Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan, giảng viên ngành truyền thông chuyên nghiệp (Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam), cho biết đối với các cơ quan báo chí, ngoài vấn đề doanh thu, việc chậm chuyển đổi số có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành, cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường.
Công nghệ mới giúp việc quản lý vận hành trơn tru hơn, thúc đẩy kết quả và hiệu suất. Việc chậm ứng dụng các công nghệ mới cũng khiến các tòa báo đối mặt với nguy cơ gia tăng chi phí từ quy trình cũ, có thể bỏ qua cơ hội hợp tác với các nền tảng số.
"Hai bên sẽ không tương thích và không tạo được hợp tác hiệu quả. Một khi không nhanh chóng tiến đến nền tảng trực tuyến, tờ báo sẽ bị hạn chế việc mở rộng thị trường và đối tượng bạn đọc", bà Adhvaidha chia sẻ.
Chia sẻ tại diễn đàn Số hóa báo chí - Đổi mới tư duy tổ chức chiều 15-6 tại báo Sài Gòn Giải Phóng, tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan cũng chia sẻ để thúc đẩy chuyển đổi số, việc xây dựng một văn hóa học tập trong các đơn vị báo chí là điều không thể thiếu.
Việc nâng cấp môi trường làm việc, tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên trẻ học hỏi, sẽ mang lại cho họ tư duy mới và giúp họ tìm ra giải pháp tốt hơn để xử lý vấn đề trong công việc.
"Giải quyết vấn đề tốt hơn giúp các phóng viên cảm giác công việc có giá trị hơn, thỏa mãn hơn với việc làm và từ đó gắn kết với tòa báo nhiều hơn", bà nói.
Trong khi đó, theo nhà báo Đỗ Thiện - thư ký tòa soạn, trưởng ban truyền hình - đa nền tảng báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều đơn vị có tiền và nguồn lực nhưng chuyển đổi số không thành công. Vấn đề cốt lõi nằm ở tư duy của những người làm báo.
"Nếu có công nghệ, có sản phẩm mới nhưng tư duy cũ, mô hình cũ, trải nghiệm cũ, bạn đọc đứng ngoài sản phẩm báo chí thì mọi nỗ lực không có ý nghĩa", ông Thiện nói.
Để tạo ra thay đổi thúc đẩy chuyển đổi số trong một tờ báo, với phần lớn nguồn nhân lực hiện nay là thế hệ trẻ, các diễn giả nhấn mạnh vai trò của môi trường làm việc thúc đẩy khả năng tự học tập, giúp nâng cao giá trị bản thân, luôn ở tâm thế sẵn sàng thích nghi với các thay đổi từ bối cảnh việc làm hoặc nhu cầu công việc.
Có những đơn vị cho phép nhân viên được làm sai, với điều kiện biết học hỏi và rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó.
Góp ý kiến cho diễn đàn, ông Hoàng Anh Tuấn, quản lý sản phẩm tại CoderSchool, đã chia sẻ phương thức tự "nâng cấp" bản thân.
"Hiện nay có hơn 1.000 ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới và miễn phí dành cho cá nhân. Khi làm việc, hãy tự hỏi có công nghệ nào hỗ trợ cho bạn không. Hãy thử nghiệm, kiểm tra chất lượng và hiệu quả của ứng dụng. Bằng cách đó, các bạn sẽ làm việc nhanh hơn nhờ công nghệ", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn và ông Thiện, mỗi phóng viên, biên tập viên trẻ cần có nỗ lực học hỏi nội tại.
"Sự tự phát triển của các thành viên trong tập thể sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực công nghệ cao. Hãy hiểu rằng nếu như giá trị của bạn bằng với 1% của tờ báo, thì khi nâng cao giá trị của bản thân, bạn đang góp phần nâng cao giá trị của tờ báo", ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận