Phóng to |
Chị là Lê Thị Liên (Trường tiểu học Dương Minh Châu, Q.10, TP.HCM), vừa đoạt giải nhì cuộc thi "Ngọn nến sáng tạo" do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Giáo Dục TP và Công ty Khôi Nguyên tổ chức.
Kể về quá trình đến với giáo án điện tử, chị Liên cho biết:
- Năm 2002, khi nhà trường vận động giáo viên soạn giáo án bằng máy vi tính, tôi đã tự đặt câu hỏi tại sao mình chỉ soạn chữ mà không đưa hình ảnh vào cho sinh động? Chưa biết gì về công nghệ thông tin nên mùa hè năm học 2002-2003, tôi đăng ký học lớp chứng chỉ A tin học. Thời gian học rơi vào mùa World Cup, cả lớp chỉ có bốn người đi học, tôi cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt của bóng đá nhưng đành hi sinh. Ít học viên nên tôi có nhiều thời gian trình bày thắc mắc với thầy giáo và nghe thầy giải thích.
Thực tế tôi học được nhiều điều hơn chương trình A tin học. Thế nhưng phải đến năm 2004, tôi mới có đủ tiền để mua sắm máy móc phục vụ việc soạn giáo án điện tử. Lúc ấy nhà trường đã trang bị phòng nghe - nhìn nên soạn xong là mang lên lớp dạy thử nghiệm ngay.
* Tại sao chị lại chọn môn địa lý để thử nghiệm dạy bằng giáo án điện tử?
- Mục tiêu của chương trình địa lý lớp 4 chỉ nhằm cung cấp một số biểu tượng tiêu biểu của địa lý Việt Nam, mà hình thành biểu tượng địa lý không hề đơn giản đối với việc giảng dạy cho HS mới lên 9 tuổi. Các khái niệm về vùng rừng núi, vùng trung du, vùng cao nguyên, vùng đồng bằng… thật khó giải thích bằng lời, khó tìm hình ảnh để giảng dạy.
Các dạng địa hình như: đồng cỏ có nuôi trâu bò, rừng rụng lá mùa khô, thác ghềnh, núi cao… trong sách giáo khoa không có hình để HS quan sát. Nhờ người vẽ tranh sẽ rất tốn tiền mà cũng không hiệu quả bằng hình ảnh động. Ngoài chứng chỉ A đã có, tôi mày mò tự học ở nhà về một số kỹ thuật vẽ hình, chỉnh sửa hình...
* Tiết dạy đầu tiên bằng giáo án điện tử của chị, HS đón nhận như thế nào?
Khi dạy bằng phương pháp cũ, đến mùa thi tôi phải soạn một đề cương ôn tập bao gồm các câu hỏi và câu trả lời rồi phát cho HS học thuộc lòng. Các em học rất cực và muốn HS đạt điểm cao thì giáo viên phải chịu khó dò bài thật nhiều cho HS. Bây giờ tôi không phải làm đề cương như vậy nữa. Thay vào đó, tôi tổ chức ôn tập cho các em thông qua các trò chơi, có kèm phim ảnh minh họa |
- Bài "Thủ đô Hà Nội" được tôi đem ra dạy thử nghiệm đầu tiên. HS thích lắm, nhưng ban giám hiệu trường góp ý: "Hà Nội bây giờ đổi mới nhiều lắm. Những đoạn phim trong bài chưa thể hiện được sự đổi mới ấy". Lại thêm một bài học nữa cho tôi: hình ảnh minh họa phải cập nhật với thời thế và phù hợp nội dung bài giảng. Năm học 2004-2005, tôi đã soạn được 20 bài giảng bằng giáo án điện tử cho môn địa lý và vài bài cho môn toán, tiếng Việt.
Soạn được bài nào, không những tôi dạy cho HS lớp mình mà để các giáo viên khác trong khối cùng dạy thử nghiệm ở lớp của họ. Đồng nghiệp của tôi rất yêu nghề và nhiệt tình, sau khi dạy thử nghiệm họ góp ý cho tôi cần chỉnh sửa ra sao, thêm bớt những gì. Đến bây giờ tôi đã hoàn thành 32 giáo án điện tử cho cả chương trình địa lý lớp 4 và một số bài môn toán, tiếng Việt, lịch sử... Riêng môn lịch sử thì mới trong giai đoạn thử nghiệm vì tôi thấy chưa hay.
* Có ý kiến cho rằng giáo án điện tử là con dao hai lưỡi. Nếu lạm dụng quá, HS sẽ bị cuốn vào những hình ảnh, âm thanh sống động mà quên đi nội dung chính của bài học. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi cũng được các đồng nghiệp lưu ý về chuyện này ngay từ đầu. Vì thế, trong tiết dạy tôi kết hợp cả phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống: ngoài việc dùng các hình ảnh, đoạn phim… (thường rất ngắn để ít tốn thời gian) minh họa, tôi còn cho HS thảo luận, kể chuyện, tự nhận xét và phát biểu ý kiến của mình, chơi trò chơi... giúp các em tiếp thu nhanh bài học.
* Ngoài việc dạy ở trường, buổi tối về nhà làm sao chị hoàn tất giáo án của tất cả môn học, trong đó soạn giáo án điện tử thì rất mất thời gian?
- Cái khó khăn và mất nhiều thời gian nhất khi soạn giáo án điện tử là tìm tư liệu, hình ảnh, âm thanh… Tôi có một thuận lợi là được phụ huynh, đồng nghiệp và cả gia đình hỗ trợ trong việc này. Sự hào hứng, thích thú của HS trên lớp khiến tôi làm việc không ngừng nghỉ. Bây giờ, hễ tuần nào không học bằng giáo án điện tử là HS nhắc: "Bữa nay có học ở phòng nghe - nhìn không cô?".
"Cô Lê Thị Liên là giáo viên giỏi nhiều năm liền ở Q.10. Cô là người đi đầu trong phong trào tự học và đổi mới phương pháp dạy học. Việc thực hiện giáo án điện tử của cô Liên đã dấy lên phong trào soạn và sử dụng giáo án điện tử trong toàn Trường Dương Minh Châu. Giáo án điện tử của cô Liên đã tạo được những tiết dạy sinh động, sự hứng thú nơi HS cũng như tạo điều kiện cho các em phát huy sự sáng tạo của riêng mình". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận