Anh Lương Minh Hiền (35 tuổi), công tác tại Hà Nội, mua giúp bà con nông dân Hải Dương rất nhiều cà chua, bắp cải... - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, điểm giải cứu nông sản số 157 Lạc Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tấp nập từ 8h sáng. Trưởng nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn chia sẻ, nhóm đã tiêu thụ được gần 2,9 tấn ổi Thanh Hà, hơn 1 tấn su hào, gần 700kg cà chua, 600kg bắp cải, 5.000 quả trứng gà, thu về giúp bà con Hải Dương gần 25 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thu Hoài (30 tuổi) nói: "Mình cùng chồng đến điểm bán ủng hộ nông sản giúp bà con Hải Dương vì mình hiểu hoàn cảnh người nông dân đang rất khó khăn. Mua xong, mình nhắn ngay lên mạng xã hội để mọi người đến ủng hộ nhiều hơn nữa".
Cũng chung tay giải cứu nông sản giúp bà con Hải Dương, chị Thủy - một chủ cửa hàng trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - cho biết: "Đầu mùa dịch, mình có tặng cho một số điểm bệnh viện dã chiến. Nhiều người biết nên gửi hình ảnh để giúp đỡ nông dân bán nông sản.
Mình nhắn lại rằng, bà con kết nối giúp với hợp tác xã ở điểm dịch, có giấy tờ đầy đủ phòng dịch COVID-19 thì mình giúp đỡ ngay. Toàn bộ tiền sẽ được chuyển tận tay cho bà con nông dân".
"Người mua ít thì một túi 5kg, nhiều là một sọt hơn 20kg. Mình đang bán cà chua 20.000 đồng/5kg, mua sọt là 80.000 đồng. Su hào 10.000 đồng/4 củ, súp lơ xanh 5.000 đồng/cái, cà rốt 30.000 đồng/túi 5kg", chị Thủy tâm sự.
Anh Nghiêm Xuân Tuấn, phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Hải Dương, cho biết Tỉnh đoàn đã huy động đoàn viên thanh niên thu hoạch cùng bà con nông dân từ ngày 17-2.
Ban đầu, thanh niên vận chuyển nông sản đến các khu cách ly trong tỉnh như Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc với tổng số trên 30 tấn rau củ quả các loại. Sau đó, Tỉnh đoàn phối hợp với một số doanh nghiệp vận chuyển nông sản lên Hà Nội giúp bà con tiêu thụ.
"Hiện nay, phương tiện vận chuyển nông sản từ Hải Dương lên Hà Nội vẫn còn hạn chế. Do số lượng chưa được nhiều nên chúng tôi đang xây dựng phương án tăng cường", anh Nghiêm Xuân Tuấn nói.
Nông sản, phương tiện vận tải được phun khử khuẩn 2 lần trên địa bàn Hải Dương, bao gồm ở hợp tác xã và chốt kiểm dịch. Riêng lái xe phải có giấy xác nhận của địa phương để phòng dịch COVID-19 - Ảnh: H.Q
5h sáng, những chuyến hàng đầu tiên chở cà chua, cà rốt từ Hải Dương đã đến tay người tiêu dùng - Ảnh: H.Q
Những quả trứng gà tươi vừa được vận chuyển lên Hà Nội sáng 21-2 được kiểm dịch COVID-19 an toàn, đóng gói kỹ lưỡng trước khi đến tay người tiêu dùng - Ảnh: H.Q
Cà chua được người nông dân Hải Dương cẩn thận chọn lựa loại bỏ quả kém chất lượng trước khi đưa lên Hà Nội - Ảnh: H.Q
Nhiều bạn trẻ cùng người thân đến mua nông sản Hải Dương tại điểm bán số 157 Lạc Nghiệp, Hai Bà Trưng, Hà Nội - Ảnh: H.Q
Nhóm người mua vài túi rau về chia cho bạn bè, hàng xóm giải cứu nông sản giúp người dân Hải Dương - Ảnh: H.Q
Mỗi chiếc xe đầy ắp rau củ là một tấm lòng sẻ chia với người nông dân Hải Dương những ngày này - Ảnh: H.Q
Người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua nông sản ủng hộ bà con vùng dịch tại điểm bán đối diện Trường đại học Bách khoa Hà Nội trưa 21-2 - Ảnh: H.Q
"Mặc dù hành động ủng hộ nông sản giúp bà con Hải Dương rất tốt nhưng nhiều người đứng gần nhau, chen lấn để mua rau như này rất dễ phản tác dụng do dịch COVID-19 đang hiện hữu", một người dân chia sẻ - Ảnh: H.Q
Hai mẹ con chị Hòa cùng những túi rau đầy ắp trên đường về nhà - Ảnh: H.Q
Theo thống kê của tỉnh Hải Dương, hàng hóa tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Với nông sản, tỉnh còn gần 4.100ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch. Trong đó, có hơn 3.200ha hành, hơn 600ha cà rốt và hơn 250ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá. Sản lượng ước tính khoảng 91.000 tấn.
Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận