Bộ tranh ký họa đặc sắc ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ này của họa sĩ Ngô Mạnh Lân đang được giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Những bức ký họa tại mặt trận Điện Biên Phủ
Triển lãm giới thiệu bản in từ bản gốc các bức ký họa bút chì, bút sắt và cả bột màu… về những người lính Điện Biên được họa sĩ Ngô Mạnh Lân sáng tác từ cuối năm 1953 và năm 1954.
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân (1934 - 2021) là một trong những tên tuổi của lứa họa sĩ khóa kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân đào tạo tại Việt Bắc.
Sinh thời, họa sĩ Ngô Mạnh Lân kể, tháng 8-1953, ông cùng với họa sĩ Lê Vỵ, Lê Huy Hòa được phân công vào bộ đội phục vụ và tiếp tục rèn luyện.
Cuối năm 1953, đơn vị ông được lệnh hành quân đi chiến dịch. Ngày nghỉ ở bìa rừng, đêm đi, ngót một tháng thì đơn vị ông đến Điện Biên Phủ, kịp thời tham gia chiến dịch lịch sử này.
Đây là những ngày tháng vất vả nhất, trèo đèo, lội suối, đói khát… nhưng cũng là những ngày đáng nhớ nhất với ông Ngô Mạnh Lân.
Chính trong những ngày đáng nhớ này, ông đã ghi lại cuộc kháng chiến vĩ đại, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ bằng nét vẽ tài hoa của mình.
Những cảnh đào công sự đêm, đào hào tản binh, đào hầm giao thông, những giờ phút học tập bên rừng, những giờ phút đọc tin tức thắng trận và thậm chí là những phút tán gẫu, những phút đọc thư, đọc sách trên đường hành quân gian khổ của bộ đội, đồi A1 sau trận công kích… đều được người nghệ sĩ bắt lấy và ghi lại.
Con mắt biết tìm cái đẹp
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận xét ký họa của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rất xúc động. Tạo hình của ông đã bắt kịp được cái đẹp của người lính Điện Biên, của anh Bộ đội Cụ Hồ trong những hoàn cảnh khác nhau.
"Con mắt biết tìm cái đẹp của ông tạo nên những bức ký họa mà hôm nay thế hệ chúng tôi nhìn lại vẫn thấy xúc động vì đấy là những khoảnh khắc không thể có được lần thứ hai.
Bộ ký họa chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian", ông Đoàn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận