Rồi đột nhiên tôi nhận ra có nhiều phương thức khác nhau để thành công.
Tần Lê
2018 cũng đúng 20 năm bà được trao danh hiệu "Người Úc trẻ tuổi của năm". 20 nhân vật được chọn là những người đã cống hiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực ở Úc.
Thế giới công nghệ định hướng tương lai
Năm 1981, gia đình Tần Lê (tên Việt đầy đủ là Lê Thị Thái Tần) định cư ở Úc lúc bà mới 4 tuổi. Năm 16 tuổi bà đã theo học tại Đại học Monash ở Melbourne với ý định hành nghề luật sư nhằm thực hiện ý nguyện giúp đỡ những người nhập cư hiểu rõ hơn hệ thống pháp luật ở Úc.
Tốt nghiệp luật và thương mại với bằng danh dự, từ tháng 2-1999 bà bắt đầu sự nghiệp tại Công ty luật Freehills. Đây là công ty luật quốc tế lớn có khách hàng trên toàn thế giới, sử dụng nguồn lực của khoảng 1.000 luật sư bao gồm hơn 200 đối tác tại các văn phòng ở Úc và Đông Nam Á. Nếu cứ theo con đường đã vạch ra, bà có thể nhắm đến một ghế trong Tòa án tối cao Úc.
Năm 1998, Tần Lê được trao giải thưởng "Người Úc trẻ tuổi của năm" nhờ nỗ lực làm công tác thiện nguyện phụng sự cộng đồng người gốc Việt ở Melbourne. Giải thưởng này đã khơi dậy trong bà nhận thức về những điều bà chưa từng thấy trước đó.
Tần Lê bộc bạch: "Tôi là một cô gái ở Footscray (ngoại ô Melbourne) lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động có rất ít cơ hội giao tiếp. Rồi đột nhiên tôi nhận ra có nhiều cách khác nhau để thành công. Niềm đam mê, lòng kiên trì và nghị lực sẽ giúp bạn đóng góp theo cách tốt nhất. Sau đó, tôi nhận ra mình cần phải chủ động nhiều hơn thay vì cứ đi theo con đường truyền thống".
Tần Lê giới thiệu thiết bị đeo Emotiv tại hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN ở Hà Nội ngày 12-9-2018 - Ảnh: Twitter
Với suy nghĩ ấy, Tần Lê kết thúc sự nghiệp luật sư tư vấn ngắn ngủi vào tháng 8-2000. Có hai yếu tố tác động đến Tần Lê. Sau giai đoạn bùng nổ bong bóng dot-com (các công ty đầu tư vào thị trường Internet rồi bị phá sản) trong năm 2000, một số doanh nhân trạc tuổi bà đều khao khát muốn lập công ty riêng. Cùng lúc đó, bà phát hiện một thư viện sách và sách đã dẫn dắt bà đến với thế giới công nghệ. Bà nhận ra công nghệ là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều hơn hết cho xã hội vì thành tựu công nghệ có thể cải thiện cuộc sống mọi người trên toàn thế giới và định hình tương lai.
Một tháng sau khi bỏ nghề luật sư, Tần Lê mở công ty và đạt được thành công vang dội. Bà là người đồng sáng lập và chủ tịch Công ty SASme International chuyên về công nghệ không dây.
Lúc bấy giờ điện thoại thông minh chưa ra đời, Tần Lê nhìn thấy tiềm năng của tin nhắn SMS nên đã ký thỏa thuận với đơn vị viễn thông thực hiện chương trình bình chọn cầu thủ bóng đá xuất sắc qua tin nhắn SMS. Cứ mỗi tin nhắn công ty nhận được 5 xu. Trong vòng một năm, số tin nhắn đã lên đến gần 100 triệu mỗi tháng. Ba năm sau Tần Lê bán lại công ty và bỏ túi số vốn kha khá.
Sản xuất thiết bị phân tích hoạt động não
Nghĩ đến kế hoạch tương lai, Tần Lê đã chọn cách tiếp cận khác. Tháng 12-2003, bà trở thành người đồng sáng lập và chủ tịch Công ty công nghệ thần kinh Emotiv Systems chuyên phát triển công nghệ kiểm soát não thông qua thiết bị tương tác theo dõi hoạt động não.
Bà giải thích: "Tôi muốn sử dụng công nghệ như chất xúc tác để tạo ra cái gì đó chưa từng hiện hữu trước đây". Bà muốn làm sáng tỏ mọi bí ẩn trong trung tâm cảm xúc của não và tìm hiểu lý do vì sao cá nhân lại có thái độ ứng xử thế này, thế khác. Sâu xa hơn, bà kỳ vọng tạo ra công nghệ chống não lão hóa và chế tạo một thiết bị có thể cải thiện tình trạng nhận thức của con người.
Đến tháng 7-2011, với kinh nghiệm ở Emotiv Systems, Tần Lê thành lập Công ty Emotiv và giữ chức giám đốc điều hành. Emotiv chuyên về tin sinh học (bioinformatics), một lĩnh vực khoa học mới sử dụng các công nghệ của toán học ứng dụng, tin học, thống kê, khoa học máy tính và toán sinh học để giải quyết các vấn đề sinh học.
Công ty đã nghiên cứu thiết bị đeo có nhiều cảm biến đo xung điện não. Khi đeo thiết bị, người dùng sẽ biết khi nào não tập trung chú ý, khi nào não bị stress và mọi yếu tố khác để tối ưu hóa nhận thức. Nhiều thành phần như vận động viên hoặc người lãnh đạo mong muốn sử dụng thiết bị đó để biết sử dụng não vào thời điểm tốt nhất trong ngày.
Tiến sĩ Geoff Mackellar, chủ tịch Công ty Emotiv cùng Tần Lê, người sáng lập - tổng giám đốc Emotiv, giới thiệu thiết bị đeo không dây - Ảnh: AP
Sau khi chế tạo thiết bị đeo Emotiv Epoc có chức năng phân tích hoạt động điện não đồ của người dùng, công ty tiếp tục giới thiệu phiên bản mới Emotiv Insight. Thiết bị đeo này không chỉ tiếp nhận và phân tích hoạt động não của người dùng trong thời gian thực mà còn phân tích các cử động liên đới như chuyển động xoay của đầu.
Công ty Emotiv trong Thung lũng Silicon đang sử dụng 100 nhân viên ở Mỹ, Úc và Việt Nam, đồng thời cộng tác với các nhà khoa học của 120 nước nghiên cứu hàng loạt ứng dụng cụ thể cho các nền tảng bao gồm di động, an toàn vận chuyển, y tế và chăm sóc sức khỏe, người máy, điều khiển thiết bị không dùng tay, các giao diện tin học, nghệ thuật, thiết kế và giải trí.
Công ty đã nhận được nhiều giải thưởng và hiện đứng đầu trong lĩnh vực đo điện não đồ di động với giao diện não - máy tính.
Hiện nay, Tần Lê (42 tuổi) được xem là nhà sáng chế trong lĩnh vực công nghệ thần kinh, diễn giả nổi tiếng về sáng tạo và kinh doanh, đồng thời là một trong những người đi tiên phong thiết lập công nghệ khai thác bí ẩn bộ não con người.
Người phụ nữ thành đạt
Tần Lê được bình chọn là một trong 30 người phụ nữ thành công nhất dưới 30 tuổi ở Úc. Bà đã được tạp chí Fast Company (Mỹ) đưa vào danh sách những người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới về công nghệ năm 2010, tạp chí Forbes bình chọn trong danh sách 50 tên tuổi cần biết năm 2011.
Bà được trao giải thưởng Tiến bộ toàn cầu của Úc về công nghệ thông tin và truyền thông năm 2012, giải thưởng Sáng tạo G’Day USA năm 2014. Năm 2018, bà nhận được giải thưởng thành tựu của Viện Nghiên cứu công nghiệp Mỹ.
Từ năm 2009, Tần Lê đã được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chọn là nhà lãnh đạo trẻ thế giới. Hiện nay bà là thành viên Hội đồng Tương lai toàn cầu về công nghệ thần kinh tại WEF. Mẹ của Tần Lê là bà Hồ Mai, nguyên thị trưởng thành phố Maribyrnong (Úc).
Kỳ tới: Tiến sĩ Võ Cẩm Quy với công nghệ blockchain
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận