12/08/2011 12:11 GMT+7

Người em tội đồ

Bà X. (mẹ của bị hại và bị cáo)
Bà X. (mẹ của bị hại và bị cáo)

TT - Ở phiên tòa đặc biệt này chỉ có một người mẹ chung cho cả bị cáo và bị hại, bởi hai người đó là anh em ruột thịt.

VNOxBCdl.jpgPhóng to

Người mẹ ấy là bà Phạm Thị X., ở phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, góa chồng đã 20 năm qua. Bà có hai con trai là Phạm Văn T., con đầu, Phạm Văn Sinh, con út, và bảy người con gái.

Khoảng cách ra đời của hai người con trai đến 23 năm, nên Sinh (29 tuổi), cũng chỉ bằng tuổi con của anh T. (53 tuổi), là bạn chơi với con anh T.. Anh T. làm vườn và uống... rượu, Sinh làm ngư phủ, đánh cá trên hồ Tân Rai. Nhà nghèo nên Sinh chỉ học đến lớp 3. Nhiều năm qua Sinh kiếm sống bằng nghề chài lưới ban đêm, mỗi sáng đưa cá về cho vợ mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi mẹ, vợ và con gái nhỏ. Sinh sống lặng lẽ và nhọc nhằn như thế trong vai lao động chính của một gia đình lớn.

Rượu, “ma đưa lối, quỷ đưa đường”

"Mỗi đứa con là một khúc ruột, mất khúc nào cũng đau"

23g ngày 17-11-2010, Sinh đi uống rượu về. Bấy giờ anh T. cũng đã uống say và bắt đầu chửi bới vợ. Sinh tạt vào nhà bảo anh trai: “Khuya rồi, đừng chửi vợ con nữa”. Anh T. bảo Sinh: “Mày làm em mà hỗn láo, dám dạy đời anh” - rồi đuổi em về. Lát sau anh T. mang một chiếc nỏ sang nhà Sinh để “tao thay cha dạy mày” thì khẩu chiến diễn ra, Sinh nhặt gạch ném lại. Hai anh em cãi vã dữ hơn, lao vào vật đánh nhau. Kết cục Sinh vào lấy con dao phát cỏ ra chém anh trai chết ngay trên sân căn nhà Sinh ở, cũng là nhà từ đường của bố mẹ.

Tòa hỏi bị cáo sao có thể cầm dao chém anh trai ruột rà duy nhất của mình như thế, bị cáo nghẹn lời: “... Bị cáo đau xót và ân hận lắm, chỉ vì cãi vã, lời qua tiếng lại mà sự tình đi xa đến nỗi đó...!”. Có lẽ vì vậy mà khi tòa cho bị cáo nói những lời sau cùng thì bị cáo chẳng xin giảm án, cứ như muốn để cho mình bị trừng phạt đúng với tội lỗi của mình.

Những ai có mặt trong phiên tòa phúc thẩm mà TAND tối cao xử (tại TAND tỉnh Lâm Đồng) vụ “huynh đệ tương tàn” này đều nhận ra bị cáo từ đầu đến cuối đã không đủ can đảm để quay mặt xuống nhìn ánh mắt mẹ, con gái, cũng như những người chị của mình.

Tình cảnh người mẹ

Mọi người dồn sự chú ý vào người mẹ của nạn nhân T. - đã nằm im dưới mồ - và của bị cáo đang đứng kia. Bà lão gầy gò, xanh xao, cứ ngồi lặng thinh, đang mắc bệnh tim mạch và chứng lãng tai. Khi tòa cho đứng lên, bà đã rón rén hơi được hơi mất xin: “... Làm ơn cho nó về để nuôi tôi, vợ, con nó, và phụ giúp vợ, con của anh nó...”. Ai theo dõi phiên sơ thẩm sẽ khó quên lời sâu nặng giản dị của bà: “Mỗi đứa con là một khúc ruột, mất khúc nào cũng đau. Ước gì những đứa còn lại yên ổn, an lành!”.

Phía bị hại - vợ, con của người đã bị giết chết - không có mặt ở phiên tòa phúc thẩm này vì ở phiên sơ thẩm họ đã tuyên bố bãi nại cho bị cáo. Không chỉ bãi nại, họ còn kêu nài tòa giảm án hoặc tha cho bị cáo, cho bị cáo cơ hội để làm lại cuộc đời, nên trong đơn thỉnh nguyện đã van xin rằng: “Chết cha, còn chú...”.

Người mẹ cùng năm người con gái đã có thỉnh nguyện thư xin giảm án cho bị cáo Sinh. Trong hồ sơ do địa phương xác nhận còn có cả đơn với một loạt chữ ký của hàng xóm xin khoan hồng cho bị cáo. Tòa phúc thẩm hỏi về lá đơn mới nhất xin giảm án cho con mà người mẹ nhờ người khác viết hộ: “Tại sao bà làm đơn muộn thế?” Bà lão X. trả lời rằng: “...Vì tôi không biết chữ, không biết gì cả về các quy định... Thằng Sinh nó cũng học ít lắm, anh nó, các chị nó cũng vậy”.

Tòa đề nghị bà nhận xét về bị cáo. Bà rằng: “Nó khổ từ nhỏ, khổ ải trăm bề, mãi đến giờ, khổ vì anh nó và khổ vì cái nghèo của tôi. Tội nghiệp!”. Tòa cũng bảo bà nhận xét về người con đầu đã khuất. Bà rằng: “... Cũng nóng tính...!”. Trước tòa, bà giấu những chuyện như người con trai lớn tát tai bà hay đánh đập, hành hạ vợ, con, em gái, kể cả chuyện cậu em út cũng từng bị anh nhấn xuống ao... Những người con gái của bà ngồi phía sau cứ rào rào lên, mớm, nhắc tuồng cho người mẹ kể lại những gì cần kể trước tòa để “tốt hơn” cho em út.

Án 14 năm và án một đời

Ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo nhận toàn bộ tội lỗi, không kể lể, trách gì về tật say xỉn và hành hạ người thân của người anh. Ở phiên phúc thẩm này bị cáo mới nêu sự việc là giữa hai anh em từng nhiều lần cãi vã, xung đột, nhưng bị cáo rất thương anh và chuyện đánh cho anh bị thương cũng chưa từng dám nghĩ chứ đừng nói giết. Trước khi tòa phúc thẩm diễn ra, vị luật sư ghé nhà tạm giam bị cáo ở đồi Dã Chiến (Đà Lạt) để hỏi bị cáo sao không kể ra hết mọi chuyện trước tòa sơ thẩm, bị cáo rằng: “... Cố ráng chịu, vì nói ra tội nghiệp người đã khuất. Thêm nữa, bạn tù (tạm giam) cũng chỉ vẽ, “dạy” không nên kể ra nhiều; càng kể ra tội càng nặng, bị xử tử hình không chừng...”.

Bị cáo bảo nếu ra tù sớm mới còn kịp thời gian chăm lo cho mẹ và có cơ hội để làm việc bù đắp, san sẻ khổ cực, phụ giúp chị dâu và các cháu...

Tòa sơ thẩm kêu án 16 năm tù giam. Phiên tòa phúc thẩm của TAND tối cao khi tiếp cận thêm hồ sơ “rượu và tính chướng, tật quậy” của người anh, tình cảnh người mẹ, cả bức tranh quá chua cay, bi thảm của đại gia đình này... đã bớt cho bị cáo hai năm, chỉ còn 14 năm. Tuy nhiên, như trước đó bị cáo trần tình trước tòa rằng: “Có ở tù bao nhiêu năm cũng không nhìn thấy lại người anh!”. Bản án lương tâm trong trường hợp này là quá lớn, khó thể phôi pha sẽ bám theo bị cáo cả cuộc đời.

Đại gia đình của họ đã chịu nhiều mất mát, đau khổ trong vụ án này, phút chốc mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... Họ là anh em, ruột rà, hằng ngày ở ngay sát nhau và có nhiều cái chung kể cả vào cái đêm khuya xảy ra vụ anh em sống mái nhau đó, hai người vợ của hai anh em cũng cùng chạy ra đường để cùng la lên về việc đánh nhau của hai người đàn ông.

Những ngày qua, người ta thấy vợ của Phạm Văn Sinh, người thiếu phụ nhỏ thó, còm nhom, không còn được bán cá do chồng đánh bắt mà đi mua cá của người khác để về bán ở chợ phường.

Bà X. (mẹ của bị hại và bị cáo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên