Cử tri Mỹ ở khu Manhattan, TP New York bắt đầu đi bỏ phiếu sáng sớm 6-11 - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc bầu cử ngày 6-11, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu ra toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện, 35/100 ghế trong Thượng viện, 36 thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ. Nhiều ghế hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát tại cả hai viện sẽ được bầu lại.
Hiện đảng Cộng hòa đang là lực lượng chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ, kiểm soát 236/435 ghế tại Hạ viện và chiếm 51/100 ghế tại Thượng viện.
Trong kỳ bầu cử bắt đầu ngày 6-11 này, đảng Dân chủ cần giành được 23 ghế để đạt tới con số 218 ghế nhằm giữ thế áp đảo tại Hạ viện.
Tuy nhiên, Dân chủ ít có cơ hội giành lại quyền kiểm soát Thượng viện hơn. 10 ghế do đảng Dân chủ kiểm soát tại Thượng viện được bầu lại lần này đều ở những bang mà Tổng thống Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.
Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ này sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa có thể duy trì kiểm soát cả hai viện Quốc hội hay không.
Ông Den Hoopingarner - tùy viên Thông tin của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM - Ảnh: HÀ MY
Ông DEN HOOPINGARNER - Tùy viên Thông tin của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM:
Vai trò của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán không bao gồm việc yêu cầu người Mỹ ở nước ngoài phải bỏ phiếu bầu nếu họ không muốn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ họ trong vấn đề này.
Cụ thể, trong mỗi đợt bầu cử chúng tôi đều nhận phiếu tại Tổng lãnh sự quán để gửi đi giúp họ, hạn chót thường là ngày bầu cử.
Tuy nhiên, phiếu bầu cần được cử tri đích thân mang vào vì họ phải ký niêm phong phong bì khi chúng tôi thu lại.
Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán cũng tổ chức 4-5 sự kiện khác nhau để hướng dẫn và hỗ trợ việc đăng ký bỏ phiếu vắng mặt cho công dân.
Chúng tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi và câu hỏi về cách bỏ phiếu vắng mặt từ công dân của chúng tôi tại Việt Nam.
Công dân Mỹ Terrell Elk, 18 tuổi, bỏ phiếu lần đầu nhưng theo cách bỏ phiếu sớm ở Fort Yates, bang North Dakota, ngày 26-10 - Ảnh: REUTERS
Năm nay số người quan tâm đến vấn đề chính trị, dù họ sống ở nước ngoài, nhiều hơn những năm trước dù bầu cử giữa kỳ thường không nhận được nhiều sự quan tâm như bầu cử Tổng thống.
Kết quả của cuộc bầu cử sắp tới sẽ không có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và Việt Nam. Quan hệ đối ngoại thông thường được xây dựng trên nền tảng pháp luật nên chúng khá chắc chắn dù ai có lên nắm quyền, và thay đổi chậm"
Ông Den Hoopingarner - tùy viên Thông tin của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM
Người Mỹ ở Việt Nam nói về bầu cử giữa kỳ - Clip: HÀ MY - HỒNG VÂN
Ông WAYNE PARRIS, đến từ Washington DC, đang sống tại TP.HCM:
Tôi học ngành khoa học chính trị và rất quan tâm đến các vấn đề chính trị kể từ khi tôi 18 tuổi. Tôi có kinh nghiệm tham gia vào các chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ trong hơn 20 năm, làm việc trong các ủy ban của Thượng viện và Hạ viện trong 4 năm, ủng hộ Đảng Cộng hòa cho đến thời của Tổng thống George W Bush thì thấy mình không còn phù hợp và từ đó tôi nghiêng về Đảng Dân chủ.
Tôi nghĩ kỳ bầu cử năm nay có thể là một trong những kỳ bầu cử giữa kỳ quan trọng nhất từng diễn ra trong lịch sử Mỹ. Thể chế và nền dân chủ của chúng tôi đang bị tấn công và có thể sẽ rất tệ hại.
Kết quả bầu cử có thể sẽ mang lại một sự kiểm soát đối với quyền lực hiện tại của Tổng thống Donald Trump, thậm chí có thể khởi động quy trình luận tội Tổng thống.
Ông WAYNE PARRIS, đến từ Washington DC, đang sống tại TP.HCM - Ảnh: HÀ MY
Số lượng cử tri đăng ký đi bầu năm nay cao đột biến - gần gấp đôi so với các kỳ bầu cử tương tự trước đây và cả kỳ bầu cử tổng thống. Có vẻ như nhiều người đang quan tâm hơn đến chính trị và tôi chỉ có thể lí giải điều đó bằng một từ: Trump.
Tổng thống Trump đã tấn công vào thể chế của Hoa Kỳ, tấn công tự do báo chí, cổ vũ sự thù ghét.
Mặc dù có nhiều thứ có vẻ là tốt hơn tại thời điểm này ở Mỹ, như kinh tế, thị trường chứng khoán cùng khởi sắc nhưng những điều này chẳng liên quan gì đến ông Trump.
Đây là những gì được mang sang do những chính sách từ thời cựu Tổng thống Obama.
Có lẽ đó là lý do mà ông Trump không nói nhiều về kinh tế trong những ngày cuối cùng trước kỳ bầu cử giữa kỳ, thay vào đó, ông ấy chọn nói về sự thù ghét và đoàn người di cư từ Nam Mỹ.
Theo tôi, đó là lý do mọi người cảm thấy có năng lượng để sử dụng lá phiếu của mình để chọn ra những người xứng đáng, có thể bảo vệ tất cả công dân Mỹ chứ không phải chỉ một số ít nào đó.
Thành thật mà nói, tôi không biết mình mong đợi kết quả gì ở kỳ bầu cử này. Tôi hi vọng phe Dân chủ thắng lợi, tôi hi vọng người Mỹ muốn nhiều hơn ngoài những lời nói dối, sự thù hận mà họ đang được nghe. Tôi hi vọng chúng tôi có thể bảo vệ giấc mơ và lý tưởng của nước Mỹ.
Tôi rất quan tâm đến đất nước mình và cảm thấy đau đớn khi chúng tôi đánh mất sự tôn trọng trong mắt cộng đồng thế giới qua những hành động mà ông Trump đã làm như rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân với Iran, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc…
Ông SCOTT G. sống tại TP.HCM:
Dù sống ở Việt Nam nhưng tôi rất quan tâm đến tình hình chính trị tại Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay với sự biến đổi môi trường và nhiều ý kiến trái chiều về nhà chức trách của chúng tôi.
Bỏ phiếu vắng mặt phổ biến với chúng tôi và đây cũng không phải lần đầu tôi bỏ phiếu ở nước ngoài. Việc đến Tổng lãnh sự để gửi phiếu, không phải một trở ngại quá lớn đối với tôi.
Hiện nay, Mỹ đang đối mặt với vấn đề gây khó khăn cho cử tri - công dân Mỹ dù đủ điều kiện đi bầu cử nhưng lại không đi bầu, hoặc không được bầu cử - nhằm thay đổi kết quả bầu cử.
Bỏ phiếu bầu không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Việc không bỏ phiếu bầu có thể có những hậu quả lớn như những kẻ có tội nắm quyền và dẫn dắt đất nước của chúng tôi.
Đa phần công dân Mỹ sống ở nước ngoài không đóng thuế nên kết quả của cuộc bầu cử không thật sự ảnh hưởng quá lớn đến tôi. Tuy nhiên, người thân của tôi sẽ bị ảnh hưởng, và đó là mối quan tâm lớn nhất của tôi. Bỏ phiếu bầu cũng chính là giúp đỡ họ.
Theo tôi, sau cuộc bầu cử này đảng Dân chủ sẽ làm chủ Hạ viện, Thượng viện, hoặc cả hai.
Chị ALICIA N. sống tại TP.HCM:
Chị Alicia N. - Ảnh: nhân vật cung cấp
Đối với tôi bầu cử giữa kỳ không quan trọng bằng bầu cử Tổng thống. Từ khi qua Việt Nam, tôi không còn quan tâm đến chính trị như trước nữa.
Tôi chưa bao giờ bỏ phiếu vắng mặt ở nước ngoài vì thấy việc đó quá phiền toái so với khi còn ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu vẫn đang ở nước tôi, nhất định tôi sẽ bỏ phiếu vì việc ai nắm quyền ảnh hưởng sâu sắc đến bố mẹ đã về hưu của tôi.
Nếu chính quyền của ông Trump làm thay đổi phúc lợi an sinh xã hội bố mẹ tôi đang được hưởng thì sẽ ảnh hưởng đến tôi và cách tôi chăm sóc họ.
Trong cuộc bầu cử đợt này ở Texas, nơi tôi từng sinh sống, Beto O’Rouke - Đảng Dân chủ đang thắng thế trong cuộc tranh cử ghế Thượng viện. Tôi không thích Ted Cruz - Đảng Cộng hòa, đối thủ của ông, vì tôi cảm thấy người này không đại diện cho các giá trị đáng quý nhất của người Texas, bao gồm sự đa dạng, tận tâm, và lòng hiếu khách.
Tôi tin rằng một ngày nào đó, Texas sẽ trở thành bang Dân chủ. Đây cũng chính là lí do tôi luôn cố gắng bầu cử khi còn ở Mỹ.
Tại thời điểm này tôi không thật sự hứng thú với việc trở về Mỹ sống về lâu dài vì nhiều lí do, nhưng một phần là do tôi thấy tương lai của Mỹ không được khả quan, đặc biệt là đối với thế hệ của tôi.
Tôi hy vọng sau cuộc bầu cử này Thượng viện hay Hạ viện sẽ thuộc về đảng Dân chủ và cho đến nay đảng Dân chủ đang thắng thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận