Kỳ 1:
Phóng to |
Ở tuổi 67, ông Nguyễn Văn Thu ở ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình vẫn phải lao động nặng nhọc để mưu sinh - Ảnh: Tấn Đức |
“Cho tui xin 2 công ruộng”
Thực tế cho thấy các lâm trường được giao quản lý nhiều đất rừng nhưng hiệu quả sử dụng thấp, trong khi người dân sống gần rừng lại thiếu đất sản xuất. Số liệu thống kê mới đây cho thấy cả nước có 148 công ty lâm nghiệp, trung bình mỗi công ty sử dụng khoảng 14.000ha đất rừng nhưng lại không hiệu quả. Không ít địa phương cắt đất của lâm trường cho các công ty tư nhân thuê để phát triển cây công nghiệp vì mục đích lợi nhuận, thay vì phải chia đất cho người dân để bà con có sinh kế làm ăn, vươn lên thoát nghèo. (Đất sản xuất: Lâm trường thừa - người dân thiếu. Nguồn: Cục Kiểm lâm) |
Đó là khát khao cháy bỏng hàng chục năm nay của gia đình bà Lê Thị Biết và gần chục hộ nghèo đang sống tạm trên kênh 200 thuộc ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Bà Biết khẳng định: “Nếu được chính quyền cấp 2 công đất ruộng để làm ăn thì gia đình tui sẽ thoát cảnh nghèo túng, không còn phải ngửa tay xin hỗ trợ của Nhà nước nữa”.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Hòn Đất nhưng hiện gia đình bà lại không có lấy một “cục đất chọi chim”. Cả gia đình sáu nhân khẩu trông chờ vào “nghề” làm mướn và mót lúa của bà. Tuổi ngoài 50, nhưng một tay bà nuôi năm miệng ăn bởi ba đứa con đang tuổi ăn học, chồng bị mất sức lao động vì bạo bệnh, trong khi cha chồng cũng đau ốm liệt giường. “Ngày nào có người thuê làm đất hay đi mót lúa thì cả nhà có cái ăn, bằng không thì đi mua chịu gạo của người trong xóm, khi có tiền thì trả” - bà Biết kể về gia đình mình.
Bà cũng cho hay sở dĩ bà “mong muốn có đất làm ruộng” là vì trước đây, khi lấy nhau vợ chồng bà cũng được hai bên gia đình cho gần 60 công đất (6ha), nhưng sau đó chính quyền địa phương thu hồi để cấp cho một công ty Đài Loan thuê mướn trồng rừng. Gia đình bà được bồi thường một ít tiền nhưng không được cấp đất ở và đất sản xuất làm ăn. Túng quá, cả nhà lại đưa nhau về ở tạm đất lâm phần trên kênh Ranh Hạt với nghề làm mướn, mót lúa khi no khi đói. “Tháng 5-2012 vừa rồi, được chính quyền hỗ trợ 12 triệu đồng, tui vay thêm 8 triệu làm lại căn nhà. Có nơi an cư rồi tui mừng lắm, nhưng giá như được cấp 2 công đất để làm ăn thì khỏi lo nghĩ về đói no từng ngày” - bà Biết mong mỏi.
Cũng như gia đình bà Biết, cả xóm nghèo trên kênh 200 này không hộ nào có đất. Họ giống nhau ở cảnh nghèo, ở kiếp làm thuê, vác mướn đắp đổi kiếm ăn qua ngày. Nhưng còn những hộ kém may mắn hơn bà Biết vì chưa được hưởng chính sách xóa nhà tạm bợ. Gia đình chị Nguyễn Thị Bình với bốn người đang sống trong căn nhà lá lụp xụp, vá chằng chịt bằng đủ thứ vật liệu. Đã xế trưa nhưng chị Bình và hai đứa con vẫn chưa có cơm vào bụng vì còn chờ chồng đang đi làm mướn mang thức ăn về. “Cả nhà bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào nghề làm mướn của chồng, hai đứa con gái 15 và 17 tuổi vừa nghỉ học chưa có việc gì làm”. Cũng như bà Biết, mấy năm qua vợ chồng chị Bình và những hộ nghèo sinh sống bên bờ kênh 200 nhiều lần xin được cấp mỗi gia đình vài công đất để làm ăn nhưng chưa nhận được hồi âm từ phía chính quyền.
Ông Phạm Hữu Thanh, phó Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Hòn Đất, cho biết trước đây cũng có thu hồi đất của những hộ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún để cho một số công ty thuê lại, nay đang có dự án thu hồi ngược của các công ty làm ăn không hiệu quả để có đất cấp lại cho người nghèo. “Quỹ đất của địa phương hầu như không còn để cấp cho người nghèo tái định cư và sản xuất”- ông Thanh nhìn nhận.
Trong khi đó, nguồn tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang xác nhận cả tỉnh có 23.294 hộ nghèo. Trong đó khoảng 6.616 hộ nghèo thuộc diện khó có khả năng thoát nghèo, 11.405 hộ thiếu đất, không đất sản xuất, 1.795 hộ có thu nhập dưới 200.000 đồng/người. Cũng theo sở này, không có đất, thiếu đất sản xuất là nguyên nhân chủ yếu của cái nghèo, nhưng “quỹ đất cấp cho người nghèo của tỉnh không còn”.
Phóng to |
Căn nhà trống trải của ông Nguyễn Văn Lời ở ấp 18, xã Biển Bạch, gia đình có nguy cơ “nghèo vĩnh viễn” vì không đất sản xuất - Ảnh: Tấn Đức |
Nghèo túng vì không đất
Ngồi lật từng trang cuốn sổ quản lý hộ nghèo, ông Nguyễn Văn Coi (Mười Coi), trưởng ban nhân dân tự quản ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau), cho hay trong số hơn 40 hộ nghèo của ấp có khoảng 10 hộ là vô phương thoát nghèo. “Tui làm chính sách nhiều năm ở xã, ở ấp có thể khẳng định những hộ này không có khả năng thoát nghèo bởi họ không có đất sản xuất, không vốn liếng, không có lao động, thất học, chỉ biết trông vào hỗ trợ của Nhà nước, địa phương...”.
Để chứng minh điều mình nói, ông Mười Coi dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Lời (51 tuổi) thuộc ấp 18. Nói là nhà nhưng trước sau, hai bên vách đều rách bươm, cột kèo chống đỡ thì cái mục, cái gãy. “Nhà này được chính quyền địa phương, bà con hỗ trợ làm vào năm 2003, đến nay không có tiền sửa nên sắp bị sụp. Chỉ biết trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước may ra mới có tiền sửa chữa hoặc làm mới” - ông Nguyễn Văn Lời bày tỏ ước mơ. Là dân cố cựu sinh ra và lớn lên ở đây nhưng quá nửa cuộc đời mà ước mơ có đất làm ăn của ông Lời đến giờ vẫn là ước mơ.
Cả nhà bốn miệng ăn (hai đứa con đang theo học lớp 4, lớp 7) trông chờ vào nghề “ai mướn gì làm nấy” của ông Lời. Mỗi tháng, theo tính toán của vợ ông Lời, thu nhập từ nghề làm mướn của ông chỉ được non triệu đồng. Số tiền này chia cho bốn nhân khẩu thì gia đình ông đạt tiêu chí thu nhập bằng một nửa của hộ nghèo (400.000 đồng/tháng/người). “Nghèo đói tui chưa lo, vì có thì ăn không có thì vay mượn hàng xóm. Lo nhất là món nợ 6 triệu đồng vay của ngân hàng từ năm 2000 đến nay mà chưa trả nổi một xu. Có lẽ món nợ này đời tui vô phương trả” - ông Lời ngậm ngùi. Hiện tài sản lớn nhất của gia đình này là con heo 50kg mà Hội Chữ thập đỏ tặng trong chương trình “Heo vàng cho người nghèo”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thu đang mang món nợ ngân hàng 9 triệu đồng vay theo tiêu chuẩn hộ nghèo và 15 triệu đồng vay cho đứa con gái đang theo học cao đẳng kế toán. “Đời tui vô phương trả món nợ này cho Nhà nước, hi vọng con cái học hành đi làm thay mình trả nợ thôi”- ông Thu rầu rĩ nói. Trước khi chúng tôi đến, ông Thu vừa chèo xuồng đi mua trúc về để đan sọt bán cho những người nuôi gà. Ngoài nghề này ông còn làm thêm đủ thứ nghề như ông nói “ai mướn gì làm nấy”.
---------------------------------------------
Kỳ tới: Tìm hướng thoát nghèo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận