25/01/2016 11:38 GMT+7

Người Nga bế tắc với giá dầu

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
TRẦN PHƯƠNG ([email protected])

TT - Tổng thống Vladimir Putin tháng trước khẳng định phần tệ nhất của suy thoái đã qua và kinh tế sẽ phát triển trở lại trong năm 2016, nhưng rồi giá dầu tháng này lại tuột dốc...

Nhân viên cửa hàng bánh pizza ở Matxcơva đứng trước cửa hàng đòi được trả lương ngày 20-1 - Ảnh: Reuters
Nhân viên cửa hàng bánh pizza ở Matxcơva đứng trước cửa hàng đòi được trả lương ngày 20-1 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Vladimir Putin tháng trước khẳng định phần tệ nhất của suy thoái đã qua và kinh tế sẽ phát triển trở lại trong năm 2016, nhưng rồi giá dầu tháng này lại tuột dốc và đồng rúp mất giá kỷ lục.

Lượng dầu xuất khẩu của Nga đạt kỷ lục trong năm ngoái, gần 11 triệu thùng mỗi ngày, nhưng cũng không đủ bù đắp thâm hụt.

Đến nay chính quyền Matxcơva vẫn chủ yếu cắt giảm chi tiêu và dựa vào các khoản dự trữ trong khi chờ đợi giá dầu phục hồi. Tuy nhiên với nhiều người Nga, đặc biệt là những người già, sự chờ đợi ngày càng trở nên vô vọng và bế tắc.

“Tôi không biết họ còn cắt giảm gì nữa nhưng tôi biết chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng - giáo viên âm nhạc Sergei Titov, 64 tuổi, nói với phóng viên báo New York Times của Mỹ - Rõ ràng chính phủ thiếu các nguồn lực để cho chúng tôi có một cuộc sống bình thường”.

Khoản lương còm của vợ ông bị cắt hơn một phần ba và chính quyền ở thành phố Krasnodar nơi vợ chồng ông ở mới đây cũng quyết định giảm khoản trợ cấp đi lại cho người già. Trong khi đó, giá lương thực đã tăng 20%, một phần do các biện pháp cấm vận của phương Tây.

“Chưa ai chết đói nhưng thu nhập bị giảm mạnh” - viên cảnh sát về hưu Sergei Galustian phân trần. Chỉ cần nhìn quanh dãy nhà của ông cũng có thể nhận ra sự khác biệt khi các hàng xóm bật ít đèn hơn lúc trời tối và mọi người không còn mua đồ mới. Chỉ số bán lẻ của Nga giảm hơn 13% tính đến tháng 11-2015, trong đó ngành bán lẻ xe hơi tuột hơn 40%.

Lời nguyền giá dầu

Trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ từng một thời là chỗ dựa vững chắc cho nước Nga, nay trở thành lời nguyền khi dầu mất giá. Không giống như đợt khủng hoảng năm 2008-2009 khi giá dầu nhanh chóng phục hồi, các chuyên gia cho rằng thế giới sẽ sống chung với giá dầu thấp trong một thời gian dài. Lần cuối cùng khi dầu mất giá trong thời gian dài vào những năm 1980, Liên Xô đã sụp đổ.

Người Nga vốn đã quen với sự sung túc nhờ xuất khẩu dầu mỏ cảm thấy khó mà chấp nhận. Ông Titov và hàng trăm người đã xuống đường tuần hành hồi tuần trước đòi lại các khoản phúc lợi.

Không chỉ riêng ở Krasnodar, các cuộc biểu tình tự phát của những nhóm giáo viên, tài xế, công nhân... cũng diễn ra trên khắp nước Nga.

Tuần trước, các nhân viên của cửa hàng bánh pizza ở thủ đô Matxcơva đứng trong giá lạnh với tấm bảng ghi “Trả tiền cho chúng tôi”. Nhiều người cho biết họ bị nợ lương đến ba tháng.

“Dầu vừa là may mắn vừa là lời nguyền” - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Nga và kêu gọi Matxcơva dùng nguồn tiền từ dầu mỏ để chấn chỉnh các mảng kinh tế, chống tham nhũng và thu hút đầu tư. Tuy nhiên đến cuối tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina mới lên tiếng kêu gọi các nỗ lực nhằm “đa dạng hóa nền kinh tế”.

“Chúng ta đừng chờ đợi dầu sẽ quay trở lại mức giá cao” - bà Nabiullina nói.

Rắc rối thật sự chưa bắt đầu

Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết Nga đang chuẩn bị kế hoạch chống khủng hoảng nhằm đối phó với các “thực tế mới”. Nga cũng còn 360 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và khoảng 120 tỉ USD từ hai quỹ dự phòng cho những thời điểm tồi tệ. Tuy nhiên, hai nguồn quỹ dự phòng dự kiến chỉ giúp Matxcơva duy trì trong 18 tháng.

Trong thời gian đó, Nga có thể cân nhắc việc bán các công ty nhà nước nhằm bù đắp tài chính. Bộ Tài chính ước tính có thể thu được 12,5 tỉ USD từ việc tư nhân hóa các công ty. Có khả năng cổ phần tập đoàn dầu mỏ lớn như Rosneft hay Sberbank cũng bị đem bán và Nga sẽ phải kềm chế chi tiêu quân sự.

“Không nên đánh giá thấp tình hình ở Nga hiện tại - lãnh đạo William Browder của Công ty Hermitage Capital phân tích - Nga đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế thật sự nghiêm trọng”. Theo ông, Ngân hàng Trung ương Nga đang đốt tiền dự trữ để giữ ấm nền kinh tế nhưng “cuối cùng họ sẽ hết tiền và khi đó rắc rối thật sự mới bắt đầu”.

Với người như ông Titov, khó khăn kinh tế khiến họ cảm thấy như mắc cạn. “Nga luôn sống theo tư tưởng quốc gia, một mục tiêu: xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng giờ chẳng còn tư tưởng gì nữa. Chúng ta cứ trôi theo dòng và chẳng rõ phải hướng về đâu”.

Nga và Venezuela muốn bình ổn giá dầu

Ngày 22-1, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez cho biết Tổng thống Nicolas Maduro đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó thống nhất cần thiết lập chiến lược chung mang tính dài hạn để đưa giá dầu thế giới trở về mức chấp nhận được.

Theo đó, nhà lãnh đạo Nga ủng hộ chính sách của Chính phủ Venezuela để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước Nam Mỹ, tập trung giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí và bảo vệ lợi ích của người dân.

Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất tổ chức cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ cấp cao Nga - Venezuela để thảo luận về hợp tác kinh tế và những vấn đề chiến lược.

Trước đó ngày 20-1, Venezuela, quốc gia xuất khẩu dầu thứ 5 thế giới, đã kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) họp bàn cứu giá dầu.

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên