TTCT - Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khi thiết bị y tế khan hiếm và bệnh viện quá tải, nhiều bác sĩ đã buộc phải “lựa chọn sinh tử”, trong đó có người khuyết tật. Ảnh: New York TimesTại nhiều nước, nơi đầu tiên cảm nhận sức ép của đại dịch COVID-19 là hệ thống y tế. Khi trang thiết bị y tế bắt đầu cạn kiệt, nhiều y bác sĩ bị buộc phải quyết định ai sẽ được tiếp cận điều trị tích cực, bao gồm máy trợ thở và nhiều máy móc cần thiết khác, để được cứu sống hoặc duy trì sự sống.Cuối tháng 3 vừa qua, lần lượt các tiểu bang ở Mỹ xem xét để đưa ra các văn bản, còn gọi là hướng dẫn hay kế hoạch phân bổ nguồn lực trong giai đoạn khủng hoảng, khi nguồn vật tư và nhân lực khan hiếm. Tuy khác nhau về nội dung cụ thể, điểm chung của các văn bản là đề xuất các bác sĩ đưa ra quyết định dựa trên các yếu tố về tuổi tác, khuyết tật và bệnh lý có sẵn.Điều được ngầm định: trong trường hợp không đủ điều kiện để chữa trị cho tất cả, những bệnh nhân được ưu tiên sẽ là những người trẻ, lành lặn, có thể trạng sức khỏe tốt trước khi mắc bệnh và vì thế sẽ tiêu tốn ít nguồn lực hơn, nhanh chóng “giải phóng” các phòng bệnh và máy móc.Trong số những người bị loại trừ hoặc ít được ưu tiên tiếp cận điều trị tích cực, bên cạnh người cao tuổi, đau yếu hoặc có bệnh lý nền làm giảm khả năng hồi phục sau điều trị, còn có những người có khuyết tật trí tuệ nặng và rất nặng, những người thường xuyên phải sử dụng máy thở và những người cần sự trợ giúp trong sinh hoạt hằng ngày.Sự lựa chọn hiển nhiênThành công trong công tác phòng chống dịch của một số nước đã giúp trì hoãn việc các bác sĩ phải đưa ra những lựa chọn sinh tử. Song nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, có thể cũng sẽ buộc những nước này phải hi sinh người già, người khuyết tật và những người, vì nhiều lý do khác nhau, mà việc cứu chữa được đánh giá là “ít hiệu quả hơn” so với một người có thể trạng khỏe mạnh và nhiều khả năng phục hồi.Vậy điều gì khiến loại quyết định đó được coi là “hiển nhiên”?Trước khi dịch bệnh diễn ra, người khuyết tật trên khắp thế giới vẫn hằng ngày đối mặt với những lời chất vấn về giá trị và ý nghĩa của cuộc đời mình. Trước thế kỷ XX tại châu Âu và Mỹ, khuyết tật không chỉ bị xem là sự không hoàn hảo về thể chất mà còn thường bị gắn với sự suy đồi đạo đức và tội ác (criminality).Truyền thống phương Đông gắn khuyết tật với sự trừng phạt, không chỉ của mỗi cá nhân mà là của cả gia đình và dòng họ, và vì thế khuyết tật không chỉ là trải nghiệm trên bình diện cá nhân mà còn là một trải nghiệm tập thể về tội lỗi và nỗi ô nhục.Các nền văn hóa, hệ thống tư tưởng hay tôn giáo có thể đưa ra những lời giải thích khác nhau về nguồn gốc của khuyết tật, nhưng hiếm khi nó được xem là một trạng thái “bình thường” mà gần như luôn là một cái gì đó cần phải tránh bằng mọi giá.Việc người khuyết tật gần như không xuất hiện trong các thảo luận về ảnh hưởng của COVID-19 không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, nếu chúng ta xem xét đến sự hiện diện của họ trong đời sống của chúng ta hằng ngày.Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 15% dân số thế giới đang sống với ít nhất một dạng khuyết tật. Cứ khoảng 7 người thì có 1 người khuyết tật. Hãy nhìn lại mạng lưới xã hội của chúng ta, những mối quan hệ đời thực cũng như trên mạng, và so sánh tỉ lệ những người có khuyết tật mà ta quen biết với tỉ lệ của WHO. Nếu vẫn chưa dùng hết mười đầu ngón tay, ta có thể thử mở rộng suy nghĩ về những người chúng ta quen mà có người thân là người khuyết tật.Phép so sánh nhỏ này để thấy nếu như không có định kiến và rào cản xã hội, người khuyết tật đáng lẽ sẽ hiện diện trong cuộc đời chúng ta như thế nào. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người lao động di cư, thu nhập thấp hoặc vô gia cư trên đường phố, nhưng có ít hơn những dấu hiệu nhắc chúng ta nhớ về những người ngồi xe lăn, những thanh niên khuyết tật trí tuệ, trẻ em mù và điếc trong các trung tâm chăm sóc, hay những người khuyết tật nặng cần điều trị y tế thường xuyên và dài ngày.Những hạn chế về tiếp cận thông tin, giao thông, y tế... sẽ đặt họ vào một tình cảnh bất lợi hơn bao giờ hết. Đỉnh điểm của khủng hoảng sẽ là khi người khuyết tật luôn bị bỏ lại phía sau nhưng lại bị hi sinh trước nhất.Do rào cản về mặt xã hộiVào thập niên 1970, các học giả tại Anh đưa ra “mô hình xã hội” về khuyết tật: khuyết tật không đến từ sự suy giảm chức năng về thể chất hay tâm thần (physical or mental impairments) mà là do những rào cản về mặt xã hội, khiến cho cá nhân mang khác biệt không thể thực hiện những chức năng cơ bản của đời sống và tham gia vào xã hội.Một người ngồi xe lăn sẽ không khuyết tật nếu anh ta có thể ra vào các tòa nhà hoặc tự sang đường thông qua đường dốc cho xe lăn; một người điếc sẽ không khuyết tật nếu những người xung quanh có thể giao tiếp với cô ta bằng ngôn ngữ ký hiệu và nếu các đoạn băng phát trên tivi đều có phụ đề đi kèm.Các lý thuyết ngày nay được phát triển thêm từ mô hình này, không phủ nhận những khiếm khuyết hay khó khăn về mặt chức năng nhưng chỉ ra ngày một rõ những yếu tố từ môi trường và xã hội, bao gồm cả định kiến và thái độ kỳ thị, mới thực sự là rào cản đối với người khuyết tật.Các phong trào vận động vì quyền con người cho người khuyết tật bắt đầu từ thập niên 60 (thế kỷ XX) tại Mỹ đã dẫn đến những chuyển biến quan trọng trong nhận thức xã hội về người khuyết tật cũng như các bộ luật đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật trong hầu hết các khía cạnh của đời sống.Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2008, mà VN là một trong các quốc gia đã ký, là văn bản mang tính cột mốc, trong đó các quốc gia tham gia cam kết công nhận quyền và phẩm giá của người khuyết tật, và phân bổ nguồn lực để đảm bảo sự tham gia bình đẳng và toàn diện của người khuyết tật trong xã hội.Những quốc gia có nguồn lực dồi dào có thể đáp ứng đòi hỏi về quyền lợi của người khuyết tật thông qua việc phân bổ lại nguồn lực: dùng ngân sách để xây dựng hệ thống an sinh xã hội, cải thiện tiếp cận hạ tầng và dịch vụ, và ràng buộc các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp... không phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật.Coi trọng phẩm giá và không phân biệt đối xử là linh hồn của những cải cách vì quyền của người khuyết tật. Những mô hình này được coi là đích đến mơ ước của người khuyết tật ở những quốc gia đang phát triển. Khi không có nhiều nguồn lực, cái chúng ta có thể làm bây giờ là nâng cao nhận thức - trước hết, là trả lời câu hỏi: “Ai thì đáng được yêu thương/quan tâm?”.Không may, đại dịch COVID-19 lại mang đến một câu hỏi còn to lớn hơn thế: “Ai thì đáng được sống?”, và câu trả lời này sẽ quyết định “Ai thì đáng được cứu?”. Đối diện với “lựa chọn sinh tử”, chúng ta không biết nhìn đâu để thấy một câu trả lời thỏa đáng.Cách “xếp thứ hạng” khác điNhà đạo đức học và vận động quyền cho người khuyết tật Ari Ne'eman, trong bài viết cho New York Times đã đề xuất cách tiếp cận “first comes first served” - đến trước được phục vụ trước, thay vì xếp hạng xem ai đáng được sống và được cứu. Với đề xuất này, tác giả đã bỏ qua những người không có tiền, ở chính quốc gia của ông hay những nơi ngoài biên giới nước Mỹ vĩ đại - những người có thể sẽ chết mà không bao giờ nhìn thấy chiếc máy thở.Họ sẽ không bao giờ ở trong danh sách chờ, cả khi nền kinh tế và xã hội của chúng ta ở trong chế độ vận hành bình thường. Bởi thực sự chúng ta chưa bao giờ có đủ máy thở cho tất cả những ai cần đến nó. “First comes first served” là cách tiếp cận cũng đầy bế tắc như chính vấn đề nó đang muốn giải quyết: chỉ là một cách “xếp thứ hạng” khác đi mà thôi.Gandhi đã nói: khi mà ta đã viện hết những nguồn lực ta có để sản sinh ra chữ nghĩa nhưng ngay cả điều đó cũng là không đủ thì chúng ta cần hành động. Những lý tưởng và giá trị mà với nhiều người là nghiễm nhiên và tất yếu, như là tự do, bình đẳng, không phân biệt đối xử... sớm hay muộn cũng phải đi qua một cuộc “lửa thử vàng” của cuộc sống, mà kẻ đấu tranh trước tiên cần phải sống hoặc thậm chí giành nhau để sống. ■Gia đình 6 người của tôi có bà, bố, mẹ đều thuộc nhóm tuổi cao và có bệnh tiểu đường/huyết áp, bà và chị gái nuôi con nhỏ mắc bệnh hen phế quản mãn tính - tất cả đều thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ xảy ra biến chứng phức tạp nếu mắc virus và có thể rơi vào “danh sách chờ” điều trị tích cực. Tôi trở thành người trong cuộc.Nhiều người trong số chúng ta có thể lành lặn bước qua giai đoạn này, chỉ để đến lượt mình trở thành nhân vật chính trong cuộc thảo luận của 20-30 năm nữa, thậm chí sớm hơn. Nếu trước đây người khuyết tật một mình đấu tranh giành quyền sống thì giờ đây COVID-19 chứng kiến những người cao tuổi hay người có bệnh lý hô hấp sau một đêm bỗng trở thành “cùng hội cùng thuyền” với họ. Ai biết được những người nào tiếp theo sẽ lên thuyền? Tags: Người khuyết tậtCOVID-19Lựa chọn sinh tửBị bỏ lại sau cùngBị hy sinh trước hết
Ngắm nhan sắc Thanh Thủy, người đẹp Việt Nam đầu tiên đăng quang Hoa hậu Quốc tế HOÀI PHƯƠNG 12/11/2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy là người đẹp Việt Nam đầu tiên giành chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International). Cô cũng là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc thi này.
Huỳnh Thị Thanh Thủy là Hoa hậu Quốc tế Miss International 2024 HOÀI PHƯƠNG 12/11/2024 Cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2024 - Miss International - tại Nhật Bản khép lại, đại diện Việt Nam - Huỳnh Thị Thanh Thủy đăng quang.
Giá vàng lao dốc, sau một tuần đã lỗ hàng chục triệu đồng/lượng ÁNH HỒNG 12/11/2024 Giá vàng thế giới giảm miệt mài, đến cuối ngày hôm nay, 12-11, giá vàng thế giới đã xuyên thủng ngưỡng 2.600 USD/ounce về mức 2.595,3 USD/ounce.
Bí thư Nam Định Phạm Gia Túc làm phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng THÀNH CHUNG 12/11/2024 Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc giữ chức phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.