26/07/2017 10:25 GMT+7

Người mẹ 'trăm năm'

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ
TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ

TTO - Ngày được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người mẹ ấy không khóc. Với mẹ, 100 năm sống trong cõi dương gian đau thương đã nếm đủ. Nó tích tụ lại trong khoảng thời gian người tóc bạc khóc kẻ đầu xanh.

Mẹ Nhờ lau di ảnh con gái đầu - liệt sĩ Mai Thị Hai - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Mẹ Nhờ lau di ảnh con gái đầu - liệt sĩ Mai Thị Hai - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

 

Khi nghe tin chị Hai trúng đạn, mẹ tôi ngất xỉu ngã sụp xuống nền nhà. Lát sau tỉnh dậy, mẹ đưa tôi xuống hầm dặn “con nằm đây, mẹ đi tìm chị”

Ông MAI VĂN NĂM

Mẹ là Đặng Thị Nhờ, nhà ở P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Mất đi hai người con trong chiến tranh chống Mỹ nhưng ông trời lại bù cho mẹ tuổi 101 minh mẫn lạ thường.

“Mẹ ngồi trăm năm, như thân tượng buồn”

Bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, mẹ Nhờ vẫn đi lại mạnh khỏe, nhanh nhẹn. Khách đến nhà, mẹ nhận ra người quen là ông cán bộ phụ trách hội chữ thập đỏ của phường. Vừa bước vào tới nhà, mẹ Nhờ đã lên tiếng: “Tôi không còn sức vô thăm mẹ Thứ đâu nghe”.

Bà Phạm Thị Phường, con dâu út của mẹ Nhờ, vội vàng giải thích mấy năm trước mẹ được khối đoàn thể của quận đưa vào tham quan khu tượng đài mẹ Thứ anh hùng ở Quảng Nam, thành ra mẹ cứ nghĩ cán bộ tới nhà là để mời đi thăm mẹ Thứ.

“Trời sinh mẹ tôi cả đời lam lũ, cả đời còng lưng vì nước, vì chồng vì con nhưng cũng bù lại cho bà những ngày tháng tuổi già mạnh giỏi. Âu cũng là cái số, qua tuổi 90 mà bà vẫn còn sức đi tham quan đó đây. Chỉ vài năm trở lại đây khi sức khỏe không cho phép nữa thì bà mới thôi đi” - bà Phường nói.

Bên tấm di ảnh của chị Mai Thị Hai, giọt nước mắt mẹ lăn dài cùng ký ức những ngày cuối cùng của cô con gái duy nhất.

Tấm di ảnh được mẹ cất cẩn thận, thỉnh thoảng lại mang ra thềm nhà ngồi ngắm. Đã gần 50 năm rồi nhưng người mẹ vẫn chưa nguôi ngoai bóng hình trong trẻo của người con gái. Đó là một đêm giữa tháng 7 mưa rả rích năm 1970.

Nửa đêm, có người chạy thục mạng vào nhà bà Nhờ thở hổn hển nói: “Chị Nhờ ơi, chị Nhờ ơi! Con Hai trúng đạn rồi”. Nghe vậy, bà Nhờ gần như đứng tim.

“Khi nghe tin chị Hai trúng đạn, mẹ tôi ngất xỉu ngã sụp xuống nền nhà. Lát sau tỉnh dậy, mẹ đưa tôi xuống hầm dặn “con nằm đây, mẹ đi tìm chị” - ông Mai Văn Năm, người năm ấy mới 15 tuổi, nhớ lại.

Người đàn bà vừa mất chồng rồi mất con trai trước đó chưa đầy một năm lại chạy trong đêm đen tìm con gái. Lúc này chị Hai đang bị thương nằm ở mép rừng phi lao. Nơi chị Hai đang nằm địch đã vây tứ phía. Con đường duy nhất đến nơi chỉ còn cách vượt sông Cổ Cò.

Còn gì đau đớn hơn người mẹ già nhớ con. Mẹ lại sụt sùi: “Tôi chạy ra triền sông, trời đổ mưa. Đêm khuya lạnh mà người tôi nóng ran, tim đập phình phịch, chân cẳng đứng không vững nữa.

Lúc này triều dâng nên nước sông chảy mạnh, hai người bà con đi cùng tôi bảo nước lớn ri qua sông nguy hiểm lắm.

Nhưng sự sống của con đang đếm bằng giây nên tôi không thể chần chờ. Không còn lựa chọn nào khác, vì tôi mà mọi người liều chết vượt sông qua cứu con gái”.

Khi mẹ đến nơi, chị Hai đang nằm bất động. Ông Năm kể sau đó chị Hai được bí mật đưa về nhà. Thời điểm này ác liệt quá, địch càn khắp nơi nên việc điều trị cho chị Hai cũng phải ở dưới hầm bí mật.

Vết thương của chị Hai mỗi lúc càng trở nặng nhưng lúc đó du kích địa phương không có đủ thuốc men, dụng cụ y tế cứu chữa.

Nhìn hơi thở yếu ớt của con, mẹ Nhờ không ngơi nước mắt. Vì ban ngày giặc bao vây nên không thể đưa chị Hai lên tuyến trên chữa trị. Rồi đêm đến, lý trí mách bảo bà mẹ: phải đi. Mẹ Nhờ và người em gái bỏ chị Hai lên võng.

“Mấy đêm liền đưa con Hai lên võng khiêng ra được một đoạn đường rồi phải gánh về. Địch vây quanh hết rồi nên không thể thoát qua được. Phải đưa về chứ nếu để địch phát hiện mình đưa con cho bộ đội cứu chữa là chết cả nhà ngay” - mẹ kể.

Rồi điều xấu đã đến, dưới mái nhà tranh của người mẹ nghèo, chị Hai nằm đó, yếu dần rồi từ giã cõi đời trong nước mắt uất nghẹn của mẹ và em.

Cái chết của chị Hai đã bồi thêm vào mẹ Nhờ một nỗi đau, vì trước đó một năm em kế của chị Hai là anh Mai Văn Ba cũng đã hi sinh ngay trên mảnh đất quê hương Hòa Hải khi mới vừa tròn 19 tuổi.

Cánh đồng nơi liệt sĩ Mai Thị Hai nằm xuống giờ được quy hoạch là làng đại học - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cánh đồng nơi liệt sĩ Mai Thị Hai nằm xuống giờ được quy hoạch là làng đại học - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG


Nuôi quân “không thấy mặt trời”

Cánh đồng ngày xưa nơi chị Hai ngã xuống nay đã được quy hoạch để trở thành làng đại học. Tận dụng khu đất chưa ai dùng, ông Năm ra đây trồng hoa, làm cây cảnh để kiếm thêm thu nhập.

Đã gần 50 năm trôi qua nhưng ông Năm bảo rằng cái chết của chị Hai ám ảnh gia đình ông đến tận bây giờ.

Ông Năm nói trước khi chị Hai bị thương, bên nhà trai đã đem trầu cau đến hỏi cưới. Người thanh niên mà chị Hai đem lòng thương yêu ở làng bên sau đó cũng ra chiến trường. “Chị tôi mất được ít lâu thì gia đình hay tin anh cũng hi sinh” - giọng ông Năm buồn bã.

Câu chuyện về đời mẹ Nhờ lại tiếp tục bên cơi đựng trầu. Những mẩu chuyện chắp nối bởi giọng mẹ khá yếu nhưng chị Phường đã thuộc qua lời kể của bà con xóm làng từ khi về làm dâu nhà này. Chuyện mẹ Nhờ nuôi du kích, giấu thuốc men để chuyển cho “đội quân rúc hầm” cả vùng Hòa Hải này ai cũng biết.

Thời Mỹ vừa nhảy vào chiến trường miền Nam, Hòa Hải là vùng “đệm” nên hoạt động cách mạng rất khó khăn.

Do nằm “sát nách” với căn cứ Non Nước, khu quân sự lớn thứ hai của chính quyền miền Nam lúc bấy giờ, nên hoạt động cách mạng phải ém vào bí mật. Những chiến sĩ du kích ngày cũng như đêm “đi không thấy bóng, nói không nghe tiếng” bám trong khu vực.

“Họ cần những người tiếp tế, chăm nuôi như mẹ tôi. Tuy là vùng cát ven biển nhưng ở đây nhà ai cũng có hầm nuôi du kích cả. Mẹ chồng tôi ngày đó thay phiên nuôi bảy người” - bà Phường kể.

Mẹ Nhờ kể ngày đó chồng mẹ là ngư dân đi biển đánh cá, còn mẹ thì mang cá ra chợ trung tâm bán lấy tiền.

Ngoài công việc mưu sinh, mẹ phải kiêm thêm việc vận chuyển thuốc men ra vùng ngoại ô. Nhai miếng trầu bỏm bẻm, mẹ nhớ lại: “Tôi làm việc này từ khi con Hai (người con gái đầu) làm ở ban dân y tỉnh. Ngày đó tiệm thuốc trong thành phố biết mình mua thuốc cho du kích nhưng họ chỉ dặn nếu có bị bắt đừng khai nơi mua là được. Địch kiểm soát gắt gao tôi không sợ, chỉ sợ qua sông đò lật trôi mất thuốc con gái giao mua”.

Đà Nẵng có 37 mẹ anh hùng sống trên 100 tuổi

Mẹ Đặng Thị Nhờ là một trong số 37 mẹ Việt Nam anh hùng trên 100 tuổi còn sống ở Đà Nẵng. Mẹ được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Ông Thái Đình Hoàng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, nói TP hết sức quan tâm đến các mẹ, đặc biệt là các mẹ cao tuổi. Trong dịp 27-7 năm nay, ngoài chế độ chính sách và quà tặng chung của TP, các mẹ có tuổi đời trên 100 sẽ được TP hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/người.

_____________________________

Kỳ tới: Đêm mơ thấy mộ con trai

Xem các kỳ trước:

>> Kỳ 1

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên