Lấy ví dụ cho sự quay lưng của khán giả và nhà tài trợ bóng đá VN, ông Lê Hùng Dũng kể: “Ngày trước, người hâm mộ và các doanh nghiệp thường hào hứng gom góp tiền để thưởng cho đội tuyển rất nhiều sau một giải thi đấu thành công. Nhưng từ sau vụ bán độ của các cầu thủ U-23 VN tại SEA Games 2005, không còn ai muốn gom tiền cho đội tuyển nữa. Ở các giải đấu trong nước, chúng tôi kiếm tài trợ cho giải cũng rất khó và có lúc một mình Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank - nơi ông Dũng làm chủ tịch HĐQT) phải đứng ra tài trợ cả ba giải đấu của bóng đá VN trong năm 2013 với khoảng 50 tỉ đồng”.
Khán giả và nhà tài trợ quay lưng
Việc một loạt CLB như Navibank Sài Gòn, Ximăng Xuân Thành Sài Gòn (XMXT SG) rồi Kienlongbank Kiên Giang bị xóa sổ trong thời gian qua cũng phần nào cho thấy sự đi xuống của V-League.
Số lượng khán giả mỗi mùa luôn được các nhà tổ chức giải thông báo tăng, nhưng thực tế số lượng khán giả chỉ tăng ở vài trận đấu hấp dẫn giữa hai đội bóng cạnh tranh vô địch. Nhìn chung, người hâm mộ đến sân cứ ngày mỗi giảm khi phải chứng kiến quá nhiều trận đấu diễn ra không bình thường ở V-League.
Cụ thể ở mùa này, khán đài sân Bình Dương chưa bao giờ chật kín khán giả như ngày trước dù dưới sân đội bóng của họ đang đá với các đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch như Thanh Hóa, Hà Nội T&T. Nổi tiếng đông khán giả như sân Lạch Tray (Hải Phòng) giờ cũng đã là quá khứ thì nói gì đến những sân chưa bao giờ đông khán giả như Hàng Đẫy, Đồng Nai, Long An, An Giang.
Bóng đá VN đang phải trả giá
Về sự quay lưng của khán giả và nhà tài trợ, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh lý giải: “Chưa bao giờ khán giả xem V-League năm sau nhiều hơn năm trước do cầu thủ chỉ có vậy, thậm chí là tuổi mỗi ngày một lớn thì làm sao cống hiến những trận đấu chuyên môn cao cho người hâm mộ thưởng thức. Kế đến, nhiều trận đấu còn bị nghi ngờ về tính trung thực. Việc các cầu thủ Ninh Bình rồi Đồng Nai bị bắt vì nghi dàn xếp tỉ số sẽ càng củng cố cho người hâm mộ thấy những nghi ngờ của mình cũng có phần đúng. Và như thế ai còn muốn đi xem bóng đá VN. Nhà tài trợ dĩ nhiên không muốn gắn đến một đội bóng có thành tích xấu xí như thế và việc họ đã bỏ hay sẽ bỏ tài trợ chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Ông bầu Hoàng Mạnh Trường (V.Ninh Bình) cho rằng khán giả ở V-League hiện nay không phải vắng mà là quá vắng, và việc ông dần rút tài trợ khỏi đội bóng là một quyết định sáng suốt. Ông nói: “Trước đây tôi đầu tư vào đội bóng từ 50 đến cả trăm tỉ đồng/mùa nhưng thu lại toàn sự thất vọng. Năm 2014 cũng đã đầu tư 30-40 tỉ đồng nhưng kết cục là các cầu thủ của tôi lại tham gia dàn xếp tỉ số ở AFC Cup 2014. Không phải tôi nói quá, cầu thủ VN có rất nhiều người tham gia cá độ. Đội của tôi nếu làm căng ra có khi còn dính rất nhiều vì có trận ở AFC Cup 2014 có đến 16 cầu thủ tham gia bắt độ tài xỉu 100 triệu đồng, tính ra chia nhau mỗi cầu thủ chỉ có hơn 6 triệu đồng”.
Bầu Trường cho rằng bóng đá VN cứ mãi như thế thì việc các nhà tài trợ rút lui là điều bình thường. Ông nói: “Tôi có nói chuyện với mấy anh em làm bóng đá ở các CLB khác, họ có cùng suy nghĩ với tôi, là chán bóng đá VN lắm rồi và chẳng muốn đầu tư nữa. Muốn bóng đá VN phát triển trở lại, theo tôi, cần phải giải bài toán thượng tầng trước. Đó là một ông chủ không được có nhiều đội bóng. Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam đều là của bầu Hiển hết thì còn ai đá lại nữa. Các đội mạnh khác rốt cuộc chỉ là những đội bóng lót đường, đá không vì mục đích gì cả. Họ đủ điểm rồi thì dễ nảy sinh bán độ, cá độ. Tôi nghĩ bóng đá VN đang ở trong đầm lầy, càng đi càng lún. Cho nên chúng ta nên ngừng giải lại 1-2 năm để củng cố mọi thứ. Nếu không, sẽ ngày càng có thêm các doanh nghiệp bỏ tài trợ và kéo theo nhiều đội bóng phải xóa sổ”.
Dù vậy, ông Lê Hùng Dũng không lo lắng với việc sẽ có thêm đội bóng bị xóa sổ trong thời gian tới, nếu như cơ quan điều tra phát hiện thêm những cầu thủ dính tiêu cực hay các doanh nghiệp sẽ chán và bỏ bóng đá. Ông Dũng khẳng định V-League còn bao nhiêu đội sẽ chơi bấy nhiêu, kể cả khi chỉ còn bốn đội bóng.
Ông Dũng nói: “VFF sẽ gửi công văn cho C45 và Viện kiểm sát để yêu cầu xử các cầu thủ phạm tội với khung hình phạt cao nhất. Có thế mới đủ sức răn đe họ và những cầu thủ khác đang có ý định bán mình cho quỷ. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, thu nhập của các cầu thủ vẫn cao hơn nhiều so với những ngành nghề khác vậy mà họ lại không biết quý trọng sự nghiệp của mình, biết dàn xếp tỉ số là phạm pháp mà vẫn làm”.
[box]Bình Dương thanh lý hợp đồng với Đình Hiệp
Sáng 25-7, CLB B.Bình Dương đã thanh lý hợp đồng trước hai năm với tiền vệ Nguyễn Đình Hiệp - cầu thủ được cho CLB Đồng Tâm Long An mượn thi đấu ở giai đoạn 2 V-League Eximbank 2014 và được bảo lãnh ra sau khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam vì tội đánh bạc.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao bóng đá Bình Dương Cao Văn Chóng cho biết: “Sau khi thanh lý hợp đồng, Đình Hiệp xin về Nghệ An trong sáng 25-7 và có cam kết với C45 là sẽ có mặt khi bị triệu tập. Chúng tôi tiếc cho Đình Hiệp vì em còn trẻ, tương lai còn ở phía trước. Vụ việc này cũng là bài học đắt giá cho các cầu thủ khác”.[/box]
[box]Đội tuyển cũng cần phải đề phòng tiêu cực
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết đội tuyển quốc gia cũng cần phải đề phòng tiêu cực sau vụ việc xảy ra ở V.Ninh Bình và Đồng Nai.
Ông Dũng nói: “Với những trận đấu ít được quan tâm ở V-League hay AFC Cup, các cầu thủ còn tham gia dàn xếp tỉ số thì những trận đấu lớn được nhiều người quan tâm của đội tuyển ai dám chắc họ không dám làm. Do đó ở AFF Suzuki Cup 2014, tôi sẽ yêu cầu rà soát thật kỹ danh sách tập trung đội tuyển VN sắp tới xem có những cầu thủ nào từng bị khán giả phản ứng vì nghi ngờ thi đấu thiếu tích cực ở V-League hay không, đồng thời sẽ tăng cường thêm biện pháp an ninh cho đội.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận