14/05/2016 09:08 GMT+7

Người Mozambique đến VN học trồng lúa

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Những ngày này, các kỹ sư nông nghiệp tỉnh Tiền Giang miệt mài dạy kỹ thuật trồng lúa và nuôi cá rô phi cho 10 cán bộ trẻ tỉnh Maputo, Cộng hòa Mozambique.

Anh Lý Hùng giảng giải cho các cán bộ Mozambique tác hại của ốc bươu vàng đối với ruộng lúa
Anh Lý Hùng giảng giải cho các cán bộ Mozambique tác hại của ốc bươu vàng đối với ruộng lúa

Dù đến VN với chức danh là kỹ thuật viên hoặc cán bộ ngành nông nghiệp, nhưng hầu như mọi thứ liên quan đến cây lúa, con cá đều lạ lẫm với những người bạn Mozambique.

Chúng tôi sẽ nhập giống lúa tại Tiền Giang về trồng. Chuyên gia VN sẽ qua hướng dẫn kỹ thuật từ đầu đến khi thu hoạch, sau đó sẽ nhân rộng mô hình ra các huyện. Hi vọng vài năm sau chúng tôi không phải nhập khẩu gạo nữa mà còn có thể xuất khẩu như VN

Chị VICTORÍA (cán bộ nông nghiệp tỉnh Maputo, Mozambique)

“Những thứ chưa thấy bao giờ”

7g30. Chiếc ôtô lăn bánh rời nhà khách UBND tỉnh Tiền Giang chở theo 10 người Mozambique cùng 4 kỹ sư nông nghiệp, thủy sản và phiên dịch. Khoảng 8g, nhóm 5 cán bộ, kỹ thuật viên Sở Biển, vùng nước nội địa và đánh cá tỉnh Maputo xuống xe ở xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy rồi cuốc bộ một đoạn đường khá xa để học nuôi cá rô phi. Còn nhóm 5 người ở Sở Nông nghiệp và an ninh lương thực tiếp tục di chuyển đến xã Điềm Hi, huyện Châu Thành học trồng lúa.

Anh Lý Hùng (cán bộ kỹ thuật Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang) dẫn đoàn học trồng lúa đến nhà ông Võ Văn Bay ở ấp Thới, xã Điềm Hi. Ông Bay có 3.000m2 lúa được hơn 40 ngày tuổi. Anh Hùng nói: “Bây giờ chúng ta sẽ ra ruộng điều tra dịch hại như nội dung bài hôm qua đã học”.

Mọi người bỏ giày rồi cầm túi nilông ra đám ruộng sau nhà ông Bay. Anh Hùng lội xuống trước thị phạm cách bắt sâu, rầy, lấy bệnh phẩm lúa cháy lá bỏ vào túi nilông. Một anh Mozambique có tên Eder xung phong bước xuống ruộng, nhưng chỉ đi được vài bước thì đứng lại luôn vì mỗi bước chân anh đi qua là mấy bụi lúa nằm bẹp gí.

Thấy vậy, những người còn lại không dám xuống. “Sao anh đi không đạp lúa ngã hay vậy?” - anh Eder quay sang hỏi. Anh Lý Hùng cười: “Anh chưa bao giờ đi trên ruộng lúa như thế này đúng không?”. Anh Eder gật đầu. Bốn người còn lại cũng vậy. Anh Lý Hùng quay lại hướng dẫn cách đi để hạn chế đạp lúa thì cả nhóm mới yên tâm bước xuống ruộng.

Chị Victoría tách ra một hướng căng mắt tìm cây lúa bị bệnh cháy lá. Anh Andérito tìm bắt ốc bươu vàng. Còn anh Domingos mải mê bắt bướm sâu cuốn lá nhỏ, bọ rùa, nhện... Đột nhiên anh Andérito giơ cây lúa có chùm trứng màu đỏ bám chặt nói lớn: “Mọi người nhìn xem, cái gì trên cây lúa nè”. Chị Victoría nhìn một lúc rồi nói: “Lạ quá, tôi chưa nhìn thấy bao giờ”.

Anh Lý Hùng chỉ mấy con ốc bươu vàng trong túi nilông mà anh Andérito bắt được: “Các anh chị biết con này không?”. Mọi người gật đầu: “Ốc bươu vàng”. Anh Lý Hùng cầm cây lúa có chùm trứng màu đỏ nói tiếp: “Còn đây là trứng của nó. Chúng đẻ trứng, sinh sản rất nhanh. Nông dân không thích con này vì chúng gây hại dữ lắm”.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang bắt đầu dạy kỹ thuật trồng lúa và nuôi cá rô phi cho 10 cán bộ nông nghiệp tỉnh Maputo từ giữa tháng 4-2016 đến nay. Khóa tập huấn dự kiến kéo dài trong sáu tuần. Sau mỗi bài học lý thuyết thì họ được đưa đến đồng ruộng, ao cá của nông dân để thực hành.

Thời gian qua, nhóm học trồng lúa đã được trải nghiệm khâu thu hoạch, làm đất, ngâm giống, gieo sạ, bón phân, diệt cỏ. Hôm nay đến phần nhận dạng và xử lý dịch hại trên đồng ruộng. Bài học nào với họ cũng mới mẻ, lạ lẫm. Rất nhiều loại côn trùng vốn phổ biến trên đồng ruộng VN... nhưng lại là lần đầu tiên họ nhìn thấy.

“Thậm chí khi yêu cầu xuống ruộng tìm cỏ để nhổ bỏ thì họ cứ loay hoay vì không phân biệt được cây nào là cỏ, cây nào là lúa. Họ nói ở Mozambique chưa trồng lúa cao sản nên chưa xuất hiện dịch hại như ở VN. Điều đó giải thích tại sao họ nhìn thấy cái gì cũng lạ” - anh Lý Hùng nói.

Còn nhóm học nuôi cá rô phi có phần thuận lợi hơn vì 5 cán bộ thủy sản tỉnh Maputo giỏi tiếng Anh và từng nghiên cứu kỹ thuật nuôi trên mạng Internet. Họ không ngại khó khăn, vất vả khi được yêu cầu lội xuống ao thực hành kỹ thuật vét ao nuôi, rải vôi xử lý, phối trộn thức ăn cho cá...

Người trực tiếp hướng dẫn nhóm này là anh Nguyễn Tiến Diệt - Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang. Theo anh Diệt, giống cá rô phi đen mà VN đang nuôi phổ biến có nguồn gốc từ châu Phi. Có điều ở Mozambique chưa ai nuôi công nghiệp. Anh kể tiếp: “Khi tôi đưa họ đi tham quan mô hình nuôi lồng bè trên sông thì họ rất thích.

Nuôi lồng bè cá ít bị bệnh hơn, năng suất, hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên họ bảo rằng sông ở Maputo còn rất hoang sơ, cá sấu, hà mã sinh sống rất nhiều nên không thể nuôi lồng bè như ở VN được. Cho nên chương trình tập huấn chủ yếu hướng dẫn họ kỹ thuật nuôi cá trong ao để về nước họ làm được ngay”.

Cán bộ Mozambique thực tập trên đồng lúa VN - Ảnh: V.Trường
Cán bộ Mozambique thực tập trên đồng lúa VN - Ảnh: V.Trường

Học trồng lúa để khỏi nhập khẩu gạo

Sau gần hai giờ quần thảo đám ruộng của ông Bay, nhóm cán bộ nông nghiệp tỉnh Maputo đã thu được khá nhiều mẫu dịch hại. Ông Lê Minh Khánh (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang) thấy lưng áo mọi người đã ướt đẫm mồ hôi nên thông báo dừng thu mẫu để vào nhà thảo luận. Anh Paulo (trưởng Phòng kinh tế huyện Matutúine, tỉnh Maputo) vừa lau mồ hôi vừa nói: “Ở đây nóng kinh khủng, nóng hơn châu Phi luôn, cỡ 37oC chứ không ít. Ở Maputo nhiệt độ trung bình chỉ 23-24oC”.

Buổi thảo luận được tổ chức ngay bên hông nhà ông Bay. Anh Lý Hùng lần lượt nêu yêu cầu tìm cây lúa bị bệnh cháy lá, bị ruồi đục lá, nhận dạng cỏ và lúa, bướm sâu cuốn lá, tổ nhện, bọ rùa trong hàng chục túi nilông vừa thu được. Năm cán bộ tỉnh Maputo lục lọi trong túi xách tìm kính lúp rồi săm soi từng bộ phận cây lúa, từng loại côn trùng...

Rất nhiều câu hỏi đưa ra được anh Lý Hùng giải thích cặn kẽ. Ông Bay cũng tham gia ý kiến: “Nhờ có nhiều thiên địch (côn trùng có ích) nên mặc dù ruộng có sâu cuốn lá nhỏ, có muỗi hành, trứng ốc bươu vàng nhưng cả tháng nay tui không phun thuốc trừ sâu”. Các cán bộ tỉnh Maputo nghe nói tròn mắt ngạc nhiên...

Chị Victoría (cán bộ Sở Nông nghiệp và an ninh lương thực tỉnh Maputo) cho biết nông dân Mozambique không biết trồng lúa cao sản 3 vụ/năm như người Việt. Từ trước đến nay, nước này phải nhập khẩu gạo từ các nước châu Á, trong đó có VN. Khi cán bộ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang qua khảo sát thì thấy rằng đất đai ở Maputo trồng lúa rất tốt, nên lãnh đạo tỉnh này quyết định cử cán bộ nông nghiệp đi VN học trồng lúa.

“Hai tỉnh đã thống nhất sẽ làm thí điểm hai cánh đồng lúa quy mô 10ha trồng tại Maputo. Chúng tôi sẽ nhập giống lúa tại Tiền Giang về trồng. Chuyên gia VN sẽ qua hướng dẫn kỹ thuật từ đầu đến khi thu hoạch, sau đó nhân rộng mô hình ra các huyện. Hi vọng vài năm sau chúng tôi không phải nhập khẩu gạo nữa mà còn có thể xuất khẩu như VN” - chị Victoría nói.

Anh Gelane (trưởng nhóm học kỹ thuật nuôi cá) nói cá rô phi tự nhiên ở Mozambique rất nhiều nên người dân không nuôi công nghiệp như ở VN. Nông dân thả cá xuống ao rồi mặc kệ nó ra sao thì ra. Khi cần ăn cá thì nông dân quăng chài, lưới bắt lên. Không ai để ý cá lớn nhanh hay chậm, có bị bệnh gì không.

Cái khó nhất là ở Maputo không có nhà máy chế biến thức ăn cho cá. Nếu nuôi quy mô lớn thì không biết cho cá ăn cái gì để lớn và sinh sản được.

Biết được điều này, anh Diệt đã cất công tìm hiểu, đưa ra công thức phối trộn các loại nguyên liệu sẵn có ở Maputo giúp cá rô phi mẹ thuần thục sinh dục để đưa vào sinh sản. Các nguyên liệu đó có rất nhiều ở Maputo gồm: cá biển, bột mì, bắp, rau... “Tôi sẽ đem công thức chế biến thức ăn mà anh Diệt tư vấn về áp dụng ngay để chuẩn bị nguồn cá giống cho dự án nuôi 10ha cá rô phi trong ao” - anh Gelane nói.

Dân Mozambique không được ăn gạo ngon của VN

Các cán bộ nông nghiệp tỉnh Maputo cho biết thêm gạo mà họ đang ăn có giá vào khoảng 1 USD/kg. Chất lượng gạo không bằng một số loại gạo mà họ đang được ăn tại VN. Theo phó giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Khánh, đó là loại gạo như IR50404 của VN. Gạo này bán trên thị trường VN chỉ bằng 1/3 giá bán tại Mozambique.

Chủ trương tự sản xuất để không phải nhập khẩu lúa gạo của lãnh đạo tỉnh Maputo được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ủng hộ, nên nhận lời giúp đỡ đào tạo cán bộ kỹ thuật cho họ.

Theo ông Khánh, các cán bộ nông nghiệp Maputo còn đề nghị đưa thanh long VN qua Mozambique trồng. Tỉnh Tiền Giang đang liên hệ hỏi thủ tục để hỗ trợ yêu cầu của bạn.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên