Ông Kỷ nói: “Người thợ làm gốm sai lỗi một sản phẩm thì chỉ một người, một gia đình chịu ảnh hưởng nếu mua phải sản phẩm sai lỗi đó. Nhưng một sản phẩm báo chí sai lỗi, cả xã hội bị ảnh hưởng”. Bởi thế ông cho rằng cần tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên báo chí, cho phóng viên trẻ; nâng chất lượng đầu vào đối với sinh viên báo chí, thậm chí “phải xét cả yếu tố nhân thân, tương tự với sinh viên vào các trường công an, quân đội”.
Phát biểu tại hội thảo, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ cho biết hiện nay một bộ phận nhỏ báo chí chạy theo doanh thu hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của đội ngũ báo giới nước nhà.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, nhà báo Vũ Thị Hải (trưởng đại diện báo Nông Thôn Ngày Nay tại Hải Phòng) viết: “Tôi xin chuyển tải một thông điệp từ cuộc sống, đòi hỏi của độc giả với các nhà báo: Nhà báo ơi, xin đừng vô cảm!”. Sự vô cảm này được bà Hải nêu dẫn chứng từ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng. Không ít tờ báo đã thông tin một chiều, chỉ tập trung lên án người dân, bảo vệ đến cùng cái sai của chính quyền địa phương. Rất nhiều nhà báo viết về những người gây ra vụ nổ súng bằng lời lẽ miệt thị trong khi họ chưa bị kết án.
“Không ai có thể bênh vực được hành vi của anh em ông Đoàn Văn Vươn nhưng người ta cần sự đồng cảm, hiểu cho họ vì sao họ phải làm, buộc phải làm như vậy. Nếu không có sự đồng cảm với nỗi đau khổ của người dân, làm sao nhà báo có thể phát hiện được những bất cập của luật pháp khiến người thực thi lợi dụng đẩy người dân vào con đường cùng cực hóa, bần cùng hóa? Đáng tiếc, trong vụ việc ở Tiên Lãng, không phải luật pháp bất cập, mà chính đội ngũ những người làm báo của chúng ta còn nhiều bất cập, mà cái bất cập lớn nhất chính là nhà báo còn quá vô cảm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận