11/01/2022 07:00 GMT+7

Người mang trái tim heo ở Mỹ

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Các bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ đã cấy ghép thành công quả tim từ một con heo (lợn) đã được chỉnh sửa gene cho một người đàn ông 57 tuổi. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân vẫn ổn sau 3 ngày.

Người mang trái tim heo ở Mỹ - Ảnh 1.

Quả tim heo được cấy ghép cho bệnh nhân David Bennett ở Baltimore ngày 7-1. Vào ngày 10-1, bệnh viện cho biết bệnh nhân đang tiến triển tốt sau ba ngày phẫu thuật - Ảnh: Trường Y Đại học Maryland

Đây là lần đầu tiên một ca ghép tạng loại này được thực hiện. Các chuyên gia y tế cho biết đến một ngày nào đó, thủ thuật này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu tạng triền miên hiện nay.

Thông báo của Trường Y Đại học Maryland ngày 10-1 cho biết ca phẫu thuật mang tính lịch sử nói trên được thực hiện hôm 7-1. Mặc dù tiên lượng của bệnh nhân hiện vẫn chưa chắc chắn, ca phẫu thuật đại diện cho một cột mốc quan trọng trong kỹ thuật cấy ghép tạng động vật cho người.

Bệnh nhân là ông David Bennett, đã được xác định là không đủ điều kiện để được ghép tạng, quyết định thường được đưa ra trong trường hợp sức khỏe người nhận về cơ bản là rất kém.

Hiện bệnh nhân Bennett đang hồi phục và được theo dõi cẩn thận để kiểm tra hoạt động của quả tim mới ghép.

Một ngày trước ca phẫu thuật, ông Bennett cho biết: "Tình trạng của tôi chỉ có hai khả năng hoặc là sẽ chết hoặc là thực hiện ca phẫu thuật này. Tôi muốn sống. Tôi biết đây là một ca may ít rủi nhiều nhưng nó là sự lựa chọn và hy vọng cuối cùng của tôi".

Trong nhiều tháng qua, ông Bennett phải nằm viện và được hỗ trợ sự sống bằng chạy ECMO (kỹ thuật tim, phổi nhân tạo). Ông cho biết ông hy vọng mình sẽ hồi phục và rời giường bệnh.

Theo Hãng tin AFP, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp để thực hiện cuộc phẫu thuật này vào đêm giao thừa (31-12-2021). Đây được xem là nỗ lực cuối cùng để giúp một người bệnh không thích hợp để nhận cấy ghép thông thường.

Bác sĩ Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật, cho biết đây là một cuộc phẫu thuật đột phá, đưa chúng ta đến gần hơn với việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu tạng ghép hiện nay. 

Ông Muhammad Mohiuddin, người đồng sáng lập chương trình cấy ghép tim của trường đại học, bình luận: "Chúng tôi tiến hành một cách thận trọng, nhưng cũng lạc quan rằng cuộc phẫu thuật đầu tiên trên thế giới này sẽ cung cấp một lựa chọn mới quan trọng cho bệnh nhân trong tương lai".

Cuộc phẫu thuật là kết quả của nhiều năm hoặc nghiên cứu, thử nghiệm cấy ghép từ tạng heo sang khỉ đầu chó và thời gian sống sót ở đối tượng nhận tạng ghép được hơn chín tháng.

Ca ghép tạng này cung cấp rất nhiều thông tin giá trị giúp ngành y tế tiếp tục cải tiến phương pháp này để giúp các bệnh nhân trong tương lai, ông Mohiuddin nói.

Con heo hiến tim cho ông Bennett phải trải qua một quy trình chỉnh sửa gene được kiểm soát nghiêm ngặt. Ba gene có thể dẫn đến việc đào thải tạng ở người bị tách bỏ. Nhóm nghiên cứu cũng bỏ một gene có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của mô tim heo. Sáu gene của con người, giúp đảm bảo cơ thể chấp nhận tạng mới, được đưa vào bộ gene của heo. Tổng cộng có 10 lần chỉnh sửa gene.

Việc chỉnh sửa gene được thực hiện bởi Công ty công nghệ sinh học Revivicor của Mỹ. Đây cũng là công ty cung cấp con heo trong ca ghép thận đột phá trên những bệnh nhân chết não ở New York hồi tháng 10-2021.

Tạng ghép được giữ trong máy bảo quản tạng trước ca phẫu thuật. Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng một loại thuốc mới thử nghiệm do Kiniksa Pharmaceuticals sản xuất và các loại thuốc chống thải tạng ghép thông thường để ức chế hệ miễn dịch.

Ngày nay, van tim heo đã được sử dụng rộng rãi ở người, da heo được ghép trên da người bị bỏng. Heo là loài vật hiến tặng lý tưởng vì kích thước, tốc độ sinh trưởng nhanh và sinh đẻ nhiều của chúng.

Công nghệ chỉnh sửa gen giành Nobel hóa học 2020: Giúp chữa nhiều bệnh, gồm cả ung thư Công nghệ chỉnh sửa gen giành Nobel hóa học 2020: Giúp chữa nhiều bệnh, gồm cả ung thư

TTO - Công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR/Cas9 và những cải tiến của nó có tiềm năng rất lớn trong sàng lọc gen, chẩn đoán gen, đặc biệt là phát triển các liệu pháp điều trị mới.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên