Mẹ đơn thân và 4 đứa trẻ
Dưới cái nắng đỏ lửa, căn phòng trọ nhỏ, tối thui của người mẹ đơn thân - chị Thị Miệp và 4 đứa con ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nóng hầm hập.
Nhìn bốn đứa bé (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi) nằm lăn lóc dưới nền khiến ai cũng chạnh lòng.
"Các cháu chưa được đi học, sợ chúng chạy lung tung ra ngoài đường nên có một người đã mua chiếc tivi, chút đồ đạc để chúng tự chơi với nhau khi mẹ đi làm thuê" - luật sư Mai Quốc Việt cho hay.
Quá trưa, chị Miệp mới trở về.
Một bên mắt đã bị hư, cuộc sống lam lũ đã khiến chị già dặn hơn cái tuổi 36 của mình.
Miệp quê ở miệt biên giới của tỉnh Bình Phước. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, chị bồng bế tụi nhỏ ra Đà Nẵng. Những ngày đầu cực khổ vô cùng vì đất lạ, người lạ. "Không có giấy tờ chi, lại không biết chữ nên đi kiếm việc mà chẳng ai nhận" - chị Miệp nhớ lại.
Giữa những chông gai ấy, 5 mẹ con chị đã được những người hàng xóm, những người xa lạ giúp đỡ.
Chị cũng được "người dưng" giới thiệu cho chỗ rửa chén bát thuê - lấy đó làm nguồn sống nuôi các con.
Nhiều bữa mắt đau nhói nhưng chị vẫn ráng đi làm. "Mình không đi làm thì các con không có cái ăn. Nghĩ đến con là phải đi" - chị Miệp nói.
Giữa câu chuyện, có những đoạn chị Miệp dừng hồi lâu rồi mới tiếp lời. Chị Miệp bảo hôm có người đến chở đi làm căn cước. "Người ta giúp đỡ mà mình không biết tên chi. Họ hỏi số điện thoại, mà mình không biết đọc, không nhớ số" - chị thật thà nói.
Hành trình giúp 5 mẹ con không còn "vô danh"
Chị Đ. - một người Đà Nẵng - ở gần chỗ trọ của mẹ con Miệp nên biết hoàn cảnh ngặt nghèo này và đã giúp đỡ đồ ăn, đồ dùng…
Nhưng điều chị Đ. lo nhất là 5 mẹ con chẳng có giấy tờ tùy thân gì. Nhất là tụi nhỏ, chúng cần phải được đến trường. Chúng còn tương lai. "Không có giấy tờ nên mẹ con họ như người vô danh vậy" - chị Đ. tâm sự.
Chị Đ. đã trao đổi với vợ chồng luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn luật sư Đà Nẵng) để cùng chung tay.
Chị Đ. cho chị Miệp nhập khẩu vào gia đình mình để có nơi cư trú. Còn vợ chồng luật sư Việt hỗ trợ viết các giấy tờ liên quan, chở chị Miệp đi làm căn cước. "Các anh công an biết trường hợp ni nên hỗ trợ làm rất nhanh" - anh Việt cho hay.
Sau khi chị Miệp có căn cước công dân, vợ chồng luật sư Việt lại tất tả ra phường đi làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ.
Tuy nhiên, chỉ làm được giấy khai sinh cho hai cháu (cấp tháng 1-2024) vì các cháu có giấy chứng sinh.
Còn hai cháu chưa làm được bởi một cháu không có giấy chứng sinh, một cháu giấy chứng sinh sai tên mẹ.
Anh Việt được hướng dẫn là phải quay về Bình Phước tìm hai người làm chứng, chứng thực về nội dung có chứng kiến chị Miệp có sinh, liên hệ nơi sinh để làm thủ tục cấp lại đúng thông tin...
"Tình trạng 5 mẹ con như vậy, tiền bạc không có, chị Miệp lúc nhớ lúc quên nên việc đi về quê gần như bất khả thi" - luật sư Việt cho biết và anh đã viết đơn gửi cơ quan chức năng.
Theo đó, vào tháng 9-2023, anh Việt hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí cho chị Miệp để thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy khai sinh cho các con của chị.
Chị Miệp là người sinh ra và lớn lên ở ấp vùng sâu, vùng xa ở Bình Phước; thuộc đồng bào dân tộc ít người - Xtiêng. Bản thân chị không biết đọc, không biết viết, mắt chỉ nhìn thấy được một bên, không có nghề nghiệp ổn định.
Chị Miệp có 4 người con, do không có giấy khai sinh nên các cháu chưa được đi học.
Được sự quan tâm giúp đỡ của hàng xóm láng giềng tại khu vực Hòa Minh, được sự hỗ trợ của công an phường nên chị Miệp đã có được chỗ cư trú hợp pháp và làm được căn cước công dân.
Khi đã có căn cước, tiến tới thủ tục cấp giấy khai sinh cho các người con của chị Miệp thì gặp vướng mắc đối với cháu bé sinh năm 2012 và cháu sinh năm 2018...
Đồng thời, luật sư Việt cũng làm văn bản gửi vào quê chị Miệp để xác minh có làm giấy khai sinh cho các cháu bé chưa.
Mới đây, luật sư Việt đã nhận được văn bản hướng dẫn của sở.
"Theo văn bản, vẫn có thể làm được giấy khai sinh cho các cháu nhưng phải có người làm chứng. Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục đến phường ký với tư cách là người làm chứng" - luật sư Việt cho hay.
Ước mơ của xóm
Ông Nguyễn Huy Dũng - tổ trưởng tổ dân phố - chia sẻ: "Chừ mong muốn lớn nhất là 4 đứa nhỏ được đi học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận