22/06/2023 19:17 GMT+7

Người làm công đăng ký thương hiệu kẹo lạc, chủ cũ giờ lãnh án

Biết sản phẩm kẹo lạc mang thương hiệu "Toàn Mỹ" đã được đăng ký bảo hộ độc quyền, nhưng nữ giám đốc doanh nghiệp vẫn gắn nhãn mác "na ná" cho mặt hàng kẹo của mình và bị công an khởi tố về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".

Người làm công đăng ký thương hiệu kẹo lạc, chủ cũ giờ lãnh án - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử nữ doanh nhân vụ xâm phạm thương hiệu kẹo lạc - Ảnh: T.HOÀNG

Xâm phạm nhãn hiệu kẹo lạc vì thấy tên "phong thủy"

Ngày 22-6, Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên tòa sơ thẩm vụ án "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" liên quan đến thương hiệu kẹo lạc "Toàn Mỹ". Đây là một trong số ít vụ án về tội danh này bị đưa ra xét xử.

Bị cáo trong phiên tòa này là Trần Thị Hiệp (43 tuổi, trú tại tỉnh Nam Định) - người thành lập Công ty Toàn Mỹ.

Theo nội dung vụ án, ông Triệu Văn Mỹ (trú tại Nam Định) và bị cáo Trần Thị Hiệp có quan hệ họ hàng. Năm 2009, bà Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Thanh Lan và thuê ông Mỹ làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo sìu châu (hay còn gọi là kẹo lạc).

Năm 2013, ông Mỹ nghỉ làm cho bà Hiệp và chuyển ra làm riêng, đăng ký kinh doanh hộ cá thể và lấy thương hiệu là "Toàn Mỹ". Ông Mỹ đăng ký nhãn hiệu, hình ảnh cho sản phẩm kẹo lạc Toàn Mỹ.

Đến năm 2015, ông Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm kẹo lạc "Toàn Mỹ".

Đến năm 2020, bà Hiệp thành lập Công ty Toàn Mỹ rồi cố tình sản xuất kẹo lạc nhãn hiệu "SX tại Công ty Toàn Mỹ" giống thương hiệu Toàn Mỹ đã được bảo hộ.

Đầu năm 2022, cơ quan điều tra nhận được trình báo về việc công ty của bà Hiệp có hành vi bán các sản phẩm kẹo lạc vi phạm sở hữu công nghiệp cho Công ty TNHH một thành viên Bikin.

Công an đã thu giữ hàng trăm thùng kẹo lạc do công ty của bà Hiệp sản xuất và kinh doanh giả mạo nhãn hiệu kẹo lạc "Toàn Mỹ".

Tại tòa, bị cáo Hiệp khai biết ông Mỹ đã sản xuất kẹo lạc "Toàn Mỹ" nhưng vẫn lấy tên "Toàn Mỹ" để thành lập công ty vì "thấy tên đẹp và phong thủy".

Không nhận sai vì trước khi làm đã tham khảo ý kiến một nhân viên công ty luật

Bị cáo lý giải sử dụng nhãn hiệu kẹo lạc "sản xuất tại Công ty Toàn Mỹ" là muốn làm rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không có mục đích làm giả nhãn hiệu của ông Mỹ. 

Trong quá trình xét hỏi, bà Hiệp vẫn khẳng định: "Truy tố tôi thì tôi chịu chứ tôi không nhận sai". 

Bị cáo lý giải "không cố ý vi phạm", bởi trước khi làm đã hỏi ý kiến của nhân viên công ty luật và hoàn toàn tin tưởng vào sự tư vấn này.

Bị cáo còn đưa ra dẫn chứng từng nhiều năm sản xuất bánh kẹo, dạy ông Triệu Văn Mỹ học nghề. "Thực tế, mẫu kẹo mà ông Mỹ sản xuất sau khi tách ra làm riêng chỉ thay đổi một chút so với sản phẩm của tôi đã có từ nhiều năm trước", bà Hiệp lập luận.

Đáp lại, ông Mỹ cho hay không học nghề làm kẹo từ bị cáo và khi hai người còn hợp tác sản xuất, thương hiệu kẹo lạc Toàn Mỹ chưa ra đời. Ông đăng ký thương hiệu cho sản phẩm kẹo từ năm 2013.

Giai đoạn truy tố, ông Mỹ yêu cầu bà Hiệp bồi thường hơn 600 triệu đồng vì thương hiệu kẹo lạc bị xâm phạm nhưng tại phiên tòa, ông rút xuống mức bồi thường là 356 triệu đồng.

Phạm tội ít nghiêm trọng nên chỉ phải cải tạo không giam giữ

Trước việc bị cáo chưa nhận thức hành vi phạm tội của mình, thành viên hội đồng xét xử đã đưa ra nhiều dẫn chứng liên quan đến tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

"Ghi nhận bị cáo là người sản xuất sản phẩm kẹo sìu châu trước bị hại, bỏ nhiều công sức để xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này.

Tuy nhiên, việc tranh chấp bản quyền không chỉ Việt Nam mà còn xảy ra ở phạm vi quốc tế. Do đó, nếu không hiểu biết pháp luật, không đăng ký sở hữu nhãn hiệu sẽ có nguy cơ bị mất quyền bảo hộ. Mặc dù sản phẩm do mình sản xuất ra, nhưng vì lý do như đã nêu, vẫn có thể bị mất thương hiệu.

Bị cáo đã quá tự tin, cho rằng sản phẩm mình bỏ công sức làm ra nên không cần đăng ký với ai, đến khi người khác đăng ký rồi, bị cáo vi phạm thì phải xử lý", vị hội thẩm nhân dân phân tích.

Sau khi nghe phân tích và tranh luận, bị cáo Trần Thị Hiệp thừa nhận tội danh, đồng ý bồi thường tại tòa cho đại diện Công ty BIKIN 100 triệu đồng tiền đặt cọc lô hàng bị công an thu giữ.

Sau nghị án, tòa cho rằng hành vi của bà Hiệp thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, lần đầu… nên tuyên án 12 tháng cải tạo không giam giữ và phải bồi thường 356 triệu đồng cho ông Mỹ.

Buôn tám cuộn tôn giả, tranh cãi tại tòa về tội danhBuôn tám cuộn tôn giả, tranh cãi tại tòa về tội danh

Buôn tám cuộn tôn giả nhãn hiệu của Công ty Tôn Phương Nam, ba người bị đưa ra xử về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Đại diện Công ty Tôn Phương Nam lại cho rằng đây là tội "buôn bán hàng giả".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên