Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có đề xuất về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. Việc này nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Chủ động kế hoạch cho kỳ nghỉ dài
Theo bộ, năm 2024 ngày 30-4 rơi vào thứ ba, còn ngày 1-5 rơi vào thứ tư, tức là ngày đi làm việc bình thường. Trong khi thứ hai, tức 29-4, nằm giữa dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 và nghỉ cuối tuần. Như vậy, việc hoán đổi ngày nghỉ sẽ kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo thăm dò ý kiến của Tuổi Trẻ đến chiều 5-4, nhiều người cho rằng nghỉ lễ dài ngày giúp họ chủ động trong kế hoạch nghỉ lễ như đi du lịch hay về quê thăm gia đình, đặc biệt là lao động xa nhà. Một số người đã chủ động xin nghỉ phép thêm ngày thứ hai để có tổng 5 ngày nghỉ trước khi Bộ LĐ-TBXH đề xuất phương án nghỉ lễ mới.
Theo anh Việt Anh - 31 tuổi, trú Bắc Từ Liêm (Hà Nội), năm nay anh có kế hoạch đi Nha Trang (Khánh Hòa). Từ kinh nghiệm nhiều năm, vợ chồng anh đã chủ động đặt vé máy bay, phòng nghỉ từ sớm.
"Mọi người thường lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ trước 3 - 4 tuần để có tối ưu chi phí vì càng gần ngày giá vé máy bay, phòng khách sạn càng tăng. Như nhà tôi, hai vợ chồng xác định đi chơi liền 4 ngày nên đã có dự định xin nghỉ phép thêm ngày thứ hai để dành trọn vẹn thời gian với gia đình.
Tuy giá vé máy bay có cao hơn mọi năm, nhưng gia đình tiết kiệm để ông bà và cháu nhỏ có thời gian đi nghỉ dưỡng", anh nói.
Chị Hải Lê, 34 tuổi, trú Đống Đa (Hà Nội), cho biết bản thân muốn dành kỳ nghỉ ở bên cha mẹ vì hằng ngày đi làm ít thời gian gần gũi.
"Mình chấp nhận làm bù trước và sau kỳ nghỉ lễ. Khi có thông báo chính thức nghỉ 5 ngày liền thì mình có thể tính toán đi chơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Ninh Bình. Nếu đông, mình đi vào 2 ngày cuối, tiết kiệm tiền vé, dành chi phí cho ăn uống, khách sạn", chị cho hay.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng chỉ nên nghỉ 2 ngày dưỡng sức là đủ vì kinh tế khó khăn, nghỉ dài ảnh hưởng đến kế hoạch của các đơn vị.
Cần chốt sớm phương án nghỉ lễ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, giải thích việc nghỉ 2 ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần trước rồi đi làm thứ hai đầu tuần xong lại nghỉ 2 ngày lễ chưa hợp lý. Do vậy, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là phù hợp.
"Có thể có ý kiến cho rằng nghỉ liền là dài nhưng thời gian nghỉ lễ, Tết tại Việt Nam có nhiều so với các nước đâu. Hầu như các nước trong khu vực châu Á và trên thế giới đều nghỉ nhiều hơn Việt Nam", ông nói.
Theo ông Lợi, nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất thì cần thông báo sớm để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chủ động kế hoạch như về quê, du lịch và các đơn vị sắp xếp kế hoạch công việc, ngày làm để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định.
Về lâu dài, ông khuyến nghị cần tăng thêm ngày nghỉ lễ, Tết để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, kích thích chi tiêu.
Trong khi đó, một chuyên gia của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 là thời gian nghỉ quan trọng trong năm của đoàn viên người lao động. Tổ chức công đoàn sẽ tổng hợp ý kiến từ các cấp công đoàn, đoàn viên người lao động trước khi gửi ý kiến tới Bộ LĐ-TB&XH.
Trước đó, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp. Bởi số ngày nghỉ tại Việt Nam đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5 - 6 ngày.
- Ông Hoàng Ngọc Thảo (chủ tịch công đoàn công ty may tại quận 12, TP.HCM):
Nghỉ dài để công nhân về quê thoải mái hơn
Công ty tôi có khoảng 2.500 lao động, khá đông người lao động ở tỉnh xa. Năm nay, ngày nghỉ 30-4 và 1-5 ngay sau thứ hai nên sau khi xem xét công ty quyết định cho nghỉ 4 ngày liên tiếp từ 28-4 đến 1-5. Trong đó, ngày thứ hai tính phép năm.
Nếu không nghỉ thứ hai, nhiều công nhân cũng sẽ xin nghỉ phép để có nhiều thời gian nghỉ ngơi ở quê. Công ty may là làm theo công đoạn, nếu có nhiều người nghỉ một lúc thì các chuyền khác cũng không làm được. Nếu Nhà nước quy định nghỉ 5 ngày, tất nhiên doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí trả lương nhưng người lao động sẽ có một dịp nghỉ ngơi thoải mái hơn, không phải quá cập rập.
- Chị Hoàng Quyên (45 tuổi, quê Trà Vinh, công nhân tại Khu chế xuất - khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM):
Về quê mới nghỉ ngơi được
Năm nào nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vợ chồng tôi đều đi xe máy chở hai con về quê chơi với ông bà. Mọi năm được nghỉ 2 ngày, cả nhà vẫn tranh thủ về quê nhưng cũng phải tranh thủ chạy tối, chạy khuya rồi còn kẹt xe cũng vất vả lắm. Nếu Nhà nước cho nghỉ 4 - 5 ngày thì công nhân đều ủng hộ, có thời gian ở quê nghỉ ngơi với gia đình nhiều hơn.
Các nước Đông Nam Á nghỉ lễ bao nhiêu ngày?
Thái Lan, Malaysia và Philippines là những quốc gia có số ngày nghỉ lễ trong năm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo thông tin từ Bộ Nhân lực thuộc Chính phủ Singapore, Singapore có 11 ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương trong năm 2024. Thái Lan có 19 ngày lễ quốc gia, tương đương với khoảng 20 ngày nghỉ lễ mỗi năm.
Theo lịch chính thức từ Chính phủ Malaysia, quốc gia này có 19 ngày nghỉ lễ quốc gia và 38 ngày nghỉ lễ cấp tiểu bang vào năm 2024.
Theo lịch chính thức do Chính phủ Philippines công bố, năm 2024 quốc gia này có 18 ngày nghỉ lễ định kỳ và 7 ngày nghỉ đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận