Hình ảnh "hộ chiếu điện tử thế hệ mới" có bổ sung nơi sinh để giảm khó khăn cho người dân Hàn Quốc khi sinh sống tại một số quốc gia như Đức - Ảnh: YONHAP
Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các thông tin về nơi sinh chỉ mang tính tùy chọn, vì vậy một số quốc gia đã quyết định không thêm phần nơi sinh vào hộ chiếu, điển hình như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy không hiển thị thông tin nơi sinh trong hộ chiếu nhưng những dữ liệu cá nhân đều được lưu trong chip điện tử gắn phía sau hộ chiếu.
Kể từ ngày 25-8-2008, tại Hàn Quốc chính thức cấp hộ chiếu điện tử, hộ chiếu sinh trắc học hay e-passport có gắn chip IC ở phía sau mỗi hộ chiếu cho toàn bộ công dân Hàn Quốc.
Hộ chiếu điện tử chỉ khác hộ chiếu thông thường là ở bìa sau có gắn một con chip chứa dữ liệu cá nhân của người chủ hộ chiếu như đặc điểm khuôn mặt, vân tay, họ tên, số hộ chiếu và ngày tháng năm sinh.
Việc phát hành hộ chiếu điện tử có gắn chip nhằm nâng cao mức độ bảo mật thông tin cá nhân và hạn chế tình trạng đánh cắp danh tính để thực hiện hành vi xuất nhập cảnh trái phép.
Hộ chiếu sinh trắc học (còn gọi là hộ chiếu điện tử, hộ chiếu kỹ thuật số, e-passport) là một dạng hộ chiếu truyền thống có gắn một chíp vi xử lý trong đó lưu trữ thông tin sinh trắc học có thể dùng để xác nhận danh tính của người sử dụng hộ chiếu.
Những loại sinh trắc học chuẩn dành cho loại hệ thống nhận diện này bao gồm nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dấu vân tay, và nhận dạng mống mắt.
Tính đến giữa năm 2019, trên thế giới đã có hơn 150 quốc gia sử dụng hộ chiếu chip.
Riêng trong khu vực Đông Nam Á, đã có 8 nước phát hành hộ chiếu điện tử như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Philippines, Indonesia, Campuchia và Lào.
Đến tháng 12-2021, Hàn Quốc đã phát hành “hộ chiếu điện tử thế hệ mới” với trang thông tin cá nhân được làm bằng nhựa polycarbonate (PC) giúp giảm nguy cơ giả mạo.
Cũng gần giống như Việt Nam, một số Hàn kiều định cư tại các nước châu Âu gặp phải một số khó khăn khi không có thông tin nơi sinh trong hộ chiếu vì tại một số quốc gia như Đức, khi đăng ký xin thị thực cư trú dài hạn, đổi bằng lái xe hay mở tài khoản ngân hàng phải cung cấp các giấy tờ chứng minh nơi sinh.
Vì vậy, theo như thông báo trên website của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong quyển hộ chiếu mới này, người dân Hàn Quốc đã có thể đăng ký bổ sung nơi sinh trong trường hợp cần thiết để giảm bớt sự bất tiện cho họ cư trú tại nước ngoài.
Tại Việt Nam, những ngày qua dư luận cũng đã bàn tán không ít về những vấn đề khi lần lượt Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán CH Czech tại Việt Nam thông báo dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới vì không thể hiện nơi sinh của người sử dụng.
Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào chiều 3-8, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết bộ quyết định sẽ ghi bổ sung ở phần bị chú trong hộ chiếu mới nội dung nơi sinh của công dân. Đồng thời sẽ nghiên cứu để bổ sung mục nơi sinh trong phần nhân thân.
Hộ chiếu Saudi Arabia không đề cập đến thông tin nơi sinh - Ảnh: WIKIPEDIA
Hộ chiếu Thụy Sĩ cũng không hiển thị nơi sinh - Ảnh: CONSILIUM EUROPA
Hộ chiếu Nhật Bản cũng không có nơi sinh - Ảnh: CONSILIUM EUROPA
Theo bảng xếp hạng Chỉ số hộ chiếu Henley 2022 (Henley Passport Index), hộ chiếu Nhật Bản vốn được biết đến là quyển hộ chiếu quyền lực nhất thế giới và được miễn thị thực với 193 quốc gia. Xếp thứ hai là hộ chiếu Hàn Quốc, đồng hạng với Đức.
Cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sở hữu quyển hộ chiếu quyền lực nhất nhì thế giới nên hiếm khi bị từ chối khi nhập cảnh vào một quốc gia nào đó.
Đặc biệt, tất cả hộ chiếu được cấp sau ngày 20-3-2006 cho công dân Nhật Bản đều có kèm con chip điện tử.
Kể từ ngày 15-2-2010, Thụy Sĩ đã chính thức ngừng cấp hộ chiếu thường và từ ngày 1-3-2010, toàn bộ hộ chiếu mới của Thụy Sĩ đều là hộ chiếu điện tử.
Tại Saudi Arabia, từ ngày 10-2-2022, Bộ Nội vụ nước này đã bắt đầu bổ sung một con chip sinh trắc học vào hộ chiếu của toàn bộ người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận