01/03/2018 15:20 GMT+7

Người gốc Việt ở Campuchia nói gì về chuyện 'thẻ xanh'?

TIẾN TRÌNH - BẢO DUY
TIẾN TRÌNH - BẢO DUY

TTO - Khoảng 70.000 người Việt sinh sống ở Campuchia có thể trở thành công dân hợp pháp của nước này, theo cam kết của Chính phủ Campuchia trong cuộc họp ngày 27-2.

Người gốc Việt ở Campuchia nói gì về chuyện thẻ xanh? - Ảnh 1.

Nhiều thế hệ người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Campuchia vẫn mong được công nhận quốc tịch Campuchia để ổn định cuộc sống - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Báo Phnom Penh Post ngày 28-2 cho biết có thể hiểu kế hoạch mới của Chính phủ Campuchia đối với những cư dân không quốc tịch, không giấy tờ ở nước này giống như chương trình thẻ xanh của Mỹ.

Không phải tất cả đều sẽ được công nhận là thường trú nhân. Khi những người này đến đăng ký, chúng tôi vẫn phải kiểm tra lý lịch các thứ. Nhưng tôi tin là gần như tất cả đều sẽ được cấp thẻ

Ông Nouv Leakhena (người đứng đầu Cục Di trú Campuchia)

Yên tâm sinh sống, làm ăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Viết Đạt - phó chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Pursat (Campuchia) - cho biết ông nằm trong tổ công tác làm thủ tục để cấp thẻ cho bà con gốc Việt tại đây. "Tôi chịu trách nhiệm hướng dẫn bà con gốc Việt của huyện Krako, tỉnh Pursat làm thủ tục để được cấp thẻ cư trú. Hiện nhiều bà con ở đây đã được cấp thẻ" - ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, thẻ màu xanh này được cấp có thời hạn hai năm, hai năm sau sẽ được cấp thẻ màu vàng, hai năm kế tiếp nữa sẽ được cấp thẻ màu hồng. Đến hết thời hạn thẻ màu hồng thì cũng qua năm thứ 7. Theo luật Campuchia, lúc đó người được cấp thẻ có thể làm thủ tục xin nhập quốc tịch Campuchia.

Người gốc Việt ở Campuchia nói gì về chuyện thẻ xanh? - Ảnh 3.

Ông Lo Min vui mừng khoe thẻ cư trú vừa được cấp - Ảnh: VIẾT ĐẠT

Gửi chúng tôi xem chiếc thẻ vừa được cấp, ông Lo Min, một người Campuchia gốc Việt sống trên Biển Hồ, không giấu được niềm vui. "Không phải riêng gia đình tui đâu, nhiều bà con sinh sống ở đây rất lâu đời. Nguyện vọng của bà con là được sinh sống ổn định, được làm ăn để góp phần xây dựng cuộc sống và xây dựng đất nước Campuchia" - ông Lo Min bộc bạch.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một nhà ngoại giao ở Phnom Penh cho biết ông hoan nghênh những bước đi tích cực của Chính phủ Campuchia và hi vọng chính phủ, các cơ quan chức năng của Campuchia tiếp tục tạo thuận lợi để người chưa có quốc tịch nói chung và người Campuchia gốc Việt ở Campuchia được thuận lợi sinh sống, làm ăn, phát triển cuộc sống gia đình, cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước Campuchia đoàn kết, phồn vinh.

"Nên linh hoạt"

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp ngày 27-2 của Bộ Nội vụ Campuchia, ông Nouv Leakhena - người đứng đầu Cục Di trú Campuchia - nói kế hoạch hợp pháp hóa di trú là sự thừa nhận của Chính phủ Campuchia đối với những người không có quốc tịch đang sinh sống trên đất Campuchia, bao gồm cả người Việt.

Từ tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách Campuchia đã bắt đầu thu hồi giấy tờ bị cho là "bất thường" của hàng chục ngàn người gốc Việt. Nhóm này, cùng với những người không quốc tịch, sẽ đăng ký với chính quyền, với tư cách người nước ngoài nếu đáp ứng được các điều kiện đưa ra.

Theo ông Leakhena, trong vòng 1 tháng kể từ hôm nay (1-3), những người sử dụng lao động nước ngoài ở Campuchia phải đến trình báo và xin cấp giấy phép lao động cho lao động mà họ đang thuê. Quá thời hạn trên những lao động không đăng ký sẽ bị trục xuất về nước.

Người gốc Việt ở Campuchia nói gì về chuyện thẻ xanh? - Ảnh 4.

Các em học sinh người Việt tại Biển Hồ hào hứng trò chuyện với các anh chị sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, của Đại học KHXH&NV TP.HCM, tới thăm ngày 17-1-2018 - Ảnh: THẢO QUYÊN

Động thái mới của chính quyền Campuchia nhận được sự hoan nghênh của một số nhóm hoạt động nhân quyền. Tuy nhiên, theo bà Lyma Nguyen - luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam trong phiên tòa xét xử Khmer Đỏ, Phnom Penh nên linh hoạt trong cách xử lý vấn đề người Việt ở Campuchia.

Theo bà Lyma, nhiều người Việt sở hữu giấy tờ hợp pháp và đã là công dân Campuchia hẳn hoi nhưng vẫn bị tước mất giấy tờ, mất thân phận hợp pháp. Và cho dù đáng lẽ họ đã là công dân Campuchia, họ vẫn sẽ mất ít nhất 7 năm để trở về thân phận cũ.

"Chính quyền nên xem xét dưới góc độ cá nhân, về các mối quan hệ gia đình, làng xóm của người đó" - bà Lyma nói.

Mỹ ngưng viện trợ, Campuchia "sốc"

Chính quyền Campuchia ngày 28-2 cho biết lấy làm buồn và bị sốc trước quyết định "không tôn trọng" của Mỹ về việc cắt giảm các chương trình viện trợ do cách nhìn nhận về nền dân chủ của Campuchia.

Ông Phay Siphan - người phát ngôn của chính quyền Phnom Penh - nói với Hãng tin Reuters rằng "dẫu có buồn và sốc vì quyết định của đất nước thân thiện trong hỗ trợ phát triển, Campuchia vẫn tự hào về việc tích cực duy trì và tiếp tục phát triển dân chủ ở đất nước mình".

Trước đó ngày 27-2, chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ cắt giảm ngân sách viện trợ cho Campuchia với lý do "quan ngại sâu sắc" về những bước lùi trong tình hình dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ "trong 1/4 thế kỷ qua, Mỹ đã là đối tác phát triển tận tụy của Campuchia", "đã đóng góp hơn 1 tỉ USD cho sự ổn định và thịnh vượng của tình hình kinh tế, xã hội và nền dân chủ Campuchia".

Tuy nhiên báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu rõ "các bước lùi về dân chủ gần đây tại Campuchia đã gây quan ngại sâu sắc", buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đánh giá lại sự hỗ trợ với Campuchia để đảm bảo tiền thuế của người dân Mỹ không bị sử dụng vào mục đích hỗ trợ cho hành vi đi ngược tinh thần dân chủ.

Theo đó, chính quyền Mỹ tuyên bố dừng hoặc cắt giảm các khoản tài trợ của Mỹ với các dự án hỗ trợ cơ quan thuế, chính quyền địa phương và quân đội của Campuchia. Tuy nhiên Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các dự án hỗ trợ người dân Campuchia như các chương trình viện trợ về y tế, nông nghiệp, rà phá bom mìn và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. (D.KIM THOA)

TIẾN TRÌNH - BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên