Một cảnh trong trích đoạn Trần Bình Trọng của CLB tuồng Dương Cốc, xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội - Ảnh: Đức Triết |
Chỉ tay về phía sân khấu dựng trong khuôn viên của nhà hát ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, nơi có 10 câu lạc bộ tuồng ở phía Bắc đang tụ hội, ông Tạ Văn Sốp - phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - đã nói như thế.
Ông Sốp lý giải: “Chẳng phải sao khi chính những nghệ nhân này giữ lửa trong từng làng, xã? Họ khiến người làng biết về tuồng để yêu tuồng. Họ truyền lửa cho con em mình để từ đó các đoàn nghệ thuật xây dựng đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ cũng chính là tấm gương làm nghề hoàn toàn không vì cơm áo gạo tiền để các nghệ sĩ nhà hát nhìn đấy mà rèn luyện, gắn bó với nghề tổ...”.
Ông Tạ Văn Sốp - phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết: “Chúng tôi có đề nghị với Bộ VH-TT&DL là nhà hát sẽ thường xuyên giúp các CLB gìn giữ, phát triển nghệ thuật tuồng ở làng, xã với nguồn kinh phí của Nhà nước. Tuy nhiên đến giờ đề nghị ấy vẫn chưa được chấp thuận. Vì thế, trước mắt thông qua một số sự kiện, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các CLB được tụ hội và được sống trong những giây phút đam mê của mình”. |
Chương trình biểu diễn của các đội tuồng không chuyên chào mừng 55 năm ngày thành lập Nhà hát Tuồng Việt Nam được khai màn từ 18g30 ngày 4-9.
Lối đi khu tập thể Nhà hát Tuồng Việt Nam trở thành điểm biểu diễn. Người đến xem khá đông, trong đó phần lớn là các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam và cổ động viên của mười CLB: Phú Mẫn, Tấn Bào, Yên Phong, Trung Bạn (Bắc Ninh), Xuân Nộn, Cổ Loa, Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội), Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội), Dương Cốc (Đồng Thái, Quốc Oai, Hà Nội) và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Trên sân khấu, các nghệ nhân phần lớn là “lão nông tri điền” với đôi tay gầy guộc sạm nắng cũng lấp lánh áo mũ, đai kiếm, say sưa vào vai các nhân vật như Trưng Vương, Trần Bình Trọng, Mộc Quế Anh, Chiêu Quân, Bà Triệu, Mỵ Châu, An Dương Vương... trong các trích đoạn tuồng cổ như: Trưng Vương đề cờ, Đào Tam Xuân đề cờ, Trần Bình Trọng, Tạ Hoàng Lân đề cờ, Chiêu Quân cống Hồ, Triệu Trinh nương, Mộc Quế Anh dâng cây, Tình sử Loa thành...
Riêng đội Liên Hà chọc cười khán giả với trích đoạn Bà huyện đánh ghen trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Tham gia vai diễn phần lớn là nghệ nhân nữ (có cả gái giả trai) và độ tuổi từ 50-70. Ai có thể tin được ở những tuổi ấy các nghệ nhân diễn vẫn cảm xúc cùng giọng hát còn vang và đầy đặn lắm.
Năm nay đã 72 tuổi, nghệ nhân Phạm Tuấn Khanh - trưởng CLB tuồng Liên Hà - kể cả đội tuồng của ông có khoảng 30 người phần lớn là nông dân. Các ông, các bà vì yêu tuồng mà “đeo mang”. Không nguồn tài trợ hoạt động nên tiền mua quần áo, son phấn, đạo cụ cho mỗi đêm diễn đều từ thóc gạo, rau, ngô.
“Nhiệt tình thế nhưng khổ nỗi giờ ít người xem lắm, kể cả ở làng. Và buồn hơn nữa là vào hội làng, chính quyền toàn đón những đoàn ca mới về diễn chứ có mời CLB diễn đâu. Để vẫn đưa được tuồng ra sân khấu, chúng tôi phải “thiên biến” bằng cách dàn dựng chương trình tổng hợp có cả ca mới, múa, hát và đan xen vào đó đôi trích đoạn tuồng...” - ông Khanh ngậm ngùi nói.
Không riêng gì Liên Hà mà cả chín CLB tuồng tham dự chương trình này bao năm qua vẫn hoạt động bền bỉ và nhiệt huyết trên những đam mê của nông dân và nguồn chi phí từ khoai bắp, gạo sắn trồng trên đồng ruộng của họ.
Còn chính quyền địa phương nói không thì không hẳn mà dăm thì mười họa (khi có đợt thi quần chúng nào đó) cũng rót một chút kinh phí nho nhỏ... để các cụ đi thi gọi là...
Nhưng rõ ràng không ai bận tâm đến điều đó, đêm đêm các cụ vẫn say sưa hát, say sưa truyền nghề cho con cháu mình và vẫn nhắc nhau rằng: nếu cứ nghĩ đến tiền thì đừng có tham gia nữa!
Với các cụ, còn sống thì còn hát tuồng và chỉ cần thi thoảng làng, tổng có hội được ra diễn, nhất là như hôm nay được ra trung tâm Hà Nội vui hội rồi khi diễn xong lui về phía sau ăn bát cháo gà nhà hát thết đãi như kiểu gánh hát thuở xưa đã là hạnh phúc lắm rồi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận