Trong số họ, nhiều người đã trở thành diễn giả nổi tiếng truyền cảm hứng cho những số phận đồng cảnh ngộ.
Gặp gỡ khách hàng trời Âu mà không tốn... xu nào
Hơn năm năm trước, hình ảnh người phụ nữ với nụ cười rạng rỡ trên chiếc xe lăn chia sẻ bao điều tích cực trong buổi ra mắt Trung tâm Hạt mầm ước mơ cho người khuyết tật thôi thúc trí tò mò trong tôi. Lang thang trên mạng xã hội, tôi tìm thấy chị!
Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Vân (chủ tịch hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống) - người phụ nữ truyền cảm hứng đã khiến báo chí đăng không ít giấy mực.
Gần 17 năm qua, chị và đội ngũ Nghị lực sống đã thay đổi biết bao số phận người khuyết tật, giúp họ tiếp cận công nghệ thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm. Riêng với bản thân mình, chị Vân cũng dí dỏm nói rằng chính nhờ mạng xã hội đã "xe duyên" cho chị gặp gỡ người đàn ông cách nửa vòng Trái đất.
"Tôi thường dùng Facebook, YouTube, TikTok, nhờ đó gặp gỡ thêm rất nhiều bạn bè, tiếp cận nhiều kiến thức mới mẻ. Từ mạng xã hội, tôi còn tìm kiếm khách hàng ở tận nước Mỹ, châu Âu mà không tốn một đồng xu nào.
Tôi nhận thấy mạng xã hội đã mang lại nhiều cơ hội cho người khuyết tật, giúp chúng tôi xóa bỏ rào cản về khoảng cách, vấn đề sức khỏe và thậm chí là tài chính. Mạng xã hội cũng giúp người khuyết tật dễ dàng quảng bá hình ảnh, kỹ năng của mình đến với cộng đồng", chị Vân chia sẻ.
Cũng nhờ mạng xã hội "xe duyên", anh Tô Đình Khánh (TP.HCM) đã gặp gỡ được một nửa hạnh phúc. Những ngày qua, mối tình đẹp của anh và chị Trần Thị Thương khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" với cơn mưa lời chúc hạnh phúc sau đám cưới ngọt ngào.
Nhưng trước đó, chính thái độ sống của chàng trai không chân Tô Đình Khánh (phải cưa cả hai chân vì bệnh hiểm nghèo) đã truyền năng lượng tích cực cho rất nhiều người. Gương mặt điển trai, giọng nói truyền cảm, những video Khánh chia sẻ trên TikTok về cuộc sống thường nhật như sinh hoạt, làm việc trên chiếc xe lăn đã nhận về hàng chục ngàn lượt xem.
Anh chia sẻ bản thân may mắn được tiếp cận mạng xã hội từ trước khi biến cố xảy đến. Với Facebook, YouTube, sau này là TikTok, anh tập tành kinh doanh cho đến khi tận dụng mạng xã hội để buôn bán, làm video truyền cảm hứng trên mạng, nhờ đó tạo thu nhập cho bản thân, giúp anh tự chủ kinh tế.
"Sau khi biến cố cuộc đời xảy ra, tôi nghĩ vẫn có thể kiếm tiền trên mạng thì cứ làm, tiếp tục phát triển, tận dụng mạng xã hội để chia sẻ điều tích cực trong cuộc sống, về những gì mình trải nghiệm. Tôi tin công nghệ, mặt tích cực của mạng xã hội chính là cánh cửa để người khuyết tật tạo nền tảng phát triển bản thân, kiếm thu nhập, vươn lên trong cuộc sống", anh Khánh bộc bạch.
Thu hẹp khoảng cách, mở rộng cơ hội
Trước sự phát triển của công nghệ, người khuyết tật càng có nhiều điều kiện, cơ hội để bước ra ngoài thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và không khuyết tật.
Nhà tâm lý - MC khiếm thị đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam Lê Hương Giang cho rằng chính công nghệ đã giúp thay đổi phần lớn trong việc tiếp nhận kiến thức của người khuyết tật. Chị Giang lấy ví dụ trước kia bản thân chị và cộng đồng người khiếm thị không thể đọc được nhiều sách giấy, nhưng nay họ có thể tiếp cận sách bản mềm, tiếp cận thông tin trên Internet, trên mạng xã hội.
Không còn ngại ngần với khiếm khuyết của mình, trên môi trường mạng, người khuyết tật có thể thoải mái bộc lộ bản thân, "phô" sở thích, tài năng để tìm kiếm cơ hội việc làm, mối quan hệ tốt hơn trên mạng xã hội.
"Khi theo dõi mạng xã hội, đối tác, nhà tuyển dụng dễ dàng biết được thông tin về một bạn khuyết tật tài năng, bạn có thể biết hát, biết nhảy hay biết sử dụng công nghệ và khi đó tài năng của bạn sẽ được sử dụng. Tôi cũng biết nhiều người khuyết tật nhờ mạng xã hội đã tìm thấy được người bạn đời, tìm kiếm được cơ hội học tập, việc làm", chị Giang chia sẻ.
Không chỉ nỗ lực trở thành "phiên bản tốt hơn", mỗi ngày người khuyết tật còn cố gắng truyền đi năng lượng tích cực cho người đồng cảnh ngộ, nỗ lực xóa nhòa khoảng cách giữa người khuyết tật và xã hội, giúp họ bước ra ngoài tìm kiếm cơ hội rộng mở phát triển bản thân.
Trên trang cá nhân, hôm nay người ta thấy "cô giáo một chân" Nguyễn Thị Minh Tâm (ở Đồng Tháp) đến tận nhà trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hôm sau chị viết bài kêu gọi giúp đỡ người nghèo ở địa phương. Mạng xã hội như "chất xúc tác" đưa câu chuyện của chị Tâm lan rộng đến những số phận đồng cảnh ngộ, kết nối với rất nhiều nhà hảo tâm để tiếp sức cho việc làm thiện nguyện.
Bị mất một chân sau một vụ tai nạn, từ người lành lặn, chị Tâm chấp nhận sống chung với chiếc chân giả. Bước ngoặt cuộc đời đã giúp chị thay đổi thái độ sống.
Chị tin rằng khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh, gần như ngày nào chị cũng tập thể dục để luyện cho sức khỏe dẻo dai, dành tâm huyết cho nghề dạy học và không ngừng trau dồi kỹ năng, học ngoại ngữ để trở nên "phiên bản tốt hơn".
Nhờ theo dõi Facebook của chị Tâm, nhiều bạn đồng cảnh ngộ đã học hỏi được kinh nghiệm, kỹ năng sống và nỗ lực thay đổi số phận.
"Thiện nguyện như chất "gây nghiện", chẳng những "nghiện" mà tôi còn khát khao bản thân có thể giúp đỡ được cho nhiều người hơn nữa", chị Tâm trải lòng.
Với những việc làm tích cực và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, mới đây chị đã được trao giải thưởng Thanh niên sống đẹp của Trung ương Đoàn.
Không thể phủ nhận mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích, song người khuyết tật cũng gặp không ít trở ngại khi thể hiện cái tôi cá nhân lên môi trường mạng.
Trong đó có việc tiếp nhận thông tin trái chiều, đôi lúc là những lời bình luận ác ý về dạng tật khiến người khuyết tật cảm thấy bị tổn thương, thậm chí gặp rủi ro khi gặp gỡ những người mới trên mạng.
"Tôi nghĩ rằng khi đã lựa chọn thể hiện cuộc sống của mình - là một nhóm thiểu số lên mạng thì người khuyết tật phải trang bị một "phiên bản vững vàng" để đối mặt với những trở ngại nói trên", chị Lê Hương Giang nói.
Chị cho rằng điều cần thiết nhất là trang bị kỹ năng, kiến thức để người khuyết tật không bị rơi vào "bẫy", cân nhắc điều gì có thể chia sẻ, điều gì không nên chia sẻ lên môi trường mạng, kết nối với người phù hợp để tạo môi trường an toàn cho bản thân.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
"Xương thủy tinh" Vũ Ngọc Anh - người ảnh hưởng trên mạng xã hội - cho biết: "Tôi bắt đầu với Internet từ rất sớm, lúc đó chỉ là lên mạng, lên diễn đàn để trò chuyện với bạn bè. Cũng từ đây, tôi gặp được rất nhiều người bạn, chia sẻ cho tôi nhiều kiến thức và ngược lại.
Khi Facebook và mạng xã hội rộng mở, tôi xây dựng thương hiệu cá nhân trên môi trường mạng: Là một người gãy xương hơn 200 lần! Từ ngày có Internet, mạng xã hội, người khuyết tật như tôi có cơ hội học tập nhiều hơn, có cơ hội kiếm tiền, chỉ cần một đường truyền kết nối là đủ.
Nhưng mạng xã hội cũng có hai mặt, người khuyết tật cần biết chọn lọc thông tin để tránh rơi vào "kho tàng thượng vàng hạ cám". Môi trường mạng cũng thay đổi từng ngày nên mỗi người cũng cần phải nắm bắt và bắt kịp xu hướng để có thể "trụ lại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận