Ở Lý Sơn, người dân phải đến những giếng không bị nhiễm mặn chở từng can về dùng - Ảnh: TRẦN MAI
Xâm nhập mặn kỷ lục đang gây thiệt hại nặng nề dọc hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam).
Nhiễm mặn kỷ lục
Tại khu vực cánh đồng lúa thuộc trạm bơm 3-2 xã Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam), mấy ngày qua người dân ở đây đã cùng nhau dựng một bờ đê bằng bao cát ngay trước trạm bơm để ngăn nước mặn từ sông Thu Bồn tràn vào.
Ông Lê Tấn Hướng - phụ trách trạm bơm điện 19-5 xã Duy Phước - cho biết độ mặn đo được những ngày qua đã lên tới 21‰, trong khi đó mức mặn tối đa để máy bơm có thể hoạt động tưới tiêu cho hoa màu chỉ 0,8‰.
Toàn bộ 7 trụ bơm tại trạm bơm điện 19-5 tưới tiêu cho gần 500ha lúa của ba xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy An (Duy Xuyên) nửa tháng nay không thể hoạt động do nước mặn từ biển Cửa Đại tràn sâu vào thượng lưu sông Thu Bồn gây ra ngập mặn nặng.
Tại các huyện dọc sông Thu Bồn như Điện Bàn, độ xâm nhập mặn cũng gấp tới 12-13 lần so với mức cho phép. Ông Nguyễn Đắc Hà - người dân Đội 2, Duy Phước - cho biết nhà ông có 7 sào lúa, một ít rau màu nhưng nay toàn bộ cây trồng đã bị khô cháy, nước mặn tràn vào khiến nước không thể tưới tiêu được.
Ông Nguyễn Đình Hải - giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam - nói các trạm bơm dọc sông Vĩnh Điện hoạt động rất khó khăn do thiếu nước ngọt, trong khi đó nước sông bị mặn xâm nhập với nồng độ lớn khiến hàng ngàn hecta lúa bị ảnh hưởng.
Nồng độ mặn bình quân ở mức 2,7‰, độ mặn đo được tại trạm bơm điện 19-5 lúc 6h ngày 8-7 là 9,5‰. Đây được xem là đợt xâm nhập mặn nặng nề nhất tại dọc sông Thu Bồn, Vĩnh Điện từ trước tới nay.
Nước mặn xâm nhập nghiêm trọng tới mức đứng tắm ở sông Thu Bồn cách cửa biển cả 4-5km nhưng vẫn cảm nhận thấy vị mặn chát của nước không khác gì... nước biển. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay tại Quảng Nam.
Ông Nguyễn Đình Hải (giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam)
Hội An và Quảng Ngãi thiếu nước nghiêm trọng
Tại Hội An, nước sông Thu Bồn nhiễm mặn nặng nề đã khiến việc cấp nước ngọt cho phố cổ Hội An đình trệ, nước cho dân cư thiếu hụt suốt hai tháng nay. Ông Nguyễn Hùng Linh - phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh (Hội An) - cho biết 70% người dân xã này bị thiếu nước sinh hoạt suốt hai tháng qua.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng được du khách than thở trên các trang mạng chuyên về tour du lịch tại Hội An và các diễn đàn Facebook. Chủ các cơ sở kinh doanh du lịch ở Cẩm Thanh, Cẩm Châu cho biết nước khan hiếm khiến việc kinh doanh bị đình trệ. Nhiều cơ sở lưu trú phải tạm ngưng phục vụ.
Ông Trương Ngọc Hoàng Thông - phó giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An - cho biết nước mặn xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn khiến sản lượng nước của đơn vị này chỉ đạt 2/3 công suất, có thời điểm chỉ cấp được ra dân cư 15.000m3/ngày đêm.
"Hiện nay tình hình đã cải thiện hơn, chúng tôi đã cấp được 95% nhu cầu và cố gắng điều tiết đủ để tình hình nước sạch tại Hội An không bị đảo lộn" - ông Thông nói.
Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt ở các xã ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đang ở mức báo động, người dân phải đi chở từng can nước về sinh hoạt. Ông Nguyễn Đây (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) cho biết mỗi ngày phải đi lên giếng nước trên rẫy lấy từng can nước về dùng bởi các giếng nước ở dưới làng đã bị nhiễm mặn.
Ông Nguyễn Thanh Vũ - chủ tịch UBND xã Bình Đông - cho biết xã chưa từng xảy ra tình trạng nguồn nước nhiễm mặn như những ngày qua. "Nước bị nhiễm mặn không thể uống được, người dân phải mang nước ở những nơi sâu trong đất liền về dùng" - ông Vũ nói.
Tại xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), xã Nghĩa An, xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cũng lâm vào tình trạng cạn nước ngọt, đầy nước mặn trong cả giếng khoan lẫn giếng khơi, người dân hoàn toàn không sử dụng được.
Tại đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn), tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất. Toàn bộ đảo không còn nước ngọt, người dân phải mua nước từ đảo Lớn sang với giá 325.000 đồng/m3.
Anh Nguyễn Được (xã An Bình) nói: "Ba tháng nay toàn đảo không có giọt nước nào, chúng tôi sinh hoạt rất tiết kiệm, nước vo gạo dùng để rửa rau, xong rồi sử dụng vào giặt đồ. Du khách lưu trú qua đêm tại đảo cũng chỉ sử dụng chừng 10 lít nước cho tắm rửa".
Ông Nguyễn Viết Vy - bí thư Huyện ủy Lý Sơn - cho biết không chỉ đảo Bé thiếu nước và xâm nhập mặn, mà ngay tại đảo Lớn xâm nhập mặn cũng lấn sâu vào đất liền, phần lớn các giếng nước đều bị nhiễm mặn.
Thủy điện Sông Tranh 2 mất khả năng chống hạn?
Ông Nguyễn Đình Hải - giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam - cho biết thủy điện thượng nguồn, đặc biệt là Sông Tranh 2, đã mất khả năng chống hạn, rửa mặn do "vung tay quá trán", làm sai quy trình vận hành liên hồ chứa khi lòng hồ đã được tháo cạn nước từ ngày 1-6 đến cuối tháng 7 để chạy máy phát điện.
Ông Vũ Đức Toàn - giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh - cho rằng hiện thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xả về hạ du mực nước 20-30m3/s để duy trì dòng chảy, phục vụ sản xuất. "Ngưng hay xả tất cả đều phải tuân theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Hiện nay, mực nước về hồ thiếu hụt, khó khăn chung này chúng tôi rất cần được chia sẻ" - ông Toàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận