
Phủ Nội Vụ bên trong di tích Đại Nội Huế được trang trí đèn lồng rực rỡ đón các em nhỏ cùng du khách tham quan về đêm chơi Trung thu - Ảnh: NHẬT LINH
Tối 27-9, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ hội đèn lồng và khai hội trăng rằm đón Tết Trung thu bên trong Đại Nội Huế.
Đây là lần đầu tiên di tích Đại Nội Huế mở cửa về đêm để đón các bạn nhỏ cùng du khách vào tham quan, tìm hiểu các nghi thức dân gian, nghi lễ cung đình triều Nguyễn xưa đón Trung thu bên trong cung cấm.
Dù trời Huế mưa tầm tã nhưng rất đông các bậc phụ huynh cùng du khách đã đến khuôn viên phủ Nội Vụ - nơi treo rất nhiều loại đèn lồng đủ màu sắc và hình dáng.
Đáng chú ý là bộ sưu tập đèn lồng Trung thu truyền thống với đủ các loại hình dáng con vật, trái cây được treo dọc lối đi ở phủ Nội Vụ do nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng.

Những con bột được các nghệ nhân Việt Nam nặn ra mô tả cảnh múa lân, rước đèn Trung thu xưa - Ảnh: NHẬT LINH
Cạnh đó là không gian trưng bày đủ loại tò he và con bột đủ hình hài bắt mắt như lân, rồng, phượng do các nghệ nhân của Việt Nam và Trung Quốc nặn ra.
Đặc biệt hơn là mâm ngũ quả được làm theo đúng kiểu cách dân gian do các nghệ nhân phục dựng lại giúp bạn trẻ hiểu hơn về người xưa đã đón Trung thu như thế nào.
Tại buổi khai hội trăng rằm, các bạn nhỏ được xem các nghệ sĩ cung đình biểu diễn bài múa lân truyền thống được phục dựng lại theo cung cách của cung đình triều Nguyễn xưa, được phát kẹo và xem những tiết mục tuồng cung đình…
Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết việc tổ chức lễ hội đèn lồng và khai hội trăng rằm bên trong di tích Đại Nội Huế về đêm là một món quà mà những người làm di tích muốn gửi đến các bạn nhỏ và du khách nhân dịp Trung thu này.
"Đây là một trong những chương trình nằm trong khuôn khổ Festival mùa thu 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó giúp người trẻ hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của triều Nguyễn xưa", ông Trung nói.
Một số hình ảnh tại đêm khai hội trăng rằm bên trong Đại Nội Huế:

Khuôn viên phủ Nội Vụ bên trong Đại Nội Huế rực rỡ đèn lồng, đèn hoa đăng đón Trung thu - Ảnh: NHẬT LINH

Đội múa "Lục cúng hoa đăng" cũng tham gia rước đèn đêm trăng bên trong Đại Nội Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Dù trời Huế mưa rất to nhưng nhiều em nhỏ được các bậc phụ huynh đưa đến bên trong Đại Nội Huế để tham dự ngày hội trăng rằm - Ảnh: NHẬT LINH

Đèn lồng truyền thống hình con cá chép do nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng - Ảnh: NHẬT LINH

Mâm cỗ Trung thu được các nghệ nhân làm theo đúng kiểu cách người xưa - Ảnh: NHẬT LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận