Với phần mềm tuyển dụng AI, thí sinh ngồi đơn độc trong phòng kín, đối diện với máy tính. Ảnh: nypost.com
Tại đất nước Hàn Quốc bị ám ảnh bởi việc luyện thi, sinh viên phải chạy đua đủ lớp học từ thử giọng K-pop đến giao dịch bất động sản. Khi các tập đoàn bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo để tuyển dụng, người tìm việc muốn học cách để đánh bại robot.
Hãng Reuters đưa tin, sở hữu văn phòng làm việc ở trung tâm Gangnam, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Park Seong-jung là một trong những người tham gia vào lĩnh vực luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc trước máy tính. Theo ông Park, việc các video phỏng vấn sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích thí sinh chính là yếu tố then chốt.
'Đừng cười gượng trên môi. Hãy cười bằng đôi mắt', ông nói với các sinh viên tại lớp học mới nhất. Ông cho biết mình đã đào tạo kỹ năng này cho hàng trăm người.
Những lớp học đối phó với trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuyển dụng – đang được các tập đoàn lớn như SK Innovation và Hyndai áp dụng – vẫn còn là một ngách nhỏ bé trong lĩnh vực luyện thi trị giá nhiều tỉ USD tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, những lớp học này đang phát triển nhanh chóng, theo nhận định của hãng cố vấn People & People. Chi phí của một khóa học dài 3 giờ có thể lên đến 100.000 won (tương đương 2 triệu đồng).
Đó là một thị trường tiềm năng. Theo thống kê của Statistics Korea, 8 trên 10 sinh viên Hàn Quốc từng tham gia các lớp luyện thi cùng với việc lực lượng người trẻ thất nghiệp ở đất nước Đông Bắc Á này không hề nhỏ - cứ 4 thanh niên lại có gần 1 người không tham gia lực lượng lao động – đã đem đến động cơ phát triển, thứ không xuất hiện ở các nước khác nơi lò ôn luyện cũng phổ biển, điển hình là Nhật Bản.
'AI sẽ không hỏi các câu hỏi cá nhân một cách tự nhiên. Điều đó khiến nó kém thoải mái. Tôi cần phải đăng ký lớp trả lời phỏng vấn AI', Yoo Wan-jae, 26 tuổi chia sẻ. Nam thanh niên này đang tìm việc trong lĩnh vực khách sạn.
Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang thử nghiệm các kỹ thuật AI ngày càng tiên tiến để rút gọn danh sách ứng viên. Ông Lee Soo-young, Giám đốc tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), trả lời Reuters qua điện thoại cho hay công nghệ mới này đang được áp dụng rộng rãi hơn tại Hàn Quốc, nơi các nhà tuyển dụng lớn có ảnh hưởng lớn trong thị trường việc làm.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), gần 1/4 trong số 131 tập đoàn hàng đầu ở Xứ sở Kim chi đang sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng AI trong thi tuyển. Hệ thống video AI đề nghị ứng cử viên tự giới thiệu bản thân, trong lúc nó tìm kiếm biểu cảm khuôn mặt gồm như 'sợ hãi' và 'vui mừng', đồng thời phân tích cách thí sinh chọn từ ngữ. Sau đó, nó đặt ra các câu hỏi có độ khó như: 'Bạn đang đi công tác cùng với sếp và bạn phát hiện ông ta dùng thẻ tín dụng của công ty để mua đồ cá nhân'. Bạn sẽ nói gì?".
Hệ thống tuyển dụng AI cũng sử dụng 'gamification' hay trò chơi điện tử ứng dụng hóa để đánh giá tính cách và khả năng thích ứng của ứng viên bằng cách đặt cho họ một chuỗi bài kiểm tra.
Chris Jung, nhà quản lý công ty phần mềm Midas IT tại Pangyo – thung lũng Silicon của Hàn Quốc – cho biết: "Thông qua trò chơi điện tử ứng dụng hóa, nhà tuyển dụng có thể kiểm tra 37 khả năng khác nhau của người xin việc và liệu người này có phù hợp với vị trí đó hay không".
Tại công ty People & People, cố vấn viên Park Seong-jung cho biết đã giới thiệu về kỹ thuật tuyển dụng bằng AI đến trên 700 sinh viên đại học, cử nhân và giảng viên năm 2019.
'Các sinh viên đang phải chật vật với sự xuất hiện của hình thức phỏng vấn AI. Mục tiêu của tôi là giúp họ chuẩn bị đầy đủ cho thứ họ sẽ phải đối mặt', ông Park khẳng định.
Trong một nhóm trò chuyện trực tuyến do ông Park quản lý với hơn 600 người tham gia, vô số người đã nhắn tin cảm ơn các khóa học giúp họ thành công khi thi tuyển với AI. Tuy nhiên, ở những nơi khác, những người chưa từng theo học các lớp luyện kỹ năng như trên đã tuyên bố bỏ cuộc.
Kim Seok-wu, 22 tuổi, sinh viên một trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, gần đây đã không vượt qua được cuộc phỏng vấn AI cho vị trí quản lý tại một công ty bán lẻ. Cậu quyết định tiếp tục học lên cao hơn thay vì cố gắng tìm việc làm.
Nam sinh viên chia sẻ: 'Tôi cảm thấy tuyệt vọng nếu tất cả các công ty đều ứng dụng AI để tuyển dụng. Phỏng vấn với AI quá mới mẻ nên các thí sinh không biết phải chuẩn bị những gì và mọi sự chuẩn bị đều vô nghĩa, vì AI sẽ nhận thấy điểm khác thường trong biểu cảm khuôn mặt'.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận