17/08/2011 14:44 GMT+7

"Người Huế từ muôn kiếp trước"

TƯỜNG MINH
TƯỜNG MINH

TTCT - Nhân dịp nhà văn, dịch giả Bửu Ý gần đây bất ngờ ra mắt một lúc ba đầu sách, tiến sĩ Thái Kim Lan phát biểu trên một diễn đàn rằng: “Bửu Ý là một người rất Huế, chất Huế trong anh như thể được thừa hưởng từ muôn kiếp trước...”.

MIyREhPF.jpgPhóng to
Nhà văn - dịch giả Bửu Ý tại triển lãm tranh của người bạn thân - Trịnh Công Sơn nhân dịp 10 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa này - Ảnh: Thái Lộc

Tháng 4 vừa qua, tác giả Bửu Ý đã khiến nhiều người bạn thân cùng sống ở Huế với ông sững người khi xuất bản một lúc ba tác phẩm, gồm: Tâm tình với Trịnh Công Sơn, Nước chảy qua cầu và Ngày tháng thênh thang. Trước khi sách in xong, không một ai ngoài những người thân trong gia đình ông biết chuyện.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng, một người bạn của ông, kể: “Một đêm nọ, mệ Bửu Ý nhắn tin nói xuống nhà có việc gấp. Tôi hấp tấp chạy xuống và không tin vào mắt mình khi mệ đưa cho một cái túi, nói trong đó có ba cuốn sách mình vừa in xong, chừ gởi tặng ông. Đúng là tính cách Huế của mệ Bửu Ý”.

“Trạng thái tinh thần của Huế”

Trong buổi ra mắt ba tập sách của Bửu Ý ở nhà sách Phương Nam (Huế), những người bạn của ông, những người yêu quý ông thoải mái nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình đã ấp ủ lâu nay về tác giả. Có lẽ đây là lần đầu tiên chân dung của Bửu Ý được các bạn mình “vẽ” nên một cách sống động và gần như hoàn chỉnh.

Nhiều “nét vẽ” là chuyện bây giờ mới biết với nhiều người. Chẳng hạn, bác sĩ Dương Đình Châu cho biết: “Bửu Ý không chỉ là nhà văn, dịch giả, nhà giáo, ông còn là một kịch tác gia và từng dạy kịch nói, là giáo sư kịch nghệ của Trường quốc gia Âm nhạc Huế trước năm 1975 (nay là Học viện Âm nhạc Huế). Người dạy kịch như Bửu Ý lúc đó ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.

Hôm đó, tiến sĩ Thái Kim Lan là người “vẽ” nhiều nét về Bửu Ý nhất. Bà nói: “Bửu Ý là một “hoàng tử” nhưng lại không hiểu rõ về cung điện, đền đài, lăng tẩm ông cha mình. Là một người nhạy bén trong tư tưởng nhưng anh không hào phóng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, không tiêu dao như Trịnh Công Sơn. Anh cẩn mật, tinh tế đến từng chữ một trong những trang viết cũng như trong suy nghĩ hằng ngày. Anh hơi đạo mạo, hơi “dạy” chúng ta một chút nhưng đó không phải là sự kiêu ngạo, mà là sự ân cần. Anh là một người Huế có “tâm đạo” với Huế. Anh luôn nghĩ tới người đời sau chứ không phải riêng cho hôm nay…”.

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì: “Bửu Ý gần như là người duy nhất ở Huế giúp chúng ta hiểu biết về không khí triết học, văn học, văn hóa phương Tây từ trước những năm 1975. Nói không quá lời, Bửu Ý, qua những phát biểu tâm huyết, những việc làm, những trang viết… đã khiến anh bây giờ là một trạng thái tinh thần của Huế”.

Bửu Ý là một người đa tài. Ông thông hiểu và để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực từ dịch thuật, viết văn, viết kịch, dạy học (ông từng dạy tiếng Pháp, văn học nước ngoài, mỹ học, toán, tiếng Anh, kịch…), phê bình âm nhạc, mỹ thuật…

Hỏi ông nhờ đâu để có được một sự nghiệp đa dạng như vậy, Bửu Ý cười mỉm: “Tôi giống Trịnh Công Sơn, người bạn thân của mình, hai điểm: thứ nhất là chịu khó đọc rất nhiều sách, thứ hai là được cuộc đời và bạn bè dạy rất nhiều điều. Thuở chúng tôi - Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường… - chơi với nhau, hằng ngày luôn nói chuyện, tranh luận về nhiều vấn đề. Từ đó, chúng tôi học tập nhau, làm giàu kiến thức cho nhau…”.

3sP70zbj.jpgPhóng to
Nhà văn - dịch giả Bửu Ý (bìa trái) nghe biểu diễn ca Huế "xịn" tại nhà mình - Ảnh: Thái Lộc

Tín đồ của ca Huế

Bửu Ý tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Trước năm 1975, Bửu Ý là cây bút có uy tín với rất nhiều bài viết trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn Đàn... Ông đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng như Con lừa và tôi của Juan Ramon Jimenez (Nobel 1956), Nhật ký Anne Frank...

Ra khỏi nhà, Bửu Ý chỉ đi bằng xích lô và sau này là đi bộ. Trước nhà ông ở đường Phạm Ngũ Lão, ngày trước có một chiếc xích lô luôn túc trực 24/24 giờ chỉ để phục vụ mỗi hành khách Bửu Ý. Lý do được “truyền tụng”: ông sợ đi bằng các phương tiện khác, gió hoặc mũ bảo hiểm sẽ làm… hư mái tóc dài bồng bềnh của ông (!). Tò mò hỏi ông thì nhận được tiếng cười lớn rất sảng khoái: “Chuyện ni tôi cũng nghe nói lâu rồi, toàn bịa đặt cả. Tuy nhiên cũng vui vui, lại không hại chi đến ai nên mới không đính chính”.

Sự thật, theo ông, “do đi làm gần nhà nên mãi thành thói quen chớ không liên quan chi đến chuyện tóc tai hết”, vừa nói ông vừa vuốt mái tóc bồng bềnh. Sự thật nữa liên quan đến chiếc xích lô, như ông kể: “Ngày trước có đôi vợ chồng nghèo, không nghề nghiệp, đông con, lại sống tạm bợ trong một căn chòi ở đầu đường gần nhà tôi. Vợ tôi thấy hoàn cảnh của họ thương quá nên bàn với tôi mua tặng họ chiếc xích lô để làm phương tiện kiếm sống, rồi lại nhờ đưa đón vợ chồng tôi đi làm, cho đỗ xe trước sân nhà. Tiếng là đi xe của mình nhưng vợ chồng tôi luôn trả tiền, còn trả cao hơn đi xe người khác”.

Đặc biệt, mỗi khi đề cập chuyện ông là một “tín đồ” của ca Huế như bạn bè ông thường gọi, lập tức Bửu Ý đứng bật dậy khỏi ghế, nói say sưa như thể đang giảng bài với sinh viên. Chuyện là ở nhà ông đã và đang “nuôi dưỡng” một câu lạc bộ ca Huế có từ 14 năm nay. “Tôi chỉ là người thừa hưởng câu lạc bộ này từ người vợ quá cố, cũng là một nghệ sĩ đàn tranh rất mê ca Huế” - ông kể.

Hồi đó, vợ ông quen thân với hai giọng ca hàng đầu của Huế là Thanh Hương (năm nay 83 tuổi) và Minh Mẫn (86 tuổi): “Mỗi khi rảnh rỗi, hai cô thường đến nhà tôi rồi cùng ca cho nhau nghe. Dần dà thành câu lạc bộ ca Huế biểu diễn vào thứ bảy hằng tuần. Năm 2005, nhà tôi qua đời, tôi tiếp tục chăm sóc câu lạc bộ cho đến giờ. Việc duy trì câu lạc bộ là nguyện vọng chung của tất cả thành viên, một phần vì đam mê, muốn níu giữ chút gì đó tinh thần của ca Huế, một phần vì cái tình lâu năm giữa mọi người, giờ không thể chia lìa được” - ông nói.

Từ năm 2003, câu lạc bộ được một nhóm giáo sư giảng dạy ở các trường đại học Hoa Kỳ và Pháp biết đến và tài trợ với mong muốn được góp phần bảo tồn và gìn giữ ca Huế theo đúng nguyên bản của nó.

Từ đó, ngoài tổ chức sinh hoạt hằng tuần, câu lạc bộ có điều kiện mở một lớp dạy ca hò cho các trẻ mồ côi ở trường mồ côi Xuân Phú (TP Huế). Sau đó mở thêm bốn lớp dạy đàn tranh, tỳ bà, nhị, bầu. Hai bà Thanh Hương, Minh Mẫn phụ trách việc đứng lớp với thù lao 300.000 đồng/tháng (sau được nâng lên 500.000 đồng/tháng). Lớp dạy hát và đàn được duy trì đều đặn từ năm 2003 đến nay.

Ngôi nhà số 9 Phạm Ngũ Lão từ lâu đã trở thành một địa chỉ văn hóa của TP Huế. Ông chủ nhà cho biết: “Nhiều bạn ở Hà Nội, Sài Gòn và cả du khách trong, ngoài nước mỗi khi đến Huế đều hẹn đến nhà thăm vào chiều thứ bảy để có dịp nghe ca Huế. Dù có bận việc quan trọng tới đâu, chiều thứ bảy nào tôi cũng phải có mặt ở nhà”.

Bà Thái Kim Lan nói: “Bửu Ý là một người rất nghệ sĩ nhưng lại không bộc lộ chất nghệ sĩ ra ngoài mà chọn cách sống trải lòng với các nghệ sĩ khác... Đó là cách anh vớt lại những giá trị Huế đang bị phiêu bạt”.

TƯỜNG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên