Dự thảo Nghị quyết Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Sáng nay 1-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020 với nội dung trọng tâm là bàn về các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc có chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những đối tượng bị tác động là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, dự thảo nêu rõ về nguyên tắc sẽ hỗ trợ tập trung cho các đối tượng bị giảm sút thu nhập, mất thiếu việc làm không đảm bảo được mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch. Nhà nước và doanh nghiệp chia sẻ để cùng đảm bảo mức sống cho người lao động.
Việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.
Sẽ có 6 nội dung hỗ trợ, với các đối tượng cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng gồm người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Hai là hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo.
Ba là hỗ trợ 1,8 triệu đồng người tháng cho người lao động tạm dừng lao động do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Bốn là người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, tối đa thời hạn 12 tháng để hỗ trợ 50% mức lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động và có trách nhiệm trả phần tiền lương còn lại cho người lao động.
Năm là hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của Thủ tướng trong chỉ thị ngày 27-3.
Sáu là hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho 3 tháng cho người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết hợp đồng lao động và bị mất việc làm.
Dự thảo cũng nhấn mạnh, trường hợp đối với đối tượng thuộc diện được hưởng từ hai chính sách hỗ trợ trở lên thì chỉ được lựa chọn để hưởng một chế độ cao nhất.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các chính sách khác hỗ trợ đặt thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hoá, tạo điều kiện cho người lao động doanh nghiệp hưởng chế độ.
Thứ nhất là tạm ngừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khi bị ảnh hưởng bởi dịch, dẫn tới phải giảm từ 50% số lao động.
Hai là cho phép người sử dụng lao động sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm duy trì việc làm thời gian tối đa 3 tháng với số tiền hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, tổng số khoản hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và kêu gọi từ nguồn khác là 61.580 tỉ đồng (2,6 tỉ USD). Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 32.880 tỉ đồng (1,52 tỉ USD). Trên cơ sở đó, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng sẽ bố trí nguồn ngân sách trung ương và địa phương cụ thể.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc xin nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống…
Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tuỳ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận