20/08/2018 14:42 GMT+7

Người hùng bè tre vượt Thái Bình Dương

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Lần nào đến bãi biển du lịch Sầm Sơn cũng gợi tôi nhớ về con người dũng cảm này - ông Lương Viết Lợi, ngụ tại phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Chỉ có điều trông ông gầy đi nhiều, vẫn vất vả và buồn.

Người hùng bè tre vượt Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Bức ảnh về đoàn thám hiểm được ông Lợi treo trong nhà và xem như báu vật - Ảnh: TÂM LÊ

Ông Lợi là người Việt Nam duy nhất trong đoàn thám hiểm gồm 5 thành viên do Tim Severin dẫn đầu, đã chinh phục 5.500 dặm Thái Bình Dương bằng bè tre hướng tới châu Mỹ vào năm 1994.

Vừa rồi có một người nói sẽ đầu tư đóng chiếc bè đi Trường Sa, hỏi tôi dám không. Tôi bảo dám chứ, chuyến đi ý nghĩa thế sao mà không dám được

Ông

Chuyến đi lịch sử

Ngày về, ông Lợi được cả khu phố chào đón như một người hùng vì những điều kỳ diệu mà ông đã làm trong chuyến thám hiểm đại dương 24 năm trước. Nhưng cuộc sống của ông nhiều năm sau lại lặng lẽ và đầy trắc trở mà ít người biết đến.

Ông vẫn thường ra bãi biển, nơi chiếc bè tre được đóng và khởi đầu chuyến thám hiểm để hoài niệm. Với ông, đó là tháng năm rực rỡ và ý nghĩa nhất của cuộc đời.

"Làm sao tôi quên được, một người chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng như tôi mà được đi một chuyến như thế thì chẳng phải là chuyến đi nhớ đời hay sao?" - ông Lợi nheo mắt cười.

Ngày Tim Severin - nhà thám hiểm người Anh - có được thông tin ở Sầm Sơn của Việt Nam có thể làm được chiếc bè mà ông cần, ông lập tức bay tới.

Quá trình chuẩn bị chuyến đi, làm bè, thử nghiệm và tìm kiếm thủy thủ diễn ra trong vòng 6 tháng. Thành viên cuối cùng của đoàn thám hiểm mà Tim chọn là ông Lợi.

Ngoài kinh nghiệm đi biển, Lợi còn là một thợ mộc đóng bè có hạng. Người thợ nổi bật trong 40 người mà Tim đã theo dõi trong suốt quá trình làm bè.

"Khi Tim hỏi, anh có dám đi chuyến thám hiểm cùng với chúng tôi không, tôi trả lời ngay: các anh đi được thì người Việt chúng tôi cũng đi được!" - ông Lợi khảng khái.

Trong cuốn Bè tre Việt Nam du ký: 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương, trưởng đoàn Tim đã viết: "Người thợ mộc trạc tuổi 30 này vỗ vào ngực mình, chỉ vào tôi rồi chỉ ra phía chân trời ra hiệu rằng anh muốn tham gia chuyến du hành". 

Và hơn 20 năm sau, Tim vẫn khẳng định: "Tôi (lúc ấy) cảm nhận một điều gì đó rất đặc biệt sẽ đến vì tôi biết anh ấy là người xuất sắc nhất".

Lịch trình chuyến đi xuất phát từ Sầm Sơn, sang Hong Kong để hoàn thiện cánh buồm và dự trữ đồ ăn cho các thủy thủ, rồi cứ thế chiếc bè rẽ sóng chinh phục đại dương. Có lúc vượt qua những cột sóng cao cả chục mét, có lúc bị cuốn vào dòng hải lưu đen trôi miết.

Ông Lợi là người hiểu rõ về đặc tính của bè tre khi chạy trong nước biển hơn bất kỳ thủy thủ nào trong đoàn. Vì vật liệu của bè chủ yếu là tre, gỗ, lạt đã gắn bó với ông từ nhỏ, thế nên vai trò ông Lợi gần như lái chính, kiểm tra độ an toàn của bè.

Và để đảm bảo sức khỏe, Tim luôn dành những ưu đãi cho Lợi như ngủ đủ giấc, ăn uống phải no.

Vượt quá nửa chặng đường, đối mặt với nhiều cơn bão biển, cướp biển, đi sượt qua miệng tam giác quỷ Bermuda, khi chỉ còn cách đích đúng 1.100 dặm thì đoàn được cảnh báo sẽ phải đối mặt với một siêu bão.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho thủy thủ, trưởng đoàn Tim buộc phải dừng chuyến đi và rời bè bằng tàu cứu hộ, chuyến hải trình dừng lại ở 5.500 dặm.

Người hùng bè tre vượt Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Bìa quyển sách mà ông Lợi là một thành viên đoàn thám hiểm

Huyền thoại bị lãng quên

Tim Severin đánh giá đây là chuyến thám hiểm đã thành công của ông bằng bè tre. Còn kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình - dịch giả cuốn - nói rằng đây là sự kiện lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam. Một huyền thoại bè tre vượt đại dương chưa từng có trên thế giới.

Sầm Sơn luôn tấp nập khách du lịch. Nơi chiếc bè lịch sử đóng và hạ thủy nằm ngay dưới chân đền Độc Cước, điểm tâm linh mà hầu như du khách nào đến Sầm Sơn cũng ghé qua.

Chúng tôi đi cùng ông Lợi giữa những đoàn du khách nhưng không ai nhận ra người hùng bè tre. Không có một vật kỷ niệm hay thông tin gì giới thiệu về chuyến thám hiểm độc đáo, có một không hai này.

Buổi trưa, ông Lợi tiếp chúng tôi trong căn nhà chật hẹp mà vợ chồng ông đang ở cùng bốn người con trai, hai người con dâu và các cháu. 

Căn nhà chỉ cách nơi đóng bè năm xưa vài trăm bước chân. Đồ đạc bên trong không có thứ gì quý giá ngoài những bức tranh về chuyến thám hiểm được ông phóng to treo trên tường và xem chúng như báu vật.

"Ông đã trở về như thế nào? Bộ Văn hóa có vinh danh ông không?" - một người hỏi. 

Ông Lợi từ tốn: "Khi tôi đi thì người ở Bộ Văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) đón tôi ra Hà Nội để chào đưa tiễn. Lúc về hầu như chẳng ai biết ngoài một anh phiên dịch. Nhưng ông Tim thì chu đáo lắm, ông ấy cho người đưa tôi ra sân bay, đợi khi nào tôi lên máy bay thì mới về, vì sợ tôi lạc. Sau này ông ấy còn cử người sang Việt Nam giúp tôi nữa".

"Về ông lại đi biển tiếp à?" - vị khách hỏi tiếp. 

"Không! Tôi đi phiên dịch rồi làm bảo vệ khách sạn. Thật ra khi mới về nước, ông Tim có cho tôi một ít tiền, số tiền đó tôi đủ mua một cái xe máy, tôi nghĩ làm xe ôm sẽ kiếm được hơn đi biển vất vả. Nhưng chạy xe được hai tháng thì bị người ta tông vào nên tôi bỏ. 

Tim cử Nina (Nina là nữ họa sĩ người Nhật, có tham gia cùng đoàn thám hiểm chặng đường đầu) sang Việt Nam xem tôi sống ra sao, thấy vất vả quá, họ muốn tôi học tiếng Anh để có được việc làm. Học rồi đi làm cũng không nuôi nổi đàn con" - ông cười nhăn nhúm.

Bốn người con trai của ông Lợi đều bỏ học giữa chừng nên việc làm cũng không ổn định. Vợ ông vẫn buôn bán tôm cá ngoài chợ như trước, đủ lo gạo muối cho gia đình. 

Nhiều năm nay ông Lợi chỉ ở nhà bế cháu, ai gọi đi phụ hồ thì làm nhưng sức khỏe ngày càng yếu nên ông ít nhận. Thi thoảng có người gọi ông đi nói chuyện về chuyến thám hiểm thì ông nhận lời.

Ông Lợi hào hứng mời đoàn khách xem cuốn băng về chuyến thám hiểm mà Tim đã quay trong suốt hành trình. Đây chỉ là trích đoạn đã được Đài truyền hình Việt Nam mua bản quyền.

Ai cũng trầm trồ khi xem đến đoạn kịch tính, ai cũng công nhận rằng đây là lần đầu tiên được xem những thước phim gay cấn về chuyến thám hiểm ngoài đại dương. Ai cũng khen ông Lợi tài tình và tự hào về ông, về bè tre Việt Nam.

Nhiều người thắc mắc tại sao Sầm Sơn không làm biểu tượng về chiếc bè ở ngoài bãi biển để du khách biết? 

Ông Lợi trầm ngâm: "26 năm nay, qua mấy đời chủ tịch thị xã (nay là thành phố) rồi mà họ cứ sốt sắng xong lại để đấy. Vừa rồi có một người nói sẽ đầu tư đóng chiếc bè đi Trường Sa, hỏi tôi dám không. Tôi bảo dám chứ, chuyến đi ý nghĩa thế sao mà không dám được!".

Câu chuyện mà ông Lợi nhắc nhiều nhất trong chuyến đi là lúc bè gặp trận bão đầu tiên khi tới Hong Kong.

“Lúc đó không ai biết xử lý sự cố của bè thế nào cả. Trong đoàn có một kỹ sư về điều khiển tàu biển chứ không phải điều khiển bè. Cắc cớ là tôi lại chưa biết tiếng Anh, đoàn cũng không ai biết tiếng Việt nên không thể trao đổi với nhau được.

Sau sự cố ấy, ông Tim cử người dạy tôi tiếng Anh, tôi dạy lại họ tiếng Việt, mọi người đoàn kết vui vẻ với nhau làm tôi vui lắm” - ông Lợi hồi tưởng.

nguoihungbetre_3

Ông Lợi thường ra bãi biển, hoài niệm nơi chiếc bè được đóng năm xưa - Ảnh: T.LÊ

Mơ một cái quán nhỏ trưng bày kỷ vật

Ánh mắt tuổi ngoại lục tuần của ông Lợi ánh lên khi nói về mơ ước.

Ông nói ước mơ suốt đời là có được một cái quán nhỏ ở bãi biển để trưng bày những kỷ vật của chuyến đi, kể cho du khách nghe về cuộc thám hiểm, làm đồ lưu niệm có khắc hình chiếc bè để du khách mua làm kỷ niệm.

Còn chúng tôi chúc cho ông không phải đợi lâu hơn nữa để thực hiện được ước mơ đẹp đẽ ấy.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên