Theo CNN, trong đơn kiện gửi lên Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp ngày 15-5, liên minh gồm 60 nhóm công dân người Mỹ gốc Á (gồm người Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan) cáo buộc ĐH Harvard bắt buộc những thí sinh như họ nộp đơn xét nhập học phải thỏa mãn những tiêu chuẩn cao hơn bình thường. Họ yêu cầu mở cuộc điều tra để chấm dứt tình trạng kỳ thị trong tuyển sinh của ĐH Harvard.
Mặt khác, sinh viên người Mỹ gốc Á được tiếp nhận vào Harvard và các ĐH danh tiếng khác tại Mỹ với tỉ lệ thấp nhất, ngay cả khi có những trường hợp đạt điểm thi cao nhất và có thành tích học tập tốt nhất.
Người đứng đầu bộ phận pháp lý của ĐH Harvard Robert Iuliano giải thích chính sách tuyển sinh của nhà trường “hoàn toàn tuân thủ pháp luật”.
Ông nói: “Trên thực tế, cùng với quy trình tuyển sinh mang tính toàn diện và là một phần trong nỗ lực tạo ra các lớp học đa dạng, ĐH Harvard đã tiếp nhận rất nhiều sinh viên người Mỹ gốc Á”.
ĐH Harvard cho biết trong quá trình tuyển sinh, họ căn cứ vào các đặc điểm nhân thân, nền tảng học vấn và khi cần sẽ cân nhắc cả yếu tố dân tộc, chủng tộc để xét tuyển.
Năm nay ĐH Harvard cho biết đã tiếp nhận 5,3% trong số các đơn xin nhập học niên khóa 2015-2019. Trong số 1.990 sinh viên được chấp nhận, 21% là người Mỹ gốc Á, 13,3% là người châu Mỹ Latin và 12,1% là người Mỹ gốc Phi.
Trong một luồng dư luận khác, một số nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Á không đồng tình với hai vụ khiếu kiện trên (tính thêm một vụ vào tháng 11-2014).
Họ cho rằng việc khiếu nại này không phải nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho họ, mà có thể dẫn tới hệ lụy chấm dứt chính sách đặc cách lâu nay các trường ĐH vẫn dành cho các nhóm dân tộc hay chủng tộc thiểu số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận