21/03/2019 15:40 GMT+7

Người dùng đang phải bù chéo giá điện cho sắt thép, ximăng?

N.AN
N.AN

TTO - Tại tọa đàm “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần bỏ cơ chế bù chéo với ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng như sắt, thép, ximăng.

Người dùng đang phải bù chéo giá điện cho sắt thép, ximăng? - Ảnh 1.

Tọa đàm “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức - Ảnh: NHẬT BẮC

Ông Lực cho biết hiện nay các ngành sản xuất đang được bù giá điện, khi mới chỉ chịu mức giá khoảng 6,8 cent/kWh trong khi giá điện sinh hoạt khoảng 8,7 cent/kWh và các ngành khác là 10 cent/kWh.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp lại tiêu tốn đến 55% tỉ trọng tiêu thụ điện năng. "Hiện người tiêu dùng, người dân, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ đang phải bù một phần nào đó cho các doanh nghiệp công nghiệp như vậy là không công bằng", ông Lực cho hay.

Do đó, chuyên gia này đề nghị tiến tới bỏ cơ chế bù chéo, làm sao để doanh nghiệp tập trung sản xuất tiết giảm chi phí bằng cách tiết kiệm điện, sử dụng những thiết bị điện tiêu tốn ít điện năng. Đây cũng là điều cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20-3 đã được đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến CPI và GDP.

Giá điện của Việt Nam bằng khoảng 58% giá điện bình quân của 8 nước Đông Nam Á, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực như Lào, Campuchia. Còn so sánh với các nước có GDP tương tự như Việt Nam, giá điện chỉ bằng 80%, sau khi điều chỉnh thì giá điện bình quân bằng 91% giá điện nhiều nước trên thế giới.

Ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho rằng cũng như người dân, ngành điện không muốn tăng giá điện. Tuy nhiên, EVN chỉ đảm bảo được nguồn cung khoảng 40-50%, còn lại đều phải mua điện từ các nhà máy độc lập, nên nếu không tăng giá điện thì ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.

Ông Tri giải thích thêm là hiện các nhà máy điện đều chịu sức ép khi giá các mặt hàng đầu vào như than, khí đều tăng. Trong khi đó, nước từ các nhà máy thủy điện lại khô hạn nên EVN tính toán phải phát dầu với khoảng 2,22 tỉ kWh điện, sẽ làm cho chí phí càng tăng vọt khi EVN phải chi 3.000-4.000 tỉ đồng để đảm bảo điện mùa khô.

Ông Tuấn cho biết theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống đã được Bộ Công thương ban hành, cơ cấu các nguồn điện sẽ được huy động trong năm 2019 bao gồm: nguồn thủy điện chiếm 31,3%, nguồn nhiệt điện than chiếm tới 46%, điện khí chiếm 18,6%, điện dầu chiếm 0,6%, điện tái tạo sẽ chiếm 1,2%.

Tăng giá điện từ ngày 20-3-2019: EVN tăng thu 20.000 tỉ đồng

TTO - Số tiền mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu được từ việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20-3 là 20.000 tỉ đồng/năm.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên