Phóng to |
Trong bối cảnh văn học nước ngoài lâu nay vào Việt Nam chủ yếu qua con đường dịch thuật, Lâm Vũ Thao cho rằng vẫn còn một khoảng cách khá xa về thời sự văn học giữa Việt Nam và các nước...
* Bản dịch Em làm ơn im đi, được không? ngay từ khi chưa phát hành đã được dư luận chờ đón. Có phải sự nhiệt tình truyền thống đối với văn học dịch của độc giả Việt Nam là một lý do khiến anh tham gia giới dịch sách văn học? Ngoài ra còn những lý do gì để anh gắn bó với công việc này?
- Tôi nghĩ không có quá nhiều sách văn học được dư luận chờ đón đâu. Trường hợp như bản dịch Lolita trước đây là rất hiếm, khi bản thân cuốn sách và cả dịch giả đều quá nổi tiếng.
Dư luận ở đây có lẽ chỉ là một nhóm rất nhỏ độc giả có quan tâm đến văn học đương đại nước ngoài thôi. Tôi dùng chữ đương đại nhưng thật ra Raymond Carver nổi tiếng từ những thập niên 1970, 1980 ở Mỹ và đến năm 1988, khi chúng ta hầu như chưa biết gì tới ông, thì ông đã kết thúc sự nghiệp văn chương của mình với cái chết ở tuổi 50 rồi.
Nói như thế để biết chúng ta nhìn chung lẽo đẽo đi sau thời sự văn học thế giới một quãng khá xa. Vì sao xa thì có nhiều lý do, nhưng phần nào có thể nói vì văn học nói chung và văn học dịch nói riêng chẳng bao giờ có quá nhiều độc giả. Vì thế, lý do duy nhất khiến tôi tham gia dịch sách văn học chỉ là để thỏa mãn chính mình thôi. Tôi thích cái cảm giác được táy máy, nghịch ngợm, và cả vật lộn với ngôn ngữ.
Dịch sách với tôi là sở thích, cũng như người khác thích chụp ảnh hay đánh tennis ấy mà.
* Với Raymond Carver, ngoài tập truyện Nhã Nam in cách nay ba năm và lời nhận xét "Raymond Carver - một Chekhov của nước Mỹ hậu hiện đại" của dịch giả Dương Tường, anh cho rằng độc giả Việt Nam sẽ thích Raymond Carver ở những điểm nào?
- Quả là trong văn chương và cả trong cuộc đời, Raymond Carver chia sẻ nhiều tương đồng với Chekhov, vì vậy giới phê bình văn học thường xuyên nghiên cứu Carver trong quan hệ so sánh với nhà văn chuyên viết truyện ngắn người Nga. Bản thân Carver cũng coi Chekhov như người thầy của mình. Ðọc Raymond Carver để xem ông học gì ở Chekhov, cũng như xem ông đã phát triển nghệ thuật truyện ngắn thế nào so với Chekhov hay Hemingway sẽ là một việc rất thú vị.
Rất nhiều truyện trong tập Em làm ơn im đi, được không? này chạm đến đề tài hôn nhân. Trong bối cảnh xã hội hiện nay khi đời sống hôn nhân gặp nhiều thách thức hơn bao giờ hết, đọc Carver là để thấy ông ghi nhận những mong manh trong tình yêu và hôn nhân bằng những cách thức giản đơn mà thần tình như thế nào. Mỗi chữ, mỗi câu trong truyện ngắn Carver đều có dụng ý, và truyện của ông, qua mỗi lần đọc, ta đều có thể khám phá một cái gì đó mới mà lần đọc trước chưa nhận ra.
Phóng to |
* Sau một vài sự cố về dịch sách văn học vừa qua của các dịch giả khác, anh có rút được cho bản thân chút ý tứ gì về công việc dịch không? Anh quan niệm phải dịch như thế nào thì bản dịch của mình sẽ được chấp nhận?
- Khi nào người ta cũng có thể rút ra được những bài học từ vấp váp của người khác, nhưng điều đó không ngăn cản người ta lại vấp ngã ở chỗ khác. Nếu không đúng như thế thì thế giới chỉ rặt những người thành công! Tôi hoàn thành bản dịch này từ khá lâu, trước khi các sự cố kia xảy ra. Dù gì chăng nữa, tôi luôn quan niệm rằng một khi đã tham gia dịch văn học thì có thể nghiệp dư về thời gian nhưng phải chuyên nghiệp về chất lượng. Ðể đạt được mong muốn ấy chỉ có cách cẩn trọng tối đa, nhất là khi dịch tác phẩm của những nhà văn lớn.
LAM ĐIỀN thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận