24/06/2015 09:01 GMT+7

Người lao động ai cũng có nhà ở

THU PHAN (34 tuổi, Đồng Nai)
THU PHAN (34 tuổi, Đồng Nai)

TT - Tôi ao ước 20 năm sau, mỗi gia đình Việt đều đủ khả năng sở hữu nhà ở hoặc được thuê nhà ở xã hội lâu dài để làm chốn an cư, giúp họ yên tâm lao động.

Chính sách xây dựng nhà ở giá rẻ ở tỉnh Bình Dương đã giúp nhiều gia đình lao động có được “tổ ấm”. Trong ảnh: vợ chồng anh Trần Văn Vững và chị Hoàng Thị Mai cùng con trong một căn nhà ở xã hội tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn
Chính sách xây dựng nhà ở giá rẻ ở tỉnh Bình Dương đã giúp nhiều gia đình lao động có được “tổ ấm”. Trong ảnh: vợ chồng anh Trần Văn Vững và chị Hoàng Thị Mai cùng con trong một căn nhà ở xã hội tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn

Khi nói đến vấn đề nhà ở cho người lao động, tôi muốn nhắc đến công nhân, đặc biệt là công nhân nhập cư. Có bất bình đẳng không khi đây là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội bằng sự lao động cực nhọc nhưng những gì họ thụ hưởng từ xã hội lại quá ít ỏi, thậm chí đối với những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở ?

Mơ ước cháy bỏng

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 12 triệu công nhân, trong đó hơn 2,2 triệu người đang làm việc trực tiếp tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, các thống kê cũng cho thấy chỉ có khoảng 20% công nhân có chỗ ở ổn định (chưa nói đến tỉ lệ công nhân có nhà riêng chắc chắn thấp hơn con số 20%).

Có lẽ không cần nói thêm hoặc chứng minh về mức sống, điều kiện sống của công nhân nhập cư vì thực trạng này ai cũng có thể nhận thấy. Chúng ta đều biết họ và con cái họ sống khổ như thế nào, từ đó phát sinh biết bao hệ lụy. Nếu vấn đề chỗ ở được giải quyết, tôi nghĩ phần lớn các hệ lụy liên quan sẽ được tháo gỡ.

Đối với lao động nhập cư, họ không có mơ ước nào lớn hơn việc sở hữu một căn nhà dù đó là chung cư, nhà ở xã hội hay nhà cấp 4 vài chục mét vuông. Thế nhưng, thực tế cho thấy một căn nhà đối với ngay cả tầng lớp trí thức nhập cư làm thuê (ví dụ lao động trí thức nhập cư tại TP.HCM) còn là một mơ ước, nói chi đến công nhân?

Có doanh nghiệp địa ốc cho rằng “giá nhà ở Việt Nam rẻ nhất thế giới”. Nhận định đó không làm người chưa có nhà để tâm. Bởi cái giá “rẻ” đó tối thiểu cũng đã ở mức 600 - 800 triệu đồng một căn, một số tiền quá lớn với nhiều người lao động. Có vị thứ trưởng khẳng định “thu nhập 18 triệu đồng có thể mua được nhà” nhờ vay gói 30.000 tỉ đồng của Chính phủ. Thông tin này cũng không giúp công nhân nhen nhóm hi vọng trong việc sở hữu một căn nhà, bởi với nhiều gia đình để có thu nhập mỗi tháng 18 triệu đồng lại là con số mơ ước.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Mô hình “nhà ở 100 triệu đồng” tại Bình Dương và Đồng Nai gần đây nhận được sự quan tâm và ủng hộ của xã hội. Xét cho cùng, doanh nghiệp trực tiếp sử dụng sức lao động của công nhân để tạo ra lợi nhuận và thụ hưởng một phần số lợi nhuận đó. Vì vậy, việc doanh nghiệp bỏ tiền xây nhà ở và bán với giá rẻ cho công nhân của mình (không vì mục đích lợi nhuận) là điều hợp lý.

Tuy nhiên, để hỗ trợ tốt nhất cho việc này, Nhà nước cần có chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, ví dụ như ưu đãi giá thuê đất tại các khu công nghiệp, cho phép hoặc yêu cầu các khu công nghiệp dành quỹ đất để phục vụ việc xây nhà ở công nhân, phối hợp với doanh nghiệp trong việc cho công nhân vay vốn mua nhà trả dần... Song song đó, Nhà nước có thể đưa ra các quy định cụ thể cho doanh nghiệp chứ không chỉ trông chờ vào sự tự nguyện. Chẳng hạn: quy định doanh nghiệp có từ 1.000 công nhân trở lên phải xây dựng ít nhất 100 căn hộ giá rẻ dành cho công nhân...

Có ý kiến cho rằng kéo giá nhà đất xuống thấp nhất có thể sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở cho người lao động. Điều này đúng nhưng có vẻ chỉ đúng trên lý thuyết. Thực tế đã chứng minh: thời gian qua giá nhà ở tại Việt Nam đã giảm đáng kể nhưng vẫn chưa thể chạm đến túi tiền eo hẹp của người lao động.

Có đề xuất đánh thuế bất động sản theo lũy tiến, tức là người càng sở hữu nhiều bất động sản thì đóng thuế càng cao. Ý này nghe có vẻ hợp lý. Nhưng, người sở hữu nhiều nhà đất hoàn toàn có cách để chuyển phần thuế này sang cho chính những người có nhu cầu sử dụng bất động sản đó - tức những người đi thuê nhà đất. Và như vậy, thay vì thu thuế nhà giàu, việc đánh thuế rốt cuộc lại làm tăng thêm gánh nặng cho những người không sở hữu nhà ở.

Do vậy về lâu dài, điều quan trọng là phải giúp người lao động tăng thu nhập bằng cách tạo ra nhiều việc làm. Muốn vậy, Chính phủ cần ưu tiên cho những ngành sử dụng nhiều lao động và trực tiếp tạo ra của cải cho xã hội, tức ưu tiên sản xuất trong nước. Để làm được điều này cần khuyến khích sáng tạo, những ý tưởng làm giàu bằng cách tạo ra nhiều của cải cho xã hội cần được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện để mở thêm cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ. Chính phủ hãy giúp họ bằng các chính sách, ưu đãi cụ thể như ưu đãi học phí (trung cấp, đại học, cao đẳng) đối với những công nhân có ý chí tiến thủ. Làm như vậy cũng là cách tạo sự công bằng về cơ hội giáo dục cho các đối tượng là công nhân.

Bên cạnh đó cần tạo ra sản phẩm thay thế và tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động. Chính phủ có thể dùng quỹ bảo hiểm xã hội để xây nhà cho người lao động thuê lâu dài. Quỹ bảo hiểm xã hội là do người lao động đóng góp nên dùng quỹ này hỗ trợ họ là hợp lý.

Thay vì phải mua nhà, người lao động có thể chọn thuê nhà dài hạn của Nhà nước để an cư. Việc tăng nguồn cung nhà giá rẻ có thể thực hiện bằng cách miễn/giảm các chi phí đầu vào để doanh nghiệp vẫn có lãi, các chi phí đó có thể là: các loại thuế, phí hiện hành và chống các loại phí “bôi trơn”...

Nhận bài dự thi đến ngày 28-6-2015

Đến ngày 17-6, ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được bài viết của các tác giả: Nguyễn Trùng Dương, Nguyễn Ngọc Hương, Dương Quốc Quân, Trần Văn Tường (bài 2), Châu Bá Luân, Vũ Thùy Đam, Bùi Chí Thiện (2 bài), Trần Văn Tám (bài 3), Nguyễn Hữu Thông, Dương Đức Hưng (TP.HCM), Đinh Thành Trung (Hà Nội), Nguyễn Thị Thảo, Trần Văn Nông (Hà Tĩnh), Hoàng Cẩm Thạch (Nghệ An), Hàn Trọng Quang Hưng (Thanh Hóa), Trần Thị Phượng (Quảng Bình), Nguyễn Cương (bài 2), Cao Ngọc Toản (Thừa Thiên - Huế), Thân Văn Chín (Đà Nẵng), Hoàng Cẩm Thạch (Quảng Nam), Nguyễn Vũ Thu Trang (Lâm Đồng), Nguyễn Bích Thủy, Đỗ Thị Minh Thủy (Khánh Hòa), Đinh Hi (Ninh Thuận), Phan Tuyết (Bình Thuận), Vũ Thị Thu Thủy (Đồng Nai), Nguyễn Văn Đẩu và Lê Văn Lập (đồng tác giả, Long An), Nguyễn Quốc Đạt (bài 2, Tiền Giang), Trần Quốc Cường (Cần Thơ), Nguyễn Thị Hồng Tâm (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Nhơn (Bến Tre), Phạm Văn Châu Em (bài 2, Trà Vinh), Võ Nguyễn Bảo Trung (2 bài, Arizona, Mỹ), Trương Thị Ngọc Giao, Phạm Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Đỏ...

Ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) mong muốn tiếp nhận thêm nhiều ý tưởng dự thi. Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng VN 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. (một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi đến ngày 28-6-2015 (chi tiết cuộc thi vui lòng xem thêm trên http://tuoitre.vn).

TÒA SOẠN

THU PHAN (34 tuổi, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên