Minh họa: DAD
Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam - vừa có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và ông cũng nằm trong danh sách tinh giản biên chế đợt 1 năm 2022.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Chín - trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - xung quanh câu chuyện này.
* Trường hợp của ông Quốc có đơn xin nghỉ với lý do sức khỏe, nằm trong diện tinh giản biên chế, tỉnh cho nghỉ hưu trước tuổi vào tháng 1-2022. Trong khi Ban thường vụ Tỉnh ủy đánh giá ông Quốc không còn đủ uy tín của người đứng đầu sở, ông có thể nói rõ hơn về trường hợp này?
- Như đã biết, trường hợp ông Quốc thời gian qua dư luận, báo chí cũng đã phản ánh nhiều. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức kiểm điểm trong tập thể đảng ủy, cán bộ chủ chốt và hiệu trưởng các trường thì cũng đánh giá ông có những khuyết điểm, hạn chế, gây bức xúc trong dư luận.
Trường hợp ông chưa đến mức xem xét miễn nhiệm hoặc kỷ luật, nhưng Ban thường vụ kết luận ông không thể tiếp tục đảm trách chức vụ giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.
Có hai phương án đặt ra: điều chuyển qua một chức vụ phù hợp hơn hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng do điều kiện sức khỏe, ông Quốc xin nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ bảo hiểm xã hội, phù hợp với việc tinh giản biên chế. Ban thường vụ Tỉnh ủy đang làm quy trình, thủ tục bố trí nhân sự vào chức vụ giám đốc sở vào tháng 1-2022.
Ông Nguyễn Chín - trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam
* Vừa qua Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ công chức, trong đó có đề cập về việc người đứng đầu hạn chế về năng lực và uy tín thấp thì chủ động xin thôi giữ chức vụ. Việc này được dư luận đồng tình, ủng hộ, xem như một bước đột phá trong công tác cán bộ. Ông có thể cho biết xuất phát từ thực tiễn như thế nào tỉnh ban hành quy định như vậy?
- Bộ Chính trị đã có quy định 260, gần đây là quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, cũng quy định rất rõ về miễn nhiệm, từ chức, thôi giữ chức. Khi cán bộ giảm sút uy tín, có căn cứ để miễn nhiệm thì tiến hành miễn nhiệm hoặc xin từ chức.
Việc tỉnh ban hành bộ quy tắc này thực ra không phải khung pháp lý bắt buộc, chủ yếu vận động các cán bộ đảng viên có chức vụ, được tập thể chỉ ra rằng không còn uy tín, đặc biệt là dư luận bức xúc, sẽ được điều chuyển, sắp xếp qua vị trí khác hoặc cá nhân tự giác xin nghỉ.
Đây là việc rất cần thiết, đỡ phức tạp cho các quy trình, tổ chức. Vì kết luận đối với một người tốn rất nhiều thời gian, quá trình như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc của một hệ thống.
Bộ quy tắc này ra đời đóng góp rất lớn, làm cho hệ thống thông suốt, mạnh mẽ liên tục, không bị đứt quãng vì những lý do không nên của một tổ chức. Trong thực tiễn diễn ra ở tỉnh cũng có việc miễn nhiệm, từ chức, xin nghỉ nhưng không được phổ biến. Nay dần hình thành việc tự giác, nêu gương của cán bộ.
* Làm sao để xác định một cán bộ, lãnh đạo quản lý không đủ uy tín, năng lực hạn chế để cho nghỉ, chuyển vị trí khác hoặc từ chức? Việc này khi thẩm định đánh giá cán bộ để tỉnh đưa ra quyết định có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Quy trình đánh giá một cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo, người đứng đầu hiện rất chặt chẽ. Sẽ đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, đặc biệt là năng lực quản lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để xảy ra những vấn đề làm cho dư luận bức xúc, quan tâm, đặc biệt khả năng xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Khi đánh giá cán bộ sai sót, tổ chức sẽ đánh giá động cơ, mức độ, tác hại, hạn chế. Tập thể, cán bộ công chức đánh giá, cơ quan quản lý công chức đánh giá cuối cùng. Rất nhiều kênh xem xét đánh giá, có thể từ quần chúng, trong Đảng, chi bộ, cấp ủy.
* Sắp tới, tỉnh có tiếp tục rà soát những người đứng đầu không đủ uy tín, năng lực có thể khuyến khích tự xin nghỉ để những người đủ năng lực, uy tín thay giữ chức vụ không, thưa ông?
- Đó là điều chắc chắn. Quy định 41 đã triển khai trong toàn Đảng rồi, chắc chắn việc ra đời bộ uy tắc ứng xử trên tỉnh sẽ tiếp tục xúc tiến việc đó bằng cách đánh giá cán bộ, người đứng đầu hằng tháng, hằng năm và đột xuất nếu có phản ảnh từ người dân, dư luận, tập thể cơ quan, sẽ lắng nghe nhiều phía.
Nếu những bức xúc, phản ảnh là thật, đúng thì cấp thẩm quyền phải xem xét, xử lý. Nếu cấp dưới có đề xuất hoặc không đề xuất, nhưng cấp trên thấy được thì vẫn xem xét, yêu cầu ra quyết định chứ không nhất thiết phải chờ cấp dưới đề xuất.
158 người nghỉ hưu trước tuổi
Mới đây, tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh sách tinh giản biên chế (đợt 1 năm 2022), có 158 người nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có ông Hà Thanh Quốc, thời điểm tinh giản biên chế là ngày 1-1-2022.
Ngày 9-12 vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã họp, nghe báo cáo kiểm điểm, bàn phương án điều động ông Quốc công tác nơi khác, nhưng ông có nguyện vọng xin nghỉ hưu. Ông Quốc đã gửi đơn đến Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam xin nghỉ hưu trước tuổi sau những "lùm xùm" liên quan đến luân chuyển, điều động giáo viên, sửa chữa trường học.
Tháng 9-2021, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh giải trình về các quyết định điều động, luân chuyển lãnh đạo quản lý, giáo viên của các trường THPT từ 3 năm trở lại đây khi trên mạng xã hội xôn xao chuyện các giáo viên than phiền việc điều chuyển đã làm ảnh hưởng tới tâm trí, thời gian.
Tháng 11-2021, ông Quốc có công văn gửi cho các trường về việc sửa chữa trường học gây xôn xao dư luận khi giới thiệu 3 công ty tư vấn, dư luận cho rằng như thế là "gợi ý", "áp đặt", sở sau đó đã thu hồi công văn do "dễ gây hiểu nhầm", tỉnh đã báo cáo Ban thường vụ xử lý theo thẩm quyền.
Tỉnh này cũng cho thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 do sở quản lý. Đặc biệt, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra sở này và cá nhân ông Quốc.
* PGS-TS Nguyễn Văn Trình (nguyên Phó giám đốc Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Cần cụ thể tiêu chí đánh giá để miễn nhiệm, từ chức
PGS-TS Nguyễn Văn Trình
Tháng 11-2021, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó có nêu 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xin từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ của tỉnh Quảng Nam là bước triển khai cụ thể quy định của Bộ Chính trị tại địa phương. Bước đầu tỉnh này cũng có cho thôi chức một cán bộ không đủ phẩm chất, uy tín cũng là một tín hiệu tốt cho thấy hiệu quả việc áp dụng quy định đi vào đời sống. Giống như Quảng Nam, các địa phương khác cũng cần triển khai quy định 41 để đánh giá, xử lý cán bộ.
Trên tinh thần đó, các địa phương cần có bộ tiêu chí có tính định lượng để đánh giá cán bộ, nhất thiết không được chung chung, trừu tượng.
Khi có tiêu chí cụ thể thì cơ sở đảng có thể đánh giá chính xác, khách quan, kịp thời về việc hoàn thành nhiệm vụ, năng lực quản lý, lãnh đạo, phẩm chất của cán bộ theo từng quý, từng năm. Từ đó cơ sở đảng, cấp chính quyền có thể lấy ý kiến đánh giá của đảng viên, của tập thể đối với cán bộ để ra các quyết định tiếp theo.
Tiêu chí đã cụ thể thì bản thân cán bộ cũng có cơ sở để tự đánh giá, xếp loại, tự kiểm điểm xem mình có tương xứng với nhiệm vụ hay không. Nếu thấy không tương xứng thì cán bộ xin không đảm nhiệm quản lý, lãnh đạo nữa để cơ sở đảng nơi cán bộ công tác và cơ sở đảng cấp trên xem xét cho miễn nhiệm, từ chức.
Ngoài ra, đối với cán bộ không đủ năng lực, uy tín mà không tự giác từ chức, cố tình "bám ghế" (là tình trạng phổ biến có nguyên nhân từ chạy chức, chạy quyền) thì căn cứ tiêu chí đánh giá để cơ sở đảng "vận động" cán bộ đó từ chức, tiến hành miễn nhiệm.
THÁI AN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận