Người lớn không ngã ngũ, con trẻ thất học

VĨNH HÀ - MAI CHI
VĨNH HÀ - MAI CHI

TT - Chuyện hàng loạt học sinh ở xã Quang Sơn (Đô Lương, Nghệ An) không đến trường vì điểm trường lẻ gần nhà bị đóng cửa bắt đầu xảy ra từ đầu năm học.

EE65n01N.jpgPhóng to
Điểm trường lẻ ở Vân Hà, Quang Sơn, Đô Lương, Nghệ An hiện đã đóng cửa - Ảnh: Vĩnh Hà

Đã đến cuối tháng 4 khi năm học chuẩn bị khép lại vẫn còn 53 đứa trẻ không được tới trường, trong đó nhiều cháu bé bước sang tuổi lên bảy.

Con muốn đi học, nhưng...

"Nếu chính quyền có thể cùng tập thể thầy cô giáo chúng tôi thuyết phục người dân cho con đi học, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bù đắp kiến thức cho các cháu trong dịp hè. Tuy nhiên, chỉ là khôi phục kiến thức đã học cho đỡ đứt đoạn, chứ chắc chắn các cháu sẽ phải lưu ban một năm vì đã nghỉ học tám tháng rồi"

TRẦN THỊ TUYẾT (hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Sơn)

“Chúng tôi mong mở lại điểm trường tại đây cho trẻ con được đi học vì các cháu bé không thể tới trường chính học do đường tới trường xa, nhiều rủi ro” - hầu hết người dân, trong đó có những người lớn tuổi không có con cháu học tiểu học, cũng bày tỏ nguyện vọng như vậy khi tiếp xúc với chúng tôi.

Bé Nguyễn Hoàng Tuân, học hết lớp 2 năm học trước nhưng buộc phải dừng học, rụt rè nói: “Con rất muốn học tiếp với các bạn cùng lớp nhưng không được vì trường không mở cửa. Thấy bạn được đi học con cũng buồn”. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, bà nội của cháu Tuân, cho biết em gái của Tuân là Nguyễn Như Quỳnh năm nay sang tuổi thứ 7 nhưng chưa từng được đi học vì thời điểm cháu vào lớp 1 thì điểm trường này đóng cửa. Bố mẹ cháu đi làm xa, không yên tâm để đứa bé 6-7 tuổi đi học một mình tại trường chính nên phải cho cháu nghỉ học.

Chị Nguyễn Thị Chung, người mẹ trẻ có hai con độ tuổi lớp 3 và lớp 1, kể: “Một năm rồi hai cháu phải nghỉ học. Nhìn con không được đến trường, nhiều lúc rất thương. Nhất là cháu Phương Dung chưa từng được biết chữ. Lúc rảnh tôi cũng mày mò mang sách ra dạy để cháu biết được chữ nào hay chữ đó. Nhưng tôi bận việc đồng áng nên không phải lúc nào cũng có thời gian dạy con”. Cháu Uyên, con lớn của chị Chung, năm học 2013-2014 lẽ ra vào lớp 3 nhưng giờ vẫn trong tình trạng “chờ đợi được học”.

Xóa sổ điểm trường làng

Sự việc xảy ra cuối tháng 8-2013, khi chuẩn bị bước vào năm học mới thì dân ở Vân Hà được thông báo chuyển toàn bộ học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 về trường chính. Cả làng Vân Hà có 64 học sinh độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3. Nhưng chỉ có chín học sinh là con các giáo viên, cán bộ xã tự nguyện về trường chính học, số còn lại không chịu đến trường. Nhiều cuộc vận động của chính quyền, ban giám hiệu Trường tiểu học Quang Sơn tới từng hộ dân, nhưng sau hai tháng chỉ có thêm ba học sinh chuyển tới trường chính. Theo số liệu của Phòng GD-ĐT huyện Đô Lương, năm học tới có 22 trẻ 6 tuổi ở Vân Hà vào lớp 1. Nhưng tiếp xúc với phóng viên, đa số phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đều khẳng định “sẽ tiếp tục cho con ở nhà như những đứa trẻ khác nếu điểm trường không mở lại”.

Theo ông Nguyễn Hồng Hành - thường trực Hội Cựu chiến binh ở Vân Hà, cách làm của chính quyền mang tính áp đặt, không đặt mình vào quyền lợi, nguyện vọng của người dân: “Việc khuyến khích học sinh về trường chính hợp với xu thế chung, tôi cũng ủng hộ chủ trương đó. Nhưng trong từng việc cụ thể cần phải xem xét, cân nhắc, bàn bạc dân chủ với dân. Tôi với tư cách là thường trực hội cựu chiến binh khi đó đã triệu tập các cựu chiến binh để trao đổi và tìm hiểu sự việc, 16 người trong hội cựu chiến binh đều thống nhất nên giữ lại điểm trường cho các cháu học sinh lứa tuổi nhỏ, nhất là học sinh lớp 1, để đảm bảo an toàn cho các cháu. Chúng tôi đã kiến nghị việc này với xã, nhưng ý kiến của chúng tôi không được xem xét đến”.

Đoạn đường từ trường chính đến điểm trường lẻ tại Vân Hà khoảng 2,5km. Đây không phải quãng đường quá xa đối với học sinh tiểu học, nhưng theo nhiều phụ huynh cho biết nếu tính từ nhà đến trường chính thì có học sinh sẽ phải đi 4km. Hơn nữa, đoạn đường này thường xuyên bị ngập lụt. Có thời điểm làng Vân Hà như một ốc đảo vì đường bị chia cắt. “Mưa tháng 4 có khi đường cũng ngập, đó là điều chúng tôi lo lắng” - một người dân trong làng này cho biết.

Biết trước hệ lụy

Theo ông Nguyễn Minh Hạnh - phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương, việc xóa điểm trường lẻ ở Vân Hà nằm trong chủ trương chung của tỉnh về sáp nhập trường và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện Đô Lương, đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia của xã Quang Sơn. Ông Lê Văn Vĩnh, chủ tịch UBND xã Quang Sơn, nhấn mạnh việc phải đạt mục đích xây dựng trường chuẩn quốc gia và triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia với học sinh tiểu học nên việc sáp nhập là cần thiết và nhất định phải làm. “Quy mô học sinh ở Vân Hà quá ít, chỉ 19-25 học sinh/lớp nên không đảm bảo quy định” - ông Vĩnh đưa lý do.

Còn ông Nguyễn Tất Tây, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đô Lương, cho biết việc sáp nhập điểm trường lẻ vào trường chính là chủ trương chung trên toàn huyện. Có những xã như Lam Sơn, Minh Sơn (Đô Lương) sau khi sáp nhập học sinh phải đi học xa 8-9km nhưng phụ huynh vẫn chấp nhận. Có nơi xóa sổ hẳn một trường, dồn học sinh sang trường khác vẫn thực hiện được. Trường hợp ở Vân Hà là “chuyện cá biệt” do sự bảo thủ, cố chấp của người dân.

Về sự việc học sinh Vân Hà không đến trường suốt năm học qua, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cử người về Quang Sơn làm việc nhưng theo quan điểm của ông Lê Huy Ngọ, giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An: “Lý do của phụ huynh đưa ra như đường sá đi lại khó khăn, phụ huynh làm nông nghiệp không có điều kiện đưa đón con, thiệt hại kinh tế là không chính đáng”. Và ngày 5-4, chính quyền xã Quang Sơn đã dự định phá dỡ điểm trường nhưng nhiều người dân phản đối nên chưa thực hiện được. Khi chúng tôi chia sẻ suy nghĩ rằng chính quyền và ngành GD-ĐT cần có giải pháp mềm dẻo hơn, vì nếu cuộc đấu giữa chính quyền và người dân tiếp tục căng thẳng, kéo dài, hệ lụy đã được nhìn thấy trước là sự thất học của con trẻ, ông Nguyễn Tất Tây cho biết: “Trước mắt ngành giáo dục chỉ còn cách vận động, thuyết phục thêm, còn chính quyền phải cố gắng phá dỡ được điểm trường lẻ”.

Nhiều nơi học sinh bỏ học vì xóa điểm trường

Không riêng ở Đô Lương, Nghệ An, câu chuyện học sinh bỏ học vì điểm trường lẻ bị “xóa sổ”, vì di dời trường từng xảy ra ở một số địa phương khác. Đầu năm học này, ở Sơn Dương, Tuyên Quang cũng xảy ra tình trạng phụ huynh cho con nghỉ học vì bất ngờ điểm trường Tân Thanh từng tồn tại trên 30 năm bị xóa bỏ với mục đích “nâng chất lượng giáo dục”. 89 học sinh thuộc điểm trường này đã không có mặt ở nơi học mới trong ngày tựu trường. Sau đó nửa tháng, những học sinh này cũng phải đi học, nhưng các em đối diện với khó khăn phải tới trường trên đoạn đường 5-8km. Trong khi đó, do phải sáp nhập khi chưa nâng cấp cơ sở vật chất nên trường chính bị quá tải, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục không đạt như mục tiêu xóa điểm lẻ.

Tại Hưng Yên cũng từng có chuyện 20 gia đình ở xã Văn Nhuệ, huyện Ân Thi cho con nghỉ học do nhà trường và chính quyền bắt trẻ đi học quá xa với lý do “hoàn thành phổ cập mầm non”. Với quy định mới này, trẻ mầm non 5 tuổi phải đi học cách nhà 3km, kèm theo mức đóng góp đội lên. Trước sự phản đối của người dân, địa phương này đã phải rút lại quyết định “chuyển điểm trường”. Mới đầu năm 2014, 168 học sinh ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội cũng nghỉ học không phép do phụ huynh phản đối việc di dời trường học để xây chợ, khiến việc này phải tạm dừng...

VĨNH HÀ - MAI CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên