt, chi tiêu hết sức dè sẻn, mỗi tháng tiết kiệm trên dưới 200.000đ để gửi về quê nuôi gia đình. Nếu lỡ có bệnh đau thì chẳng những phải ăn vào tiền tiết kiệm mà còn mượn nợ do không thể đi làm được...

Trong một thăm dò “mang tính giải trí” của mạng yahoo.com.vn với câu hỏi duy nhất: “Bạn để dành được bao nhiêu phần trăm số tiền bạn có hằng tháng?”, có đến 48% trong số 5.471 người tham gia trả lời (tính đến ngày 15-4-2008) đã cho biết không tiết kiệm được đồng nào! Như vậy, so sánh hơi khập khiễng một chút, một nửa trong số những người lao động hiện nay “làm tháng nào xào tháng đó”! Cũng cần nói thêm, những người tham gia thăm dò này hẳn có trình độ văn hóa nhất định (ít nhất cũng biết sử dụng Internet) và chưa phải là những người có thu nhập thấp nhất!

Dẫn ra vài thí dụ trên để thấy thu nhập của một bộ phận người dân tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là còn rất thấp. Vì thu nhập thấp nên sự tích lũy lại càng thấp, thậm chí bằng không. Sự hạn chế trong tích lũy này có thể là nguyên nhân của những hệ lụy:

Thứ nhất, không được chăm sóc sức khỏe ở mức bình thường đối với một số loại bệnh tật thông thường. Với thu nhập khiêm tốn, người ta thường có xu hướng “để mặc” cho bệnh tự khỏi (với các bệnh nhẹ), không điều trị một số bệnh nguy hiểm ngay từ đầu (do không phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng không có điều kiện chữa), sử dụng các phương pháp dân gian hoặc dùng các kiểu chữa bệnh mê tín...

Thứ hai, không có điều kiện học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn của bản thân và người thân, nhất là con em họ. Không chỉ bản thân không có tiền, không có thời gian và sức khỏe để tham dự các lớp bồi dưỡng, đào tạo mà ngay cả việc cho con đi học cũng gặp khó khăn. Đó là lý do vì sao nhiều người phải gửi con nhỏ cho các điểm giữ trẻ tư nhân, dẫn đến một số vụ việc đáng tiếc trong thời gian qua.

Thứ ba, không có điều kiện để giải trí với những món ăn tinh thần lành mạnh, bổ ích. Với thu nhập cả ngày bằng một vé xem phim ở rạp hoặc bằng một nửa vé xem ca nhạc, rõ ràng những hình thức giải trí này trở nên xa xỉ. Do đó, một bộ phận người nghèo không có sự giải trí đúng nghĩa, một bộ phận khác có thể chọn những hình thức giải trí thiếu lành mạnh.

Thứ tư, không có vốn để đầu tư tái sản xuất hoặc mở rộng sản xuất. Đây là một nguy cơ thật sự đối với nông dân. Trong khi mức tích lũy hạn chế thì mức vốn để đầu tư sản xuất ngày càng nhiều, nên nhiều người không thể thâm canh tăng vụ, khó chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thậm chí phải bán đất, tìm nghề khác để sinh sống.

Thứ năm, bản thân những người này không có điều kiện bồi bổ thể chất, ủ mầm bệnh trong người nên có thể sinh ra thế hệ sau không thật sự khỏe mạnh. Đây là một hệ quả kéo dài, dẫn đến chậm nâng cao thể trạng và sức khỏe của người Việt Nam. Trong thực tế, sẽ có một bộ phận người dân (có đời sống kinh tế tốt, nhất là ở thành thị) có thể trạng phát triển tốt, ngược lại một bộ phận khác ở nông thôn thì sự phát triển không đáng kể.

Trong điều kiện hiện nay, với sự đắt đỏ của giá cả sinh hoạt, rất nhiều người có thu nhập thấp sẽ rất khó vượt qua tình trạng này, căn bản cũng vì không có sự tích lũy đáng kể để có thể tạo ra sự “đột phá”. Điều đó sẽ tạo nên một vòng luẩn quẩn - thu nhập thấp nên tích lũy thấp, tích lũy thấp thì khó cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Tức là, người nghèo nếu không nghèo hơn thì cũng rất khó khá lên được. Chính vì vậy, biện pháp “cần câu trao tay” đồng thời hướng dẫn “kỹ thuật câu cá” của Nhà nước là rất quan trọng. Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư để tạo sự chuyển biến lớn trong đời sống của người nghèo. Đó là điều cần làm ngay chứ không phải tập trung giúp người giàu cho họ giàu hơn để đảm bảo mức tăng trưởng. Vì đây là sự tăng trưởng “bong bóng”!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận