Người lên metaverse, kẻ tìm hồn net xưa

HOA KIM 01/01/2022 22:05 GMT+7

TTCT - 2021 là năm ồn ào của những NFT cùng metaverse, nhưng nó cũng là thời điểm bắt đầu một làn sóng hoài niệm số (digital nostalgia), mong mỏi tìm về và phục dựng những tinh túy và bản sắc của một mạng Internet đã-từng.

 
 Bản đồ game Pokémon 2001 được phục dựng bằng nghệ thuật điểm ảnh. Ảnh: retrodrawn.com

Nổi bật trong làn sóng đó là sự phục hưng của pixel art (nghệ thuật điểm ảnh) và xu hướng tìm lại sự đơn giản và thô sơ, không có những công nghệ thời thượng như blockchain hay thực tế ảo, của nhiều nền tảng, dịch vụ số.

Vẻ đẹp trong sự giản đơn

Một năm trước, Marcus Dewdney - một người làm nghệ thuật sống ở Canada - bắt tay vào dự án mà anh ấp ủ từ lâu, lấy cảm hứng từ trò chơi điện tử Pokémon nổi tiếng thế giới. Dựa trên hình ảnh từ tựa game Pokémon Gold & Silver ra mắt năm 2001 cộng với sự hỗ trợ của công cụ paint.net, Dewdney muốn dựng lại thế giới tuổi thơ mà anh một thời say đắm thông qua việc vẽ lại chúng bằng phong cách pixel art. Vẫn là những bụi cây, con đường, cánh rừng, khoảnh sân ghép lại từ những chấm vuông pixel không hoàn hảo ngày nào, nay đã được Dewdney khoác lên diện mạo tươi mới hơn mà vẫn còn nguyên vẻ hoài cổ.

Đến tháng 3-2021, Dewdney với sự giúp sức của một số nghệ sĩ cùng đam mê đã hoàn thành toàn bộ bản đồ trò chơi và đăng tải thành quả trên trang web riêng của dự án (retroredrawn.com). “Đây mới chính là hình ảnh trò chơi trong mắt tôi khi bé” là lời cảm thán của nhiều người hâm mộ dòng game Pokémon khi xem bộ sưu tập của Dewdney. “Đó đích thị là cảm xúc mà tôi muốn khơi gợi. Đó là khi ta nhìn (vào tác phẩm) và cảm thấy chút gì đó mơ hồ và hoài niệm” - Dewdney chia sẻ với tạp chí The New Yorker.

Nghệ thuật điểm ảnh, hay pixel art, là một phong cách nghệ thuật kỹ thuật số sử dụng đồ họa thô sơ một cách có chủ đích để mô phỏng độ phân giải của các phần mềm và trò chơi điện tử thời kỳ đầu. Nói thêm một chút về pixel: đây là đơn vị cơ bản nhất để tạo nên một bức ảnh kỹ thuật số. Các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, tivi đều có độ phân giải được tính bằng pixel (một chiếc tivi 4K đồng nghĩa chiều ngang của nó có xấp xỉ 4.000 pixel). Khi phóng to một bức ảnh số có độ phân giải thấp, ta thấy các chi tiết trong ảnh xuất hiện răng cưa tạo thành từ nhiều chấm màu li ti, đó chính là những pixel.

Trong khi các thiết kế đồ họa ngày nay ưu tiên số lượng điểm ảnh lớn để cho ra chất lượng hình ảnh mượt mà, pixel art lại là một trường phái nghệ thuật muốn quay ngược thời gian trở về thời kỳ mà người xem có thể phân biệt bằng mắt thường từng pixel trên tác phẩm. Theo các họa sĩ pixel art, những hạn chế về kỹ thuật thuở sơ khai của công nghệ máy tính đã vô tình tạo nên một thứ ngôn ngữ hình ảnh chung cho cả một thế hệ trò chơi điện tử xoay quanh triết lý thiết kế đơn giản mà đầy sức gợi. Vào thời điểm mà đồ họa 3D siêu thực chưa ra đời và người dùng còn chưa phát ngán bởi phải tiếp xúc thường xuyên với các thể loại màn hình, vẻ đẹp mộc mạc của những điểm ảnh đầy góc cạnh lại có nét hấp dẫn nguyên sơ của một thế giới lạ lẫm bên ngoài thực tại. “Nhìn vào những tấm bản đồ mà anh ấy (Dewdney) dày công vẽ lại, tôi cảm nhận được ký ức tuổi thơ ùa về - chúng đưa tôi trở lại ngày tháng ngồi ở ghế sau ôtô của bố mẹ và mải mê chơi Pokémon trên chiếc máy Game Boy cầm tay” - tác giả Kyle Chayka viết trên The New Yorker.

Những nghệ sĩ pixel art như Dewdney đang dần phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh, và họ chọn Twitter làm nơi để giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng. Trước đây Tumblr và Instagram mới là bến đỗ của họ, nhưng theo Dewdney thì Tumblr đang thoi thóp khi lượng người dùng ngày càng thu hẹp, trong khi Instagram bị những người làm sáng tạo quay lưng bởi thuật toán sắp xếp nội dung không còn phù hợp.

 
 Một phần của tác phẩm pixel art Cryptopunks được trả số tiền mã hóa tương đương 16,9 triệu USD tại sàn đấu giá Christies

Vòng đời của một trào lưu

Dù Dewdney chọn một tựa game ra mắt từ năm 2001 làm nguồn cảm hứng cho dự án của mình hoàn toàn xuất phát từ sở thích của cá nhân anh, lựa chọn ấy vô tình lại phù hợp với cái mà tác giả Carl Wilson gọi là “chu kỳ 20 năm tái sinh” của văn hóa đại chúng - sự hồi sinh của những phong cách và ý tưởng gắn liền với một thế hệ đã qua.

Với cách tính này, những người sống ở năm 2021 chỉ vừa mới bắt đầu làn sóng hoài cổ đầu tiên về cuộc sống Internet thuở sơ khai, gói ghém trong đó là niềm khao khát một lần nữa có cảm nghiệm lần đầu về một không gian số bất tận bên trong chiếc màn hình bé tí - nơi ta có thể thỏa sức hành động, sáng tạo, và giao tiếp với cả thế giới.

Hoài niệm về những điều xưa cũ phần nào đó còn là cách ta phản ứng trước nỗi thất vọng với hiện tại. Đối với nhiều người, kỷ nguyên đầu tiên của Internet đại diện cho thời kỳ mà chúng ta - người dùng - vẫn còn quyền quyết định đối với cuộc sống trên mạng của mình, trước khi trở nên phụ thuộc vào các khuôn mẫu lặp đi lặp lại và các nội dung được phân phối bởi thuật toán lạnh lùng trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter hay TikTok.

Những hình ảnh thế thân 3D đẹp mắt, sống động mà CEO Meta Mark Zuckerberg giới thiệu trong một video giải thích metaverse mang lại cảm xúc khác xa với sự quyến rũ của những hình vẽ pixel 20 năm trước. Sự phục hưng của nghệ thuật pixel có thể là quá trình tìm về “chất” Internet mà các mạng xã hội ngày nay đang dần đánh mất - một nỗ lực quay ngược thời gian trở về một thế giới số bừa bộn hơn nhưng ở nơi đó người ta lại cảm thấy mình gần hơn với bản tính con người.

Giữ hồn Internet cũ

Theo Chayka, nếu để ý ta sẽ bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của làn sóng hoài niệm kỹ thuật số hiện diện ở khắp mọi nơi. Spacehey.com - một bản sao của MySpace, một trong những hình thái mạng xã hội đầu tiên, gần đây đã thu hút được 300.000 người đăng ký với lời hứa hẹn “nói không với thuật toán”. Một số tựa game nổi tiếng ra đời gần đây như Stardew Valley (2016) hay Celeste (2018) vẫn chọn cho mình phong cách pixel art bất chấp sức mạnh của máy tính hiện đại đã được cải thiện nhiều lần.

Nghệ thuật pixel cũng “được giá” trong thời kỳ bùng nổ của thị trường tài sản số NFT. CryptoPunks, bộ sưu tập gồm 10.000 hình ảnh 24 x 24 pixel đã được token hóa vẽ lại chân dung các nhân vật khoa học viễn tưởng, hiện đang được bán với giá tiền ảo tương đương hàng trăm nghìn USD mỗi bức.

Gather, một công ty start-up ra đời năm 2020, đang xây dựng một trong những hình thái mạng xã hội kiểu mới dựa trên gu thẩm mỹ của thời đại Internet cũ. Trong khi metaverse của Zuckerberg tự hào vì đồ họa chân thực, Gather được xây dựng trên nghệ thuật pixel theo phong cách quen thuộc với người chơi điện tử thập niên 1990.

 
 Một cuộc họp trực tuyến trên Gather.

Công ty Gather không có văn phòng vật lý. Thay vào đó, từ nhân viên đến CEO 23 tuổi Phillip Wang đều làm việc trong một văn phòng ảo trên nền tảng Gather Town do công ty này xây dựng. Mỗi “phòng” trên ứng dụng này là một không gian pixel art và mỗi người dùng được đại diện bởi một nhân vật 2D có thể điều khiển bằng các phím mũi tên trên bàn phím không khác gì một trò chơi điện tử. Để nghe thấy tiếng của nhau, người dùng cần ở trong phạm vi gần nhằm mô phỏng cách các cuộc trò chuyện tự nhiên diễn ra trong thực tế, Wang giải thích với The New Yorker. Nền tảng đã có hơn 10 triệu người dùng trong năm đầu tiên và là nơi ưa thích để tổ chức các sự kiện trực tuyến trong mùa dịch trong không gian người dùng có thể tùy nghi thiết kế từ những “nội thất” đã được pixel-hóa có sẵn, CEO Gather cho biết. “Mọi cuộc gặp với nhà đầu tư của tôi đều diễn ra tại đây” - anh Wang tự hào.

Còn với Maria Vorobjova, một họa sĩ đang sinh sống ở London, những không gian mô phỏng thế giới số đời đầu này là “sự thoát ly khỏi guồng quay công việc” mà vũ trụ metaverse dựng nên bởi các tập đoàn tư bản khổng lồ như Facebook không thể đem đến cho người dùng. Một trong những tác phẩm của cô mang tên Wood Wide Web là một không gian văn phòng ảo mang hơi hướng lối thiết kế màn hình chờ (screensaver) của hệ điều hành Windows 95 với những chi tiết “bể pixel” và mảng màu bão hòa. “Tác phẩm là một nỗ lực để gợi lại những gì từng là Internet” - Vorobjova chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Michael Feldmeier, việc ưa chuộng các phong cách nghệ thuật hoài cổ là một ví dụ tuyệt vời về chuyện sẽ xảy ra khi hệ thống ghi nhớ và hệ thống tưởng thưởng của não hoạt động cùng nhau. “Một ký ức tích cực có thể được gợi lại bởi một ý nghĩa hoặc âm thanh, mùi vị hay hình ảnh nhất định. Ký ức này kích hoạt trung tâm tưởng thưởng trong não giúp giải phóng dopamine, chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm xúc vui vẻ” - Feldmeier lý giải với trang Wired. Theo Feldmeier, khả năng hoài niệm quá khứ cũng được cho là đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe cảm xúc của một người. “Bằng cách nhìn về quá khứ, đôi khi người ta có thể hướng tới tương lai ngay cả khi đang sa lầy trong nỗi đau của hiện tại” - anh nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận