11 năm trước, vào ngày 30-1-2010, Chu Khả - một phóng viên của Tân Hoa xã đã chụp lại bức ảnh vô cùng đặc biệt tại Quảng trường ga xe lửa Nam Xương (Trung Quốc). Hình ảnh một người mẹ trẻ vác trên lưng túi hành lý "siêu to khổng lồ", kéo theo đó là một chiếc ba lô bên tay trái. Còn tay phải, cô đang ôm đứa con nhỏ đang say giấc ngủ.
Gương mặt người phụ nữ đỏ bừng, đôi mắt cô mở to đầy cứng rắn, mạnh mẽ. Cô đang trong hành trình xuân vận lớn nhất hành tinh, trở về quê nhà của mình đón Tết Nguyên đán. Từng bước chân chậm rãi, cô băng qua dòng người ngược xuôi.
Bức ảnh lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, ai nấy đều không khỏi xúc động trước hình ảnh "người mẹ mùa xuân" này. Đồng thời, bức ảnh này được đặt tên là "Con, mẹ đưa con về nhà".
Sau đó, tác phẩm này còn giành được giải Vàng nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc và giải thưởng Báo chí Trung Quốc lần thứ 21 vào năm 2011.
Mỗi dịp mùa xuân, nhiều người Trung Quốc thường có thói quen đăng tải hình ảnh này để ca ngợi phẩm chất vượt khó cao đẹp của người mẹ.
11 năm trôi qua, người phóng viên chụp được bức ảnh năm xưa đã tìm đến ngôi làng Đào Viên (Di Lương Sơn, Tứ Xuyên) để gặp nhân vật từng rất nổi tiếng một thời gian của mình. Giờ đây, mẹ trẻ ngày nào đã trở thành một người phụ nữ 32 tuổi. Khi được chụp bức ảnh ấy, cô Ba Mộc Ngọc Bố Mộc chỉ mới vừa 21 tuổi.
Phóng viên Chu Khả khá tiếc nuối khi đã không tìm kiếm cô trong suốt một thời gian dài. 11 năm qua, ngoại hình Bố Mộc không thay đổi quá nhiều, thậm chí rạng rỡ hơn hình ảnh năm xưa.
Bố Mộc chia sẻ, cuộc sống của cô đã thay đổi nhiều kể từ ngày chụp bức ảnh đó. Ngày trước, Bố Mộc rời ngôi làng trên núi của mình để đến Nam Xương tìm việc làm. Thời điểm cô tay xách nách mang ở ga xe lửa vào ngày 30-1-2010 là lúc cô trên đường về nhà sau 5 tháng đi làm xa. Chuyến đi này khiến người mẹ trẻ tốn ba ngày hai đêm để có thể quay lại quê hương mình.
Cô kể trong ba lô có mì gói, bánh mì và tã lót. Còn bao tải "siêu to khổng lồ" trên lưng đựng đầy những chăn màn và quần áo. Hồi ức trở về, Bố Mộc cho hay đó là khoảng thời gian cơ cực của mình, khi đó là lần đầu tiên cô sở hữu một công việc chính thức trong đời: chuyển gạch trong nhà máy.
Số tiền kiếm được khoảng 500-600 tệ một tháng, khá khẩm hơn nhiều khi làm ruộng. Người mẹ địu con theo mình đi làm. Khi đến Nam Xương, cô học nói tiếng phổ thông để hòa nhập và làm quen với những bảng hiệu sáng choang trên các con phố. Trước đó, sữa bột và tã cô chưa từng nhìn thấy khi còn ở quê nhà.
Tuy nhiên, đứa con gái liên tục ốm oặt ẹo khi cô đi làm trong nhà máy gạch. Người mẹ trẻ chẳng biết đưa con đến bệnh viện bởi lạ nước lạ cái. Nhưng nếu ở quê, cô sẽ đưa con đến bệnh viện thị xã chữa trị.
6 tháng sau bức ảnh đó, đứa con gái bé bỏng của Bố Mộc qua đời. Năm 2011, đứa con thứ ba của cô lại mất sau khi sinh 10 ngày.
Thời gian sau, làng Đào Viên của cô thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo. Bố Mộc trồng cây thuốc lá và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác. Từ đó trở đi, cuộc sống của gia đình cô dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Những đứa trẻ nhà Bố Mộc được đến trường đầy đủ. Thậm chí, cô đã xây được một ngôi nhà mới bằng bê tông cốt thép chắc chắn. Tuy nhiên, những cơn ác mộng, lo lắng cho con năm xưa vẫn thỉnh thoảng ập đến với Bố Mộc. Bởi cô từng có một quá khứ với đầy ắp những thiếu thốn, khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận