20/09/2011 08:09 GMT+7

Người giữ rừng bơ vơ

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - 1.700ha đất và rừng ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk được giao cho dân làm chủ, nhưng chỉ sau bốn năm số diện tích bị phá, lấn chiếm lên đến 80% do “chủ rừng” chỉ có tay không và không được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền.

Read this on Tuoitrenews.vn

O2YRXL0G.jpgPhóng to
Các nhóm hộ “chủ rừng” trình bày về những lần lập báo cáo gửi chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết - Ảnh: Tr.Tân

Năm 2007, 13 nhóm hộ (với hơn 190 hộ gia đình) trên địa bàn xã Ea Bung được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 1.700ha đất rừng, thời hạn 50 năm (theo quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp). Hiện nay số rừng nói trên đã bị phá, lấn chiếm hơn 1.200ha!

Nhóm hộ anh Nông Trường Sơn được giao hơn 103ha rừng nghèo năm 2007. Đến ngày 30-6-2010 mới nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc đó rừng đã bị chặt phá, lấn chiếm hàng chục hecta.

26ha rừng bị ủi trắng chỉ một đêm

5 tháng mất hơn 2.000ha rừng

Tại huyện Cư M’Gar có 692ha rừng được giao cho 84 hộ dân từ năm 2008, đến nay các cơ quan chức năng đã xác định hơn 150ha rừng bị biến thành nương rẫy.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong năm tháng đầu năm 2011 toàn tỉnh đã có hơn 2.142ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm. Các “điểm nóng” về tình trạng mất rừng là huyện Ea Súp, Ea H’Leo và Cư M’Gar.

Cũng theo thống kê của sở này, toàn tỉnh còn hơn 100.000ha rừng chưa giao cho dân, hiện do huyện, xã quản lý và cũng đang bị chặt phá nghiêm trọng.

Nhưng nhóm hộ của anh Sơn vẫn là “điển hình” trong việc giữ rừng vì... mất rừng ít nhất. 12 nhóm hộ khác đều xảy ra tình trạng mất rừng rất nghiêm trọng, thậm chí nhóm hộ ông Huỳnh Tấn Hùng (thôn 4) đã bị “mất trắng” hơn 116ha rừng. Nhóm hộ anh Cầm Văn Viễn (thôn 5) nhận hơn 88ha, đến nay chỉ còn khoảng 15ha. Còn nhóm hộ anh Phạm Văn Minh được giao hơn 125ha, bị chặt phá, lấn chiếm hết 90% .

Anh Nông Trường Sơn cho biết từ năm 2007 đến nay, nhiều người ngang nhiên đến chặt cây, chiếm đất rừng của anh để bán lại hoặc trồng hoa màu. Mỗi lần như vậy, nhóm hộ anh đều có báo cáo với địa phương. Trong một lần ngăn cản, anh Lê Đình Tỉnh - một thành viên trong nhóm hộ của anh - bị một nhát cuốc chắn vào tay.

Sự việc ngay lập tức được báo cáo lên UBND xã, Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Có lần chúng tôi tổ chức bắt quả tang những hộ dân phá rừng, lấn đất vào ban đêm và tiến hành lập biên bản nhưng họ không ký. Đuổi họ ra khỏi rừng thì họ dọa đánh, dọa đốt lều và giết heo rừng...” - anh Sơn nói.

Chưa hết, những kẻ phá rừng khi yêu cầu trả lại đất còn đòi tiền... phá rừng. Anh Cầm Văn Viễn chua chát cho biết: “Họ phá rừng của chúng tôi đem bán, khi chúng tôi đến lấy lại thì họ bảo phải trả công cắt dọn 5 triệu đồng/ha! 26ha đất rừng bị chặt phá và ủi trắng trong một đêm, nhóm đã phải bỏ tiền túi ra mua lại, bởi nếu để họ gieo trồng trên diện tích đó sẽ không thể đòi lại”. Anh Phạm Văn Minh nói ở phần đất của anh còn bị “hét” giá 40 triệu đồng/ha!

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc chặt phá rừng bắt đầu từ năm 2007 nhưng rộ lên từ giữa năm 2010 đến nay. Việc chặt phá, ủi đất rừng thường diễn ra ban đêm, ngày lễ tết... Nguyên nhân là do người dân đua nhau phá rừng làm nương rẫy. Các chủ rừng ba năm nay chưa nhận được chính sách ưu tiên hay hỗ trợ kinh phí gì từ việc giữ rừng. Chưa ý thức được việc giữ rừng đem lại lợi ích lâu dài. Địa phương chưa chủ động trong việc quản lý rừng, chưa đôn đốc công tác bảo vệ rừng, địa bàn rộng, đường sá đi lại khó...

Trách nhiệm của ai?

Trong cuộc họp tăng cường trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng vào tháng 7-2011, ông Bùi Đức Hạnh, chủ tịch xã Ea Bung, cho biết để xảy ra tình trạng mất rừng là do chủ rừng chưa thiết tha việc bảo vệ rừng, chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chưa tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, địa bàn rộng và đi lại khó khăn. Hơn nữa, những kẻ phá rừng hung hãn, thường lợi dụng ban đêm để phá rừng...

Ngoài ra, các chủ rừng đã không báo cáo kịp thời vấn nạn phá rừng khiến tình trạng mất rừng đến lúc trầm trọng xã mới biết! Ông Lê Văn Trọng, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp, nói: “Trách nhiệm trước tiên là của chủ rừng. Cứ phá một hecta rừng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ rừng không bắt được những người phá rừng thì phải chịu thay!”.

Tuy nhiên ông Huỳnh Tấn Hùng nói khác hẳn: “Chúng tôi thường xuyên báo cáo tình trạng bị phá rừng lên xã, hạt kiểm lâm. Có những trường hợp chúng tôi bắt được quả tang. Hi hữu hơn, có kẻ phá rừng đã chịu ký vào biên bản nhưng khi chuyển lên xã, rồi hạt kiểm lâm huyện thì vẫn không được giải quyết. Chúng tôi được giao rừng để quản lý và hưởng lợi, ra sức bảo vệ không hết, ai lại đem rừng đi bán? Làm mất rừng, chúng tôi cũng đau xót, lo lắng. Nhưng là dân thường, dù có tổ chức hàng chục người đi vây bắt, lập biên bản cũng không thể xử lý. Gọi xã, huyện thì đều được trả lời phải áp giải đến trụ sở để giải quyết! Chúng tôi lấy quyền gì để bắt, áp giải người đến trụ sở cơ quan chức năng?”.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên