08/10/2018 10:47 GMT+7

Người lưu giữ 'nụ cười thiên thần'

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Anh là Nguyễn Việt Tuấn (32 tuổi), công tác tại Trường đại học Thể dục - thể thao Đà Nẵng.

Người lưu giữ nụ cười thiên thần - Ảnh 1.

Tuấn tặng ảnh chụp ước mơ cho các em ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam - Ảnh: NHẬT MINH

“ - ” là dự án xã hội do anh cùng một số người bạn thực hiện đang từng ngày mang nhiều đổi thay tích cực cho những đứa trẻ kém may mắn.

Những đứa trẻ tự kỷ, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại của - chàng tiến sĩ trẻ này.

Vì tôi đã từng...

"Tôi cũng đã từng có thời gian dài bị trầm cảm nặng. Tôi hiểu thế giới của các em, sự cô đơn và thiếu vắng nụ cười nó đáng sợ thế nào" - Tuấn bắt đầu câu chuyện với những ký ức về quá khứ của mình.

Và chàng trai trẻ đã dành thời gian dài theo đuổi ngành tâm lý học ở Học viện Thượng Hải - chuyên ngành tâm vận động, kiểm soát hành vi và phát triển thể chất cho trẻ đặc biệt. Rồi anh chọn trở về VN.

Sau quá trình tìm hiểu, Tuấn nhận thấy nhiều trung tâm đang đi chưa đúng hướng. Việc thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt cho các em là như nhau, song trên thực tế mỗi trẻ có một vấn đề khác nhau, những mức độ chướng ngại, tâm sinh lý khác nhau.

Từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Đà Nẵng, Tuấn bắt đầu thực hiện thử nghiệm chương trình giáo dục mới với một nhóm 8 trẻ, nhưng nhận thấy các em đều đang ở ngưỡng phát triển dưới trung bình. Không có tiền đề để bắt đầu chương trình giáo dục khoa học mà Tuấn dành bao tâm huyết mang về.

Phải chọn hướng khác, phải đi từ dưới lên. Điều Tuấn có thể làm được trước mắt cho các em là khích lệ tinh thần của trẻ.

Tuấn nhận thấy rằng với trẻ tự kỷ, điều quan trọng nhất là đời sống tinh thần, đó là yếu tố quan trọng hơn cả những phương pháp điều trị. Khi tinh thần các em tốt thì sẽ tác động rất tích cực đến những liệu trình can thiệp với trẻ.

"Phải khiến chúng cười, yêu đời và tự tin hơn vào bản thân. Tôi sẽ cho các bạn thấy họ đẹp và hạnh phúc" - Tuấn nhớ lại.

Tuấn bắt đầu dự án Angel smile bằng việc đầu tư máy ảnh. Rồi anh tự bỏ tiền túi mua sắm đèn, phông nền và tự dựng một phòng chụp nhỏ ngay tại nhà của mình. Anh chuẩn bị đồ chơi, đạo cụ, trang phục… cho các em theo chủ đề.

Cùng với sự hỗ trợ của các giáo viên và một số phụ huynh, Tuấn bắt tay vào thực hiện dự án đầy nhân văn này.

Lưu khoảnh khắc, giữ ước mơ

Tuấn nói rằng việc chụp ảnh cho mỗi em mất nhiều giờ vì các em hiếu động nên chủ yếu là cố gắng bắt khoảnh khắc đẹp. Không ít lần các em ném vỡ các vật dụng xung quanh. Bị bể ống kính, điện thoại… nhưng chàng trai vẫn kể lại bằng nụ cười hạnh phúc.

Mỗi em có một sở thích riêng, một nỗi sợ riêng. Vì vậy, để có được bức ảnh đẹp, Tuấn cùng các bạn của mình phải bỏ thời gian tìm hiểu rất kỹ tâm lý của từng em một.

"Tôi vẫn nhớ như in gương mặt ngạc nhiên, hạnh phúc và xúc động của phụ huynh các em khi cầm trên tay những bức hình con mình hoàn toàn khác. Có người đã bật khóc, đã nhìn tôi không cất thành lời" - Tuấn nhớ lại.

Nhận được những hiệu ứng tích cực, Tuấn mở rộng đến những trẻ nhiễm chất độc da cam cùng mong muốn thay đổi cái nhìn của cộng đồng, người thân với những đứa trẻ đặc biệt.

Tuấn nói khi đến với trẻ nhiễm chất độc da cam, hình dung đầu tiên của anh là các em sẽ tự ti, khó gần và khó tiếp xúc. Nhưng trái ngược hoàn toàn.

Tuấn kể: "Ngày đầu tiên tôi đến Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, một bạn nhỏ quệt từng bước chân khó nhọc tiến về phía tôi, miệng cười nói: "Chào bạn, bạn lên đây chơi đúng không?". Từ khoảnh khắc ấy, tôi đã chạm vào thế giới của các em, và biết mình sẽ tiến đến phía các bạn ấy".

Tuấn cùng những người bạn của mình đã có những ngày tháng cùng ăn, cùng chơi, trò chuyện với những đứa trẻ da cam. Anh tìm hiểu về ước mơ của các bạn nhỏ.

Tuấn chia sẻ: "Ai cũng có ước mơ. Nhưng với những đứa trẻ khiếm khuyết thì chưa bao giờ dám nghĩ sẽ thực hiện được ước mơ ấy. Vì vậy, tôi sẽ giúp các bạn ấy thực hiện ước mơ của mình một lần trong đời và lưu giữ nó mãi về sau".

Có bạn ước mơ làm cô giáo, bạn ước mơ làm bác sĩ, công an, có bạn ước được làm cô dâu, trở thành thợ làm nhang, nhưng cũng có những bạn dù có hỏi bao nhiêu lần vẫn chỉ ước trở thành... con gà trống, con bò con.

Tuấn bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ cho mỗi em. Ban đầu anh liên hệ đến các bệnh viện, trường học để đưa các em đến tận nơi, cho các em thực hiện một lần ước mơ và lưu lại khoảnh khắc ấy trong những tấm ảnh.

Người lưu giữ nụ cười thiên thần - Ảnh 2.

Bức ảnh chụp ước mơ của một em bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: VIỆT TUẤN

Thông điệp từ những bức ảnh

Rồi những bức ảnh đầu tiên được thực hiện. Các em không giấu nổi niềm hạnh phúc. Nhưng rồi Tuấn nhận thấy sức khỏe của các em không cho phép di chuyển xa, và nhóm của anh lại dựng một phòng chụp ngay vườn rau trong Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam.

Cứ như thế, hàng chục, hàng trăm bức ảnh lưu giữ nụ cười, ước mơ, khoảnh khắc đẹp đẽ của những đứa trẻ kém may mắn được in ra. Thật đẹp đẽ, đáng yêu trên từng khung gỗ, trên những chiếc áo. Tuấn mang chúng trao tận tay cho các em và bố mẹ của bọn trẻ trong niềm vui vô bờ bến.

Bà Nguyễn Thị Lài, phụ huynh có con phơi nhiễm chất độc da cam, chia sẻ: "Cháu về nhà cứ ôm khư khư tấm ảnh đi ngủ. Nhìn con vui lắm, tôi cũng thấy hạnh phúc. Thực sự chưa bao giờ nghĩ con mình có được khoảnh khắc đẹp như thế, và tôi cũng chưa bao giờ hỏi về ước mơ của con".

Tuấn chia sẻ: "Tôi mong việc chụp hình cho trẻ không chỉ thêm niềm vui vào cuộc sống, tạo một món quà ý nghĩa cho các em mà còn mong muốn gửi thông điệp đến cha mẹ các em và xã hội rằng họ hãy quan tâm con hơn nữa, hãy nhìn và yêu thương con hơn bởi các em cũng là những đứa trẻ rất đẹp, rất đáng yêu".

Ông Bùi Trung Hiếu, phó giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, cho biết: "Anh Tuấn rất tâm huyết với những đứa trẻ ở trung tâm. Anh Tuấn thường tạo điều kiện cho các em ở trung tâm đi ra bên ngoài, giao lưu với nhiều bạn mới ở các đơn vị khác.

Hoạt động chụp hình giấc mơ giúp các em vui hơn, yêu đời hơn".

Nhiều hỗ trợ cho trẻ kém may mắn

Ngoài dự án chụp ảnh "Nụ cười thiên thần", Tuấn còn dành nhiều tâm huyết giúp những đứa trẻ kém may mắn hòa nhập với cộng đồng qua các hoạt động tập nhảy, thành lập đội bóng rổ, tổ chức hội thao cho trẻ.

Bà Lê Thị Kim Thu - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục đặc biệt Đà Nẵng - cho biết: "Phương pháp tâm vận động mà Tuấn đang hỗ trợ trung tâm điều trị cho trẻ giúp các em phát triển cảm xúc tích cực về mặt tâm lý, tạo tiền đề để thực hiện các liệu pháp chăm sóc khác.

Đặc biệt, với trẻ tăng động, sau khi được chăm sóc theo phương pháp này, mức độ tăng động của các em giảm rõ rệt, các hành vi không mong muốn đã được giảm thiểu".

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên