Số liệu của Sở TN-MT TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH
Ông Trương Quốc Cương - phó chủ tịch UBND quận 11 (TP.HCM) - cho biết cả quận có 126 đường dây thu gom rác dân lập nhưng hiện nay mới có 50 đường dây tham gia vào các hợp tác xã (HTX) và chuẩn bị chuyển đổi phương tiện thu gom rác.
Mặt khác có nhiều trường hợp các đường dây thu gom rác hoạt động trên địa bàn nhiều quận. Nhiều đường dây viện cớ đã tham gia vào các HTX ở địa phương khác để tránh phải tham gia vào các HTX của quận 11. Do đó giữa các quận phải có sự thông tin qua lại để quản lý lực lượng này.
Còn ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết trước đây quận đã quy tập các đường dây rác dân lập về một mối và thành lập HTX rác Quyết Thắng để quản lý. Tuy nhiên sau đó phát sinh vấn đề là nhiều người làm thu gom rác không đồng ý với việc phải "nuôi" thêm một lực lượng làm việc gián tiếp. Ngoài ra những người này cho rằng khi vào HTX phải đóng thuế và làm nhiều thủ tục giấy tờ, mất thời gian nên bỏ ra làm riêng khiến HTX không duy trì được.
Lãnh đạo quận thừa nhận ở thời điểm này muốn đưa họ vào HTX trở lại rất khó. Quận Gò Vấp đang nghiên cứu cho họ được đăng ký kinh doanh theo hộ cá thể, quận sẽ thu thuế mỗi năm một lần để tạo điều kiện cho người thu gom rác dân lập. Các hộ này khi đi thu gom sẽ có hóa đơn chung do quận phát hành để quận dễ quản lý và truy thu thuế.
"Quận tạo điều kiện cho họ được tự do làm ăn, không bị gò bó trong khuôn khổ nhưng ngược lại họ phải đảm bảo tuân thủ phương tiện thu gom đúng chuẩn và các quy định khác. Quận vẫn ưu tiên chuyển lực lượng thu gom rác dân lập về thành các HTX, doanh nghiệp.
Nhưng nếu họ không chịu hai hình thức trên thì phải đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Trong thời gian tới khi TP siết lại nếu họ không tuân theo các quy định chung thì sẽ tự bị đào thải" - ông Khang nói.
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - đánh giá nguyên nhân lớn nhất khiến việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa hiệu quả là do chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập.
Theo đánh giá sơ bộ cho thấy TP đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lực lượng thu gom rác dân lập nhưng lại không quản lý được con người lẫn phương tiện thu gom. Còn lực lượng thu gom rác của các công ty công ích quận, huyện hầu như không thu gom trực tiếp từ các hộ dân trên địa bàn TP.
Muốn chương trình gom rác thải có hiệu quả phải lồng ghép lực lượng thu gom rác của các công ty công ích trên địa bàn TP và lực lượng thu gom rác dân lập thành một, có thể hình thành hình thức tổng thầu thu gom (ai đủ năng lực làm tổng thầu).
Trên lý thuyết, lực lượng công ty công ích trên địa bàn quận, huyện vẫn phải là nòng cốt trong thu gom, vận chuyển và xử lý, vừa thực hiện công tác công ích vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị. Còn lực lượng thu gom rác dân lập không có chức năng thực hiện hai nhiệm vụ trên.
Do đó, TP cần phải quản lý được con người và phương tiện thu gom đối với lực lượng thu gom rác dân lập, như vậy việc phân loại rác tại nguồn mới có hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận