Người khuyết tật: Mặc đẹp theo cách mình muốn

BÌNH MINH - YẾN TRINH 21/12/2024 02:09 GMT+7

TTCT - Như bất kỳ ai, người khuyết tật cũng cần ăn ngon mặc đẹp, tìm được những bộ quần áo vừa vặn, giúp họ xuất hiện chỉn chu, tươm tất và tự tin hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều chữ "nhưng" đang cản trở nhu cầu chính đáng này của họ.

Việc có thêm phân khúc trang phục dành cho người khuyết tật là rất cần thiết. Đó không chỉ là vấn đề thời trang, mà còn phá bỏ cảm giác mặc cảm, tự ti của người khuyết tật, lắng nghe nhu cầu của họ nhiều hơn.

Mua đồ của trẻ con, tự tìm thợ may riêng

Sau một cơn sốt bại liệt khi còn bé, anh Nguyễn Trung Hậu (39 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị khuyết tật vận động. Dù gắn liền cuộc sống với chiếc xe lăn, anh vẫn không ngừng nỗ lực với nhiều hoạt động cộng đồng, cùng những dự án cá nhân trong mảng giáo dục, kinh doanh.

Về chuyện mặc tươm tất, anh kể trước đây phải tìm những thợ may có chuyên môn cao, ít nhất cũng phải là những người hiểu được khó khăn của người khuyết tật, từ đó 'đo ni đóng giày' những bộ đồ phù hợp. 

Điểm cộng là có được bộ đồ rất ưng ý, vừa vặn, nhưng điểm trừ là chi phí - mỗi bộ có khi lên đến khoảng 1,3 triệu cho cả vải và công may. "Khi chi phí đội lên thì lựa chọn trang phục cũng bị thu hẹp. Tôi không thể có nhiều quần áo để thay đổi, mặc đi mặc lại một bộ cũng không thuận tiện, đặc biệt khi phải đến công sở, gặp gỡ các đối tác" - anh Hậu chia sẻ.

Những năm gần đây, Trung Hậu chọn được cho mình một số thương hiệu trang phục khiến anh thấy tự tin khi mặc. Tại các cửa hàng này, nhân viên nhanh chóng hỗ trợ anh điều chỉnh trang phục theo số đo cơ thể như bóp ống, lên lai… 

Anh cũng tìm ra thêm nhiều chất liệu vải khiến anh cảm thấy tự tin hơn khi mặc, như vải đũi và vải lanh. "Hai loại vải này rất nhẹ, giúp người khuyết tật di chuyển thoải mái, không vướng víu, giải quyết được những khó khăn của người khuyết tật trong quá trình cởi bỏ trang phục hoặc vào nhà vệ sinh" - Hậu giải thích.

Người khuyết tật: Mặc đẹp theo cách mình muốn - Ảnh 2.

Chị Huỳnh Thanh Thảo lựa chọn trang phục thoải mái, năng động. Ảnh: NVCC

Mắc bệnh xương thủy tinh từ bé, Huỳnh Thanh Thảo (38 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) cũng gặp khó khăn trong chọn lựa quần áo ưng ý. Chị nói mình "thích mặc áo dài lắm mà chưa biết nơi nào phù hợp để may". 

Vì thích áo dài cách tân phần tay áo cho trẻ trung, chị từng liên hệ một số tiệm may áo dài, nhưng bị từ chối vì "khó đo và không biết may như thế nào". Ở một vài sự kiện, chị mặc áo dài của một tổ chức cho mượn nhưng khá chật nên bị đau.

Thanh Thảo nói thị trường ít quan tâm đến nhóm khách hàng là người khuyết tật, đặc biệt là những người có vẻ ngoài không như các dạng khuyết tật về chân. "Các bạn xương thủy tinh hoặc vóc dáng quá nhỏ rất khó mua đồ thông thường, phải may hoặc mua đồ kích cỡ trẻ con. Mà thời trang "em bé" thì không nhiều lựa chọn theo đúng độ tuổi và nhu cầu chị em phụ nữ khi ra ngoài vui chơi, tham gia tiệc tùng…" - chị bày tỏ.

May mắn có người dì họ là thợ may nên đa số quần áo chị Thảo nhờ dì may, vải vóc nhờ dì mua theo gợi ý của mình. "Tôi không có nhiều lựa chọn theo sở thích cá nhân. Nếu đi chơi, tôi hay mặc chân váy rộng phối cùng áo lẻ, chất liệu thường mỏng nhẹ. Đa số trang phục tôi thích mặc rộng hơn kích cỡ chiều cao, để thoáng và cũng đỡ cực lúc mua đồ" - chị nói.

Mong mỏi của người trong cuộc

"Tôi rất thích cravat nhưng chưa bao giờ thắt vì những trở ngại về hình thể. Điều này như một ước mơ không bao giờ chạm đến được" - Trung Hậu nói. Tương tự, theo chị Thảo quan sát, trong thế giới của những bông hoa khiếm khuyết, những người dễ mua sắm quần áo và làm đẹp thường là những người khuyết tật về chân hoặc bị tai nạn dẫn đến khuyết tật. Những người bị khuyết tật bẩm sinh, cơ thể có chút biến đổi thì rất khó lựa chọn trang phục.

Thanh Thảo mong có những cá nhân, cơ sở nhận may, sửa đồ cho người khuyết tật, hoặc có những cộng đồng người khuyết tật chia sẻ cách mặc đẹp, nơi nhận may đồ.

Người khuyết tật: Mặc đẹp theo cách mình muốn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Trung Hậu nhận định có thêm phân khúc trang phục dành cho người khuyết tật là điều rất cần thiết. Ảnh: NVCC

Hiện nay, hầu hết người khuyết tật đều chỉ có những lựa chọn ít ỏi về trang phục, hoặc phải chỉnh sửa từ trang phục dành cho người không khuyết tật. Tuy nhiên, anh Hậu nói cơ thể người khuyết tật rất đặc thù. Ví dụ, những người bị khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn liên tục sẽ có bàn chân bị cong, yếu, không thể mang những đôi giày dành cho số đông.

Làm việc nhiều trong các dự án dành cho người khuyết tật, anh Hậu nghe được rất nhiều chia sẻ từ các bạn nữ. Một trong những trăn trở lớn nhất của các cô gái khuyết tật không chỉ là nhu cầu được mặc đẹp. Nhiều người trong số đó mắc các dạng khuyết tật tổn thương cột sống khiến họ buộc phải mặc tã. 

"Quá trình cởi đồ để đi vệ sinh cũng rất vất vả vì họ không thể tự vận động được. Vì vậy, họ rất cần những trang phục không chỉ để làm đẹp, mà quan trọng hơn là phù hợp nhu cầu, có thể mặc vào và cởi ra dễ dàng" - anh cho biết.

Những rào cản liên quan tới trang phục của người khuyết tật còn liên quan tới chuyện họ ở đâu, làm nghề gì, có tiềm lực tài chính hay không. Đó là những vấn đề lớn hơn một bộ quần áo rất nhiều.

Người khuyết tật: Mặc đẹp theo cách mình muốn - Ảnh 3.

Chị Phạm Nhung thường chăm chút cho trang phục của mình với đa dạng phong cách. Ảnh: NVCC

Tự tin là chính mình

Làm việc trong lĩnh vực công nghệ (UX/UI Designer), bị một tai nạn lúc nhỏ làm mất đi giọng nói, nửa bên người hơi yếu, nhưng chị Phạm Nhung (33 tuổi, ngụ quận 7) luôn tự tin và diện những bộ cánh xinh xắn.

Trên mạng xã hội, những bức ảnh của chị luôn kèm nụ cười tươi, có lúc trang phục năng động như áo thun sọc, váy xòe, có lúc là váy dài boho. Dịp Tết, chị diện áo dài, ngày Giáng sinh chọn đầm đỏ… "Phải luôn yêu bản thân mình. Cuộc sống có như thế nào cũng nên cho chính mình chọn lựa và chịu trách nhiệm" - chị viết trên mạng xã hội.

Từng có giai đoạn công tác ở Áo, Đức và Hà Lan, anh Trung Hậu đã đến nhiều cửa hàng chuyên bán quần áo cho người khuyết tật, với trang phục phục vụ nhu cầu của rất nhiều dạng khuyết tật khác nhau…

"Có cả một hệ sinh thái dành cho người khuyết tật được tổ chức rất bài bản, giúp họ có khả năng tiếp cận xã hội và các dịch vụ nhiều nhất, không chỉ về mặt cơ thể mà còn tạo ra sự thoải mái, tự tin về cảm xúc, tinh thần" - anh chia sẻ.

Hậu cho biết các cửa hàng này có cách sắp đặt phù hợp cho người khuyết tật, từ cửa tự động đến bục di chuyển xe lăn. Sản phẩm được đặt vừa tầm tay, phòng thử đồ có các thanh vịn chắc chắn. Nhân viên bán hàng sẵn sàng xếp lại mọi thứ cũng như được đào tạo kỹ năng hỗ trợ khách hàng khi cần.

Người khuyết tật: Mặc đẹp theo cách mình muốn - Ảnh 3.

Áo sơ mi cài nút nam châm của thương hiệu Joe & Bella.

Các loại trang phục ở đó được thiết kế vừa vặn với người khuyết tật, từ độ rộng của tay áo đến các khóa kéo. Ví dụ, thay vì mặc theo cách tròng từ trên xuống, áo hoodie dành cho người khuyết tật sẽ gồm các dây kéo và tối giản các thao tác mặc và cởi. Giày dành cho người khuyết tật có một hệ thống trục bên trong để hỗ trợ nâng cổ chân, giúp chân vững hơn.

Những gì Trung Hậu quan sát được là một phần của các tiến bộ trong lĩnh vực thời trang thích ứng. Quần áo thích ứng được thiết kế đặc biệt dành cho người khuyết tật, có thể bao gồm việc sử dụng khóa kéo bằng một tay trên giày, thay thế nút bằng khóa từ, hoặc thiết kế quần áo và giày dép để người dùng có thể mặc trong tư thế ngồi.

Trong một bài viết chung trên The Conversation, bốn tác giả là giáo sư và giảng viên đại học ngành marketing cho biết yếu tố then chốt của một thiết kế quần áo thích ứng hiệu quả là đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mà vẫn giữ được phong cách và thời trang.

Nhờ công nghệ, một số thương hiệu thời trang đã bắt đầu mang đến các kiểu dáng quần áo phù hợp cho những người có nhiều loại khuyết tật khác nhau. Chẳng hạn, Under Armour là một trong những thương hiệu đầu tiên áp dụng khóa kéo nam châm, giúp quần áo dễ dàng được kéo lên chỉ bằng một tay. Nam châm cũng được sử dụng trong áo sơ mi, quần và các loại trang phục khác thay thế cho nút áo, giúp những người không có sự khéo léo hoặc khả năng sử dụng nút áo có thể tự mặc đồ tốt hơn.

Với giày, Nike có Go FlyEase - giày thể thao sử dụng cơ chế bản lề, chỉ cần đưa chân vào, và bản lề tự động giữ giày ở đúng vị trí không cần buộc dây. Go FlyEase là ví dụ của thiết kế toàn cầu - nguyên tắc cho rằng sản phẩm nên được thiết kế sao cho bất kỳ ai cũng có thể sử dụng.

Dù có nhiều bước tiến, nhìn chung ngành thời trang vẫn không cân nhắc nhiều về cơ thể của người khuyết tật. "Mục tiêu của họ là tạo ra các sản phẩm sản xuất hàng loạt. Người khuyết tật không phải là một thị trường đủ lớn để được chú ý" - Bruce Darling, chủ tịch của Trung tâm Quyền của người khuyết tật tại Mỹ, nói với trang Fashion Dive.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận