Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ của trường giảm mạnh vì không có người học - Ảnh: T.H.
Những vấn đề này được những "người trong cuộc" chia sẻ tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng - Chính sách học bổng và hợp tác nhà trường - doanh nghiệp". Tọa đàm do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup) đồng tổ chức sáng 23-3.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết chỉ tiêu tuyển sinh cao học của trường 5 năm trước đây là 2.000. Nhưng hiện nay trường chỉ còn có 500 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo thạc sĩ, giảm tới 75%. Vậy mà số chỉ tiêu khiêm tốn đó còn tuyển sinh khó khăn và không phải 500 thạc sĩ đều tốt nghiệp được.
Tương tự, đối với đào tạo tiến sĩ, hiện mỗi năm trường chỉ tuyển sinh đào tạo được khoảng 70 - 80 chỉ tiêu. "Trường càng lớn càng khó tuyển sinh đào tạo sau đại học (ĐH), càng đòi hỏi chất lượng đầu vào khắt khe càng khó tuyển" - ông Sơn nêu thực trạng.
PGS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng chia sẻ thông tin: các trường ĐH lớn đều có tình trạng giảm tuyển sinh đầu vào sau ĐH. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trước đây chỉ tiêu đào tạo sau ĐH là 1.300 - 1.400, nay giảm chỉ còn một nửa.
Theo PGS Mai Thanh Phong, tình trạng tuyển sinh sau ĐH ở các trường ĐH giảm sút mạnh không phản ánh đúng nhu cầu của xã hội. Nhu cầu học cao học vẫn lớn nhưng chỉ có nhu cầu học cao học trong nước thấp và đang có mục tiêu học lệch lạc.
Trong khi những người giỏi đều tìm cách đi đào tạo ở nước ngoài, còn trong nước có rất nhiều người học thạc sĩ là vì học ĐH tại chức hoặc học ở những trường không có uy tín, muốn vào học thạc sĩ ở trường lớn để "rửa bằng" ĐH. Còn những người có nhu cầu học thật sự thì cũng có rất ít người bỏ 100% thời gian để học, phần lớn là học bán thời gian vào buổi tối, cuối tuần…
Mặt khác, là người trong cuộc, ông Phong cũng tự đánh giá chương trình đào tạo cao học tại các trường ĐH trong nước hiện nay chưa linh động, đáp ứng nhu cầu luôn biến động của thị trường lao động, cũng như nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đây cũng là một yếu tố giảm sức hút vào các chương trình đào tạo sau ĐH trong nước.
Bên cạnh những giải pháp mà cơ quan quản lý, các trường ĐH phải thực hiện để đổi mới chương trình đào tạo, có phương thức và nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội, một giải pháp được các đại biểu cho rằng sẽ mang lại hiệu quả là sự hợp tác giữa các trường ĐH và doanh nghiệp.
Trong đó, cần phải triển khai mạnh các chương trình hỗ trợ nhằm thu hút nguồn tuyển sinh có chất lượng cao, nâng chất lượng đào tạo và gắn với sử dụng để tạo ra sức hút đối với người học.
Giáo sư Vũ Hà Văn - giám đốc Viện nghiên cứu dữ liệu lớn - cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không chỉ là các đơn đặt hàng về nhân lực, sản phẩm nghiên cứu, theo GS Vũ Hà Văn, các doanh nghiệp cần trực tiếp hỗ trợ các cơ sở đào tạo, hỗ trợ các cá nhân xuất sắc theo học các chương trình đào tạo sau ĐH trong nước, trực tiếp nâng chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong những năm tới.
Theo GS Vũ Hà Văn, "Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước" thuộc Quỹ đổi mới sáng tạo thuộc Tập đoàn Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF) sẽ trao 100 suất học bổng hỗ trợ học tập với trị giá lên đến 120 triệu đồng/năm cho bậc học thạc sĩ và 150 triệu đồng/năm với bậc học tiến sĩ.
Bên cạnh học bổng hỗ trợ học tập nói trên, VINIF còn tiếp tục hỗ trợ thêm lệ phí đăng ký, đi lại, ăn ở cho học viên cao học và nghiên cứu sinh đã nhận học bổng hỗ trợ học tập tham dự các hội nghị quốc tế.
Thông qua chương trình học bổng này, VINIF kỳ vọng sẽ hỗ trợ tài chính cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc thuộc các chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc y dược để trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của những lĩnh vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận