Người mẹ của hoa anh đào trên đất Mỹ

MAI MAI HƯƠNG 19/05/2023 09:45 GMT+7

TTCT - Trên vòm hoa rực rỡ của hàng ngàn cây anh đào Nhật Bản tưng bừng nở giữa thủ đô nước Mỹ, có câu chuyện đầy biết ơn dành cho một phụ nữ - người được mệnh danh là "mẹ của anh đào".

Nữ ký giả Eliza Ruhamah Scidmore, ảnh chụp giai đoạn 1895-1910. Thư viện công New York

Nữ ký giả Eliza Ruhamah Scidmore, ảnh chụp giai đoạn 1895-1910. Thư viện công New York

Khách du lịch đến Washington DC ngày nay thường mách nhau rằng thời gian tuyệt nhất để đi thuyền ngoạn cảnh sông Potomac là lúc xuân sang, khi những rừng anh đào tưng bừng khoe sắc trong các công viên bên sông. 

Bồng bềnh nhẹ như mây là những vườn anh đào trắng cánh đơn Somei Yoshino, la đà trĩu cành là những rặng anh đào cánh kép Kwanzan hồng thắm và Fugenzo hồng phớt.

Một phụ nữ tạo dáng bên hoa anh đào ở hồ Tidal Basin vào tháng 3-1936. Tư liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ/ Harris & Ewing

Một phụ nữ tạo dáng bên hoa anh đào ở hồ Tidal Basin vào tháng 3-1936. Tư liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ/ Harris & Ewing

Vẻ đẹp nên thơ, đầy sức sống đó đã được thành hình trong những ước mong đầy lãng mạn của nữ văn sĩ - ký giả Eliza Ruhamah Scidmore từ cách đây gần 140 năm, người từng viết: "Anh đào là loài cây xinh đẹp tuyệt vời nhất và hoàn hảo nhất mà tự nhiên đã tạo ra".

Sự long đong của một ước mơ

Mùa xuân năm 1885, Eliza R. Scidmore đến Nhật Bản lần đầu tiên để thăm người anh trai đang làm việc trong một cơ quan ngoại giao Mỹ ở Tokyo. Ngây ngất trước cảnh tầng tầng lớp lớp hoa anh đào nở rợp trời xanh, bà ấp ủ ý tưởng mang loại cây này về trồng quanh hồ Tidal Basin ở thủ đô Washington. 

Nhưng thực hiện ý tưởng đó khó hơn bà hình dung rất nhiều.

Để thu hút báo chí và giới quyền thế, mùa đông 1894, Scidmore đến dự dạ tiệc của một thượng nghị sĩ trong bộ đầm xanh khoác áo choàng Nhật bằng lụa đen thêu chữ Nhật bằng chỉ bạc chỉ vàng và kể cho mọi người nghe về mùa xuân Nhật Bản. 

Bà tìm đến cơ quan quản lý công viên để trình kiến nghị và cho họ xem những tấm hình chụp hoa anh đào xứ Phù Tang. Nhưng suốt ba nhiệm kỳ (khoảng 15 năm) không vị chức trách nào đoái hoài. 

Thất vọng, bà viết trong một bức thư: "Tôi đã van nài, như một kẻ than khóc giữa hoang vu".

Dù vậy, Scidmore nhận được sự ủng hộ tích cực của bạn bè, trong đó có nhà thực vật học David Fairchild - người đã nhập 100 cây anh đào từ thành phố Yokohama của Nhật Bản về trồng thử trong trang viên của ông ở thị trấn Chevy Chase (bang Maryland) vào năm 1906.

 Fairchild sau đó đã cùng bạn bè tặng cây giống cho các trường học ở thủ đô để trồng vào dịp lễ ươm cây Arbor Day năm 1908 và mời Scidmore đến nói chuyện về những bông hoa mùa xuân xinh đẹp.

Các nỗ lực đơn lẻ tiến triển rất chậm cho đến năm 1909, khi Scidmore vận động góp tiền để mua thêm anh đào và mạnh dạn gửi thư ngỏ đến phu nhân tân tổng thống Mỹ William Howard Taft vào ngày 5-4-1909. 

Điều bất ngờ tới vào hai ngày sau đó: Đệ nhất phu nhân Helen Taft, người cũng từng đến Nhật Bản và có dịp ngắm phong cảnh mùa xuân rợp sắc hoa, hồi âm thư ngỏ, rằng: "Tôi đã đưa vấn đề này ra bàn và đã nhận được lời hứa về việc trồng anh đào".

Năm 1952, để khôi phục rừng anh đào bên sông Arakawa (ở phường Adachi của Tokyo) bị tàn phá trong chiến tranh, Nhật Bản đã đề nghị Mỹ giúp đỡ.

Những cây anh đào ở Washington, vốn là hậu duệ của những cây anh đào Adachi, đã được chiết cành để đưa về trồng bên dòng sông cố hương.

Sau này, năm 1982, người Nhật lại sang Washington DC chiết cành những cây Somei Yoshino để đem về gây dựng lại một hàng anh đào cổ bị úng chết sau một trận lụt lớn.

Năm 1999, có 50 cây anh đào chiết từ những cây cổ thụ ngàn tuổi Usuzumi - bảo vật quốc gia của Nhật Bản - được đưa sang trồng ở công viên West Potomac Park.

Trong khoảng năm 2002 - 2006, để bảo tồn di sản gene, có 400 cây anh đào con được tách chiết từ những cây anh đào đầu tiên trồng năm 1912.

Ngày nay, mỗi cây anh đào trong hai công viên Potomac Park đều được National Park Service (Cục Công viên Quốc gia Mỹ) lập hồ sơ, ghi chép đầy đủ lai lịch và đặc tính.

Đài tưởng niệm Jefferson trong mùa anh đào nở.

Đài tưởng niệm Jefferson trong mùa anh đào nở.

Một tháng sau, Helen Taft bị đột quỵ, nhưng sự ủng hộ của bà vẫn mang đến những bước tiến bất ngờ: nhà hóa học Jokichi Takamine - người tìm ra hormone adrenaline, khi đó đang ở Washington - đã bàn với Tổng lãnh sự Nhật Kokichi Mizuno ở New York về việc sẽ tặng đệ nhất phu nhân 2.000 cây anh đào. 

Không may là khi được chuyển đến Mỹ vào ngày 6-1-1910, số cây này bị nhiễm sâu và nấm. Tổng thống Taft buộc phải ra lệnh tiêu hủy tất cả.

Những bông hoa Nhật Bản không chỉ mang đến vẻ đẹp mới cho hồ Tidal Basin và bờ sông Potomac mà còn trở thành tâm điểm của những sự kiện xã hội và chính trị ở thủ đô của nước Mỹ. Trong đó phải kể đến Cuộc nổi loạn anh đào tháng 11-1938, khi 150 phụ nữ phản đối việc đốn hạ một hàng anh đào để lấy chỗ xây dựng Đài tưởng niệm Jefferson. Nhiều người đã xích mình vào những thân cây cho đến khi đạt được một thỏa thuận bảo tồn.

Ngày 11-12-1941,4 ngày sau vụ tấn công của quân đội Nhật vào Trân Châu Cảng, 4 cây anh đào ở Washington bị đốn hạ. Nhằm tránh việc dân chúng vì tức quân Nhật rồi làm bừa, trong Chiến tranh Thế giới II, anh đào ở Washington được gọi là anh đào phương Đông. Lễ hội anh đào bị tạm ngừng trong những năm tháng đó, nhưng đến năm 1947 lại được tổ chức.

Di sản của những phụ nữ mạnh mẽ

Đại sứ Nhật Sutemi Chinda và thị trưởng Tokyo khi đó là Yukio Ozaki đã làm dịu sự tiếc nuối của những người bạn Mỹ bằng cách tặng hơn 3.000 cây anh đào khác, phần lớn chiết từ hàng anh đào nổi tiếng mọc bên sông Arakawa của Tokyo. 

Đợt cây mới có 12 giống, nhiều nhất là anh đào đơn hoa trắng Somei Yoshino (1.800 cây) và anh đào kép hoa hồng Kwanzan (350 cây), cùng các giống anh đào quý hiếm được thu thập trên khắp Nhật Bản.

Ngày 26-3-1912, sau hơn 40 ngày lênh đênh trên biển, hơn 3.000 cây anh đào đã đến Washington DC. Hồi phục sau bạo bệnh, bà Helen Taft đã tự tay trồng hai cây anh đào đầu tiên ở bờ bắc hồ Tidal Basin trong công viên West Potomac.

Phần lớn trong số 1.800  được trồng quanh hồ Tidal Basin, dần hình thành một vành mây trắng bồng bềnh bên hồ nước biếc vào mỗi độ đầu xuân. 

Khoảng 1.200 cây anh đào thuộc các loại khác có hoa màu hồng được trồng trong công viên East Potomac Park, mang đến cho đoạn sông Potomac chảy qua Washington DC một vẻ đẹp tràn đầy sức sống và những lễ hội đặc sắc thu hút hàng triệu du khách đến vui chơi.

Lễ hội đầu tiên bắt đầu vào mùa xuân năm 1927, do các nhóm học sinh ở Washington DC khởi xướng bằng cách bày ra các trò vui để chơi cùng nhau dưới tán hoa, tổ chức một buổi lễ tôn vinh công lao của Eliza R. Scidmore.

Những lễ hội này được mở rộng dần qua mỗi mùa hoa. Năm 1934, lễ hội hoa anh đào kéo dài trong ba ngày được một cơ quan của quận Columbia đảm trách. Một năm sau đó, hoạt động này trở thành lễ hội chính thức của Washington DC, được chính quyền thành phố tổ chức thường niên, kéo dài một tuần.

Từ năm 1994, khi du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Washington ngày càng nhiều vào đầu mùa xuân chỉ vì hoa anh đào, lễ hội đã kéo dài đến 2 tuần.

Trước khi trở thành nhà vận động trồng anh đào, Eliza R. Scidmore đã có một sự nghiệp phi thường: trở thành ký giả khi mới 19 tuổi và trở thành phụ nữ đầu tiên tham gia ban quản trị Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ năm 1890. 

Sau khi anh đào được phổ biến ở Washington DC, bà trở lại Nhật Bản nhiều lần để viết sách báo về đất nước - con người xứ Phù Tang, với văn phong tường thuật đầy hình ảnh và khách quan.

Sinh năm 1856, Scidmore không lập gia đình. Hơn một năm sau khi lễ hội anh đào đầu tiên được tổ chức, nữ ký giả qua đời ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 3-11-1928, thọ 72 tuổi. Tro cốt của Scidmore được đưa về chôn cất ở nghĩa trang cho người nước ngoài tại Yokohama, bên cạnh mộ của mẹ và anh trai. 

Ngoài công lao trồng anh đào ở Washington đã được lịch sử ghi nhận, cuộc đời Eliza R. Scidmore cho đến nay vẫn được xem là còn nhiều bí ẩn vì bà không chia sẻ chi tiết đời tư trong các tác phẩm của mình. ■



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận